Có kết thúc được câu chuyện phạt cho tồn tại?

Bắt đầu từ ngày 15-1-2018, các công trình xây dựng sai phép và không phép sẽ bị xử lý nghiêm bằng cách yêu cầu chủ đầu tư khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Đây là những quy định mới của Nghị định số 139 (NĐ 139) về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; kinh doanh bất động sản (BĐS), phát triển nhà ở; kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng…

Công trình khủng chỉ bị “giơ cao đánh khẽ”?

Nộp phạt rồi được tồn tại, thực trạng trên đang diễn ra tại không ít công trình, đặc biệt tại ba TP lớn của cả nước là Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. Điều này khiến người dân không khỏi nghi ngại vào các chế tài xử lý công trình vi phạm luật.

Tại Hà Nội, thời điểm tháng 6-2017 đã nổi lên một loạt công trình khủng bị các cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên, câu chuyện cuối cùng là việc chấp hành các quyết định xử phạt lại được chủ đầu tư làm theo kiểu câu giờ, còn cơ quan trực tiếp xử lý lại không có động thái quyết liệt.

Đầu năm 2017, thông tin Tòa nhà Sky City Láng Hạ, quận Đống Đa với sai phạm biến một phần diện tích tầng kỹ thuật và tầng mái thành 6 căn penthouse chính thức bị thanh tra Bộ Xây dựng vào cuộc khiến giới xây dựng ngóng tin kết quả xử lý. Sau hơn một năm kết luận thanh tra, tòa nhà vẫn tồn tại những công trình sai phạm trên. Một cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng phụ trách dự án cho biết, thanh tra đã gửi văn bản yêu cầu cưỡng chế. Tuy nhiên, cưỡng chế khó vì chủ đầu tư đã bán lại những căn hộ đó cho khách hàng và việc phá nhà của dân rất khó khăn.

Tại quận Thanh Xuân, trong tháng 6-2017, ông Khổng Minh Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân ký văn bản trình UBND TP Hà Nội ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cty CP Đầu tư và xuất nhập khẩu Mỹ Sơn về hành vi thi công công trình sai giấy phép được cấp tại dự án chung cư Mỹ Sơn, 62 Nguyễn Huy Tưởng vì vượt tầng.

Hình thức xử phạt chính: Phạt tiền 1,5 tỷ đồng; tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng được cấp và buộc tháo dỡ phần công trình xây dựng không đúng với giấy phép xây dựng được cấp. Công trình sau đó bị dừng thi công, xong việc chủ đầu tư có phá dỡ phần sai phạm hay không chỉ có thời gian trả lời.

Cũng tại quận Thanh Xuân, Dự án Golden West ở số 2 Lê Văn Thiêm do Cty CP Phát triển thương mại Việt Nam (Vietradico) cũng dính lùm xùm khi chủ đầu tư biến ô thoáng thành căn hộ để bán từ cuối năm 2016. Công trình đã đi vào sử dụng còn thanh tra cũng chỉ dừng ở mức phạt…

Trên đây chỉ là những ví dụ cho một loạt bất cập liên quan đến việc xử lý các công trình vi phạm luật. Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc xử lý dứt điểm các công trình trên không khó nhưng lại bị vướng bởi sự không rõ ràng của Nghị định 121/2013. Nghị định này quy định khi công trình thỏa mãn một số điều kiện thì chủ đầu tư được nộp phạt cho phần vi phạm xây dựng (bằng 40%-50% giá trị phần vi phạm, tùy công trình là nhà ở riêng lẻ hay dự án).

Thay vì bắt buộc các chủ đầu tư phải tháo dỡ ngay các diện tích vi phạm và tổ chức cưỡng chế thực hiện thì nhiều địa phương đã chấp thuận cho họ tiếp tục hoàn thành công trình sau khi đóng phạt.

Tòa nhà 4 và 6 tầng chung cư 96A Định Công, quận Thanh Xuân do Cty CP Mộc và xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư xây trên đất quy hoạch trạm điện chỉ bị Sở Xây dựng xử phạt hành chính. Ảnh: K.H.

NĐ 139 có chấm dứt tình trạng phạt cho tồn tại?

Cuối năm 2017, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị triển khai NĐ 139, NĐ có hiệu lực từ ngày 15-1-2018. Như vây, kể từ ngày 15-1, các trường hợp xây công trình trái phép không còn được nộp tiền để tồn tại phần xây trái phép.

Cụ thể, hành vi tổ chức thi công xây dựng không che chắn, hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 500.000-1 triệu đồng. Hành vi tổ chức thi công xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng bị phạt tiền 3-5 triệu đồng (đối với trường hợp được cấp phép sửa chữa, cải tạo); 10-20 triệu đồng (đối với trường hợp được cấp phép xây dựng mới). Hành vi xây dựng không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng bị phạt 20-30 triệu đồng.

Riêng hành vi xây dựng công trình không phù hợp nội dung quy hoạch xây dựng được duyệt, vi phạm chỉ giới xây dựng, sai cốt xây dựng, lấn chiếm diện tích, không gian thuộc quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác bị phạt 50-60 triệu đồng. Cũng theo NĐ 139, đối với các vi phạm nêu ở trên (trong đó các hành vi xây dựng sai phép, không phép đã kết thúc), ngoài việc nộp phạt thì chủ đầu tư còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm.

Trong trường hợp việc xây sai phép, không phép đang được thực hiện, chủ đầu tư bị lập biên bản yêu cầu dừng thi công, được dành 60 ngày kể từ ngày lập biên bản để xin điều chỉnh giấy phép xây dựng hoặc cấp mới giấy phép xây dựng. Hết thời hạn này mà không xuất trình được giấy phép xây dựng phù hợp thì phải tháo dỡ phần vi phạm...

Mới đây, trao đổi với PV, ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, đã yêu cầu thanh tra xây dựng tại các quận, huyện và thị xã kiểm tra các công trình vi phạm pháp luật, nhất là các công trình vi phạm từ ngày 15-1-2018, lập hồ sơ báo cáo và xử lý nghiêm.

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/co-ket-thuc-duoc-cau-chuyen-phat-cho-ton-tai-111719.html