Có mã ngành Kiểm lâm sẽ giúp đội ngũ kiểm lâm chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa

Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm một số địa phương, việc mở mã ngành đào tạo Kiểm lâm sẽ giúp chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa trong đào tạo nhân lực ngành này.

Sau khi tuyển dụng, phải tổ chức thêm chương trình đào tạo cấp chứng chỉ kiểm lâm viên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hứa Việt Toàn - Trưởng phòng tổ chức, tuyên truyền và xây dựng lực lượng (Chi cục Kiểm lâm - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lạng Sơn) đã chia sẻ về thực tế tại địa phương.

Ông Toàn cho hay, Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới thuộc vùng Đông Bắc với diện tích tự nhiên là 831.009 ha, trong đó diện tích rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 602.496,294 ha, chiếm 72,50% diện tích tự nhiên của tỉnh. Diện tích đất lâm nghiệp lớn, do đó trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn rất nặng nề.

Lực lượng kiểm lâm tại Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: NVCC.

Hiện nay, số lượng kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn có 179/191 biên chế được giao. Nguyên nhân còn dư biên chế là do chưa tuyển đủ số lượng biên chế được giao qua các năm: Năm 2021 chỉ tiêu được giao 209 biên chế, thiếu 27 chỉ tiêu, trong khi đó thi, xét tuyển mới được 15/27 biên chế; năm 2022 chỉ tiêu được giao 206 biên chế, thiếu 21 biên chế (năm 2022 không tổ chức thi tuyển); năm 2023 chỉ tiêu giao 191 biên chế, thiếu 12 biên chế, thi tuyển được 03/12 biên chế. Do đó, mặc dù còn chỉ tiêu nhưng các cuộc thi tuyển hằng năm đều không tuyển đủ số biên chế được giao.

Về nguyên nhân không tuyển đủ số biên chế được giao là yêu cầu công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn ngày một cao, áp lực công việc là khá lớn. Hiện nay, 01 kiểm lâm viên trên địa bàn đang phải phụ trách từ 2-3 xã và quản lý bình quân với diện tích từ 5.000-7.000 ha. Ngoài ra, do đặc thù điều kiện, môi trường làm việc khó khăn (địa hình đồi núi, đường sá đi lại khó khăn, chế độ chính sách tiền lương, thu nhập còn hạn chế), dẫn đến một số công chức kiểm lâm xin chuyển công tác sang cơ quan khác hoặc xin nghỉ chế độ trước tuổi, có trường hợp xin thôi việc.

Các lần tổ chức thi tuyển có số lượng thí sinh dự thi thấp… dẫn đến số lượng người làm việc chuyên môn ngày càng giảm, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Theo ông Hứa Việt Toàn, tổng số công chức kiểm lâm toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có là 179 người, trong đó số công chức có trình độ thạc sĩ là 34 người (chiếm 18,99%); trình độ đại học là 130 người (chiếm 72,63%); trình độ trung cấp là 15 người (chiếm 8,38%, chủ yếu rơi vào những trường hợp công chức đã có tuổi, sắp đủ tuổi nghỉ hưu).

Tuy nhiên, các năm qua, thực tế công chức kiểm lâm thường tham gia các lớp đại học, sau đại học chuyên ngành về Lâm nghiệp, cũng như các lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước… để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; trong khi đó, chưa có chương trình đào tạo Kiểm lâm bậc đại học để lực lượng nâng cao trình độ đúng chuyên ngành.

Từ thực tế trên, đại diện Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lạng Sơn) bày tỏ: “Chúng tôi rất ủng hộ nếu có thể mở ngành đào tạo đại học chính quy đối với ngành Kiểm lâm. Bởi, như vậy, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác tuyển dụng, cũng như các hoạt động thực hiện nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm”.

Do đặc thù điều kiện, môi trường làm việc khó khăn (địa hình đồi núi, đường sá đi lại khó khăn...) khiến thiếu hụt nhân lực kiểm lâm viên. Ảnh: NVCC.

Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, ông Lê Văn Hải - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau) cho biết: “Giống hầu hết các địa phương khác, kiểm lâm viên tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau chưa có nhân lực được đào tạo chính quy từ ngành Kiểm lâm. Đơn vị thường tuyển dụng người học từ các ngành về Lâm nghiệp nói chung hoặc Lâm sinh, Kỹ thuật quản lý tài nguyên rừng, Luật... Sau khi tuyển dụng, đơn vị tổ chức lớp ngắn hạn về bồi dưỡng nghiệp vụ ngành kiểm lâm.

Mỗi đợt tuyển dụng, mặc dù cũng có người nộp hồ sơ, nhưng ứng viên chưa học đúng chuyên ngành, nên chúng tôi cũng mất công hơn.

Trước đây, giai đoạn từ những năm 2000 đến 2004, chúng tôi đã mở được 3 lớp đào tạo tại chỗ hệ trung cấp đối với lĩnh vực kiểm lâm. Tuy nhiên, sau này lại không tổ chức thêm. Mặc dù trong số các công chức được đào tạo khi đó, đến nay vẫn còn một số người hiện đang công tác tại Chi cục, song, theo tôi, những đợt đào tạo như vậy chỉ phần nào đáp ứng công việc. Theo tôi, đào tạo chính quy chắc chắn chất lượng sẽ tốt hơn, vì chất lượng đầu vào cũng cao hơn trước đây”.

Tương tự như những thực tiễn được chia sẻ trên, lực lượng kiểm lâm tại Yên Bái cũng đang gặp phải những khó khăn tương tự.

Chia sẻ với phóng viên, ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái) cho biết: “Từ trước đến nay, các Chi cục Kiểm lâm được tổ chức thi tuyển, tuyển dụng công chức ngành theo vị trí việc làm. Ví dụ, đối với ngạch công chức kiểm lâm, theo thông tư quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lực lượng kiểm lâm chỉ cần tốt nghiệp các trường như Trường Đại học Lâm nghiệp, các ngành/chuyên ngành cụ thể chuyên ngành như Quản lý bảo vệ rừng, Lâm sinh,... kể cả các ngành nông lâm kết hợp, vẫn đáp ứng ví trí việc làm.

Tuy nhiên, sau khi tuyển dụng các vị trí như vậy, đơn vị buộc phải tổ chức chương trình đào tạo thêm chứng chỉ kiểm lâm viên, tức là phải có thêm một bước nữa thì mới được công nhận là kiểm lâm viên. Đó cũng là một điều thực sự chưa phù hợp với quy định hiện nay về vị trí việc làm”.

Ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái). Ảnh: NVCC.

“Nếu được quan tâm mở mã ngành đào tạo về Kiểm lâm, chúng tôi rất phấn khởi”

Từ thực tiễn tuyển dụng đội ngũ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau) bày tỏ: “Dưới góc độ lãnh đạo kiểm lâm tại địa phương, nếu được quan tâm mở mã ngành đào tạo về chuyên ngành Kiểm lâm, chúng tôi rất phấn khởi, vui mừng tiếp cận nguồn nhân lực có chất lượng tốt hơn. Đơn vị cũng không phải tốn thời gian đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật thêm kiến thức”.

“Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm là tổ chức hành chính trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bên cạnh chức năng tham mưu cho Giám đốc Sở giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp, lực lượng kiểm lâm còn có chức năng tổ chức thực thi pháp luật lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trước nay, qua chính kinh nghiệm thực tiễn đã đi đến nhiều địa phương, tôi thấy thiếu chủ yếu trong thi hành pháp luật như xử lý vi phạm hành chính, điều tra hình sự...

Chính vì vậy, nếu mở ngành/chuyên ngành Kiểm lâm, ngoài chú trọng mảng chung về lâm nghiệp mà các trường đại học thuộc khối ngành Nông - Lâm, lâu nay đã đào tạo, nên bổ sung thêm mảng thi hành pháp luật.

Đặc biệt, cũng cần quan tâm đến những đòi hỏi từ thực tiễn về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, để đào tạo đáp ứng nhu cầu công việc. Như vậy, người học sau khi tốt nghiệp, được tuyển dụng vào các cơ quan như Chi cục Kiểm lâm, vườn quốc gia, khu bảo tồn, sẽ có thể bắt tay vào làm việc luôn mà đơn vị không cần phải đầu tư nhiều thời gian, công sức để đào tạo bổ sung, bồi dưỡng thêm” - ông Lê Văn Hải chia sẻ thêm.

Còn theo ông Kiều Tư Giang đánh giá, việc mở mã ngành đào tạo Kiểm lâm, sẽ giúp việc đào tạo nhân lực ngành này được chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa.

Ông Giang cũng cho rằng, điều quan trọng hiện nay là đào tạo chuyên ngành Kiểm lâm phải thể hiện được rõ chức năng, vị trí, vai trò của kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Ông Kiều Tư Giang đánh giá, việc mở mã ngành đào tạo Kiểm lâm, sẽ giúp việc đào tạo nhân lực ngành này được chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa hơn. Ảnh: NVCC.

Ông Giang phân tích thêm: “Có những môn học thực sự không cần thiết thì có thể lược bỏ. Ngược lại, đối với ngành Kiểm lâm, theo tôi, nên bổ sung những môn học mang tính nghiệp vụ như Điều tra hình sự, vì thực tế cũng đòi hỏi lực lượng kiểm lâm phải thực hiện nhiệm vụ điều tra, xét hỏi, xử lý tình huống... nhưng nhiều khi lại chưa đủ điều kiện vì không đủ chuyên môn, gây khó khăn trong công tác điều tra, xét hỏi.

Nhiều khi phát hiện vụ việc, củng cố hồ sơ, đủ điều kiện khởi tố nhưng phải chuyển cơ quan công an điều tra làm tiếp chứ không làm được. Mặc dù, trong hệ thống luật pháp, quy định kiểm lâm có chức năng thực hiện quyền điều tra, xét hỏi nhưng về chuyên môn, nghiệp vụ chưa đáp ứng do chưa được đào tạo.

Bên cạnh đó, bổ sung thêm nội dung đào tạo về luật đại cương để người học nắm được, khi được tuyển dụng đã có thể áp dụng kiến thức.

Nếu mở mã ngành đào tạo Kiểm lâm, kết hợp được các kiến thức chuyên môn về lâm nghiệp, chuyên môn về luật và chuyên môn về điều tra hình sự trong đào tạo, tôi cho rằng, đó là một điều rất tuyệt vời. Khi sinh viên tốt nghiệp, được tuyển dụng vào đơn vị là có thể làm việc ngay, vừa thuận lợi hơn cho các đơn vị, lại vừa nâng cao hiệu quả, chất lượng làm việc”.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái) cũng băn khoăn: “Bởi vì, việc tuyển vào ngành kiểm lâm hiện nay “đầu vào” đang rất mở, nên theo tôi, nếu có thêm một mã ngành đào tạo riêng, thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với Bộ Nội vụ nên có sự thống nhất quan điểm về vị trí việc làm của kiểm lâm viên, cần có quy định phù hợp, để đảm bảo thuận lợi cho công tác tuyển dụng sau này”.

Mộc Trà

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/co-ma-nganh-kiem-lam-se-giup-doi-ngu-kiem-lam-chuyen-nghiep-hoa-chuyen-mon-hoa-post239314.gd