Con người hiểu gì về giấc mơ?

Đại học Birmingham, Anh vừa công bố nghiên cứu phát hiện người độ tuổi 40 - 50 thường xuyên gặp ác mộng là dấu hiệu ban đầu của bệnh Alzheimer.

Lịch sử ghi nhận những giấc mơ

Ở Trung Hoa xưa, Ngô Vương Phù Sai (trị vì nước Ngô từ năm 495 -473 trước Công nguyên) một đêm nằm mơ thấy 3 con chó đen sủa ở hai hướng Nam, Bắc, chõ hấp bánh trên bếp không phì hơi dù lửa đang cháy to.

Biết Công Tôn Thánh rất giỏi đoán mộng nên Vương cho triệu vào cung kể lại giấc mơ. Công Tôn Thánh tâu: "Đây là điềm Đại vương mất nước, chó sủa vì tông miếu vô chủ hoang phế, chõ hấp không có hơi là điềm báo không có gì mà ăn".

Ngô Vương cả giận thét tả hữu lôi họ Công ra ngoài chém đầu. Về sau, khi bị Việt Vương Câu Tiễn (trị vì nước Việt từ năm 496 - 465 trước Công lịch) dồn đến cùng đường, biết sẽ chết, Phù Sai nói với quần thần: "Ta vô đạo mà giết mất Công Tôn Thánh rồi".

Năm 1741, Nhà hóa học thiên tàì M.V.Lomonosov (1711 - 1765), người Nga, trên đường từ nước Đức trở về mơ thấy thuyền đánh cá của cha gặp bão trên biển. Sóng lớn xô vỡ tan con thuyền và các mảnh vỡ trôi dạt vào một hoang đảo trên biển Bắc…

Về đến Saint Petersburg, ông tìm ngay anh trai và biết đoàn thuyền cá trong đó có cha ra khơi đã 4 tháng chưa về. Ông rất lo lắng nên thuê thuyền đi tìm cha… Lịch sử xác nhận ông tìm thấy cha tử nạn trên hoang đảo mà ông thấy trong mơ dù ông chưa từng đi biển Bắc và càng không biết đến hoang đảo này.

Ác mộng bị chó đuổi.

Có thể kể hàng trăm giấc mơ mà hiện thực sau đó y như trong mộng. Và cũng có không ít giấc mơ "sáng tạo".

Benzen được Michel Faraday (1791 - 1867), nhà hóa học, vật lý học người Anh điều chế từ 1825, nhưng phải đến 1865, Friedrich August Kekule (1829 - 1896), nhà hóa học người Đức mới phát hiện ra cấu trúc của chất khi mơ thấy con rắn ngậm đuôi nó, thành một vòng khép kín xoay trước mặt ông.

Trong mơ, nhà hóa học Mendeleev (1834 - 1907) thấy một bảng có nhiều ô và các nguyên tố hóa học lần lượt rơi vào từng ô. Tỉnh dậy, ông ghi lại bảng sắp xếp các nguyên tố theo trật tự số hiệu nguyên tử tăng dần; cấu hình electron và các tính chất tuần hoàn hóa học có quy luật của chúng. Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học của ông đã làm người ta kinh ngạc về trật tự xắp xếp, quy luật tuần hoàn của các nguyên tố.

Hay giấc mơ được ghi chép giữa giấc ngủ của Otto Loewi (1873 - 1961), nhà dược lý học người Đức, gốc Austra, sau định cư ở Mỹ, đã giúp ông phát hiện chất dẫn truyền thần kinh đầu tiên là Acetylcholin.

Đi tìm nơi sinh ra giấc mơ

Isabelle Arnulf, Giáo sư về Thần kinh, Đại học Pierre et Marie Curie, Pháp, nói rằng: "86% những gì có trong giấc mơ là hình ảnh, sự việc, hiện tượng… xảy ra ban ngày trước đêm đó", nhưng thường không đầy đủ … Còn lại là những giấc mơ "lạ" không liên quan gì đến những sự kiện trước đó; những giấc mơ báo mộng (hay tiên tri)…

Những giấc mơ "lạ" có nội dung giống đời thường, như bị đánh, truy đuổi, bóp cổ, rụng răng, rơi tự do, người hay quái vật gõ vào đầu, ngã; hoan lạc với người lạ; thấy nước; nhặt được tiền;… nhưng không có liên hệ gần, xa với các sự việc, sự kiện trước mơ.

Quá nhiều người đã nói về nguồn gốc giấc mơ, nhưng đều phiến diện, mò mẫm, mơ hồ, làng màng quanh hiện tượng mơ, nên những bài báo giật tít "Giải mã giấc mơ" quả thực là "một tấc lên đến giời"!

Từ thời Hoàng Đế (họ Cơ, Thủy tổ của người Trung Hoa, khoảng Thiên niên kỷ III) người Trung Quốc đã tìm cách đoán mộng. Đến nhà Chu (khoảng 1027 - 256 trước Công nguyên) đã có sách "Chí mộng" và "Hàm hắc" được coi là đầy đủ thuật giải 15 loại mộng (theo phân loại của người Trung Quốc bấy giờ) dựa chủ đạo vào thuyết âm dương ngũ hành và có hẳn chức quan Thái bốc coi việc giải mộng…

Trong hai cuốn "Diễn giải các giấc mơ" và "Tâm lý học giấc mơ", Sigmund Freud (1856 - 1939), bác sĩ thần kinh và nhà tâm lý học người Áo, cha đẻ thuyết Phân tâm học (bị phê phán do nhiều sai lầm) cho rằng nội dung hay hình ảnh và sự kiện trong giấc mơ đóng vai trò ngụy trang cho những mong muốn trong vô thức.

Giới khoa học không ủng hộ quan điểm này, bởi những người mơ thấy bị treo, bị rượt đuổi hay bay lên trời… lại là ước vọng trong vô thức của họ? Mặt khác vô thức không thể "mong muốn", chỉ có ý thức mới có được điều này!

Carl Gustav Jung (1875 - 1961), bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học Thụy Sĩ, học trò của S.Freud, sáng lập trường phái Tâm lý học phân tích, để phân biệt với Phân tâm học của S.Freud lại cho rằng, giấc mơ phản ánh chính bản thân con người đó và những mối quan hệ với người khác, những giấc mơ giúp con người trưởng thành và hiểu thêm về bản thân mình?

Quan điểm này không giải thích được những giấc mơ "lạ"… Ngoài Freud và Jung, còn có giả thuyết "mô phỏng mối đe dọa", cho rằng ác mộng - những giấc mơ "siêu thực" là sự "rèn luyện" hệ thần kinh, giúp sẵn sàng đương đầu, giải quyết những sang chấn tinh thần trong tương lai đời thực.

Họ cho rằng ác mộng được thùy đảo (insula - nhỏ nhất trong các thùy não) và vỏ não của não trung gian (não giữa) tạo ra, vì khi thức sợ hãi phát sinh là do hai phần não này bị kích hoạt. Còn thêm các giả thuyết khác như giấc mơ giúp "củng cố trí nhớ"; "tổng hợp kích hoạt"; "thấu cảm"…

Gần đây, Alessandro Fogli, nhà khoa học máy tính, đại học Roma Tre, Italia đưa ra thuyết "liên tục", cho rằng hầu hết các giấc mơ chỉ là tiếp nối của những gì đang xảy ra trong cuộc sống hàng ngày?... Tiến sĩ Francesca Siclari, Viện nghiên cứu giấc mơ Anh thì cho rằng mơ là một dạng nhận thức, trải nghiệm.

Càng nhiều giả thuyết thì vấn đề cần giải đáp càng mờ mịt!

Hiện ở Mỹ có hơn 600 và Nga có 25 trung tâm nghiên cứu giấc mơ. Nhưng người ta chỉ loanh quanh với những hình ảnh (thấy nhiều nhất), âm thanh (rất ít) và mùi (rất hiếm thấy) trong các giấc mơ mà không thể biết nó khởi nguồn từ đâu (về giải phẫu) trong bộ não con người, có liên quan gì đến các vùng chất xám là trung tâm thị, thính và khứu giác ở vỏ não hay không. Hoặc từ đâu trong phạm trù phi vật chất - sản phẩm của bộ não - gồm vô thức, tiềm thức hay ý thức. Đơn giản chỉ là não người còn quá nhiều bí ẩn, nhiều hoạt động não (thần kinh, tâm thần) chưa biết vùng não nào chỉ huy, sinh ra và nhiều vùng não chưa rõ có chức năng gì.

Năm 1953, Eugene Aserinsky (1921 - 1998), nhà nghiên cứu người Mỹ, phát hiện 2 pha ngủ với mắt chuyển động nhanh (khoảng 75% thời gian) và mắt chuyển động chậm (khoảng 25% thời gian) trong một chu kỳ khoảng 90 - 120 phút, giấc mơ xuất hiện khoảng 5 - 20 phút ở cuối pha mắt chuyển động nhanh và càng về sáng pha mắt chuyển động nhanh càng dài hơn, thời gian mơ cũng dài hơn. Vì vậy, đến nay số lần mơ vẫn chưa ngã ngũ làpha 3 - 6, 4 - 5 hay 4 - 7 trong một đêm.

Lấy trung bình mỗi đêm mơ 5 pha, thì một người sống đến 90 tuổi có khoảng 164.250 lần trong đời. Tuy nhiên, hầu hết các đêm người ta "không thấy" dù chỉ một giấc mơ - vậy thì nó "đi đâu"? Mặt khác, con người thỉnh thoảng mới mơ thì khoảng 90% số này bị quên, số ít nhớ bập bõm ít nhiều chi tiết, họa hiếm mới có giấc mơ nhớ đầy đủ, chính xác và vì sao như vậy.

Trung tâm thần kinh học Lyon, Pháp, do Giáo sư Perrine Ruby chủ trì, phát hiện vỏ não vùng giữa trán và vùng tiếp giáp hai thùy đỉnh - thái dương ở những người nhớ giấc mơ hoạt động tích cực hơn khi ngủ.

Những người nhớ giấc mơ tỉnh giấc trong khi ngủ gấp 2 lần những người không nhớ. "Não đang ngủ không có khả năng ghi nhớ thông tin mới. Nó cần được đánh thức để có khả năng làm việc đó", ông Ruby giải thích.

Trước đây, theo nghiên cứu của nhà tâm lý thần kinh học Mark Solms người Nam Phi, tổn thương vỏ não vùng giữa trán và vùng tiếp giáp hai thùy đỉnh - thái dương làm mất khả năng nhớ các giấc mơ.

Một giả thuyết khác là các giấc mơ hình thành từ các trung tâm dưới vỏ (đồi thị, dưới đồi thị, móc hải mã…) và theo các đường liên kết (ví dụ đường đồi thị - vỏ - đồi thị) đi lên vỏ, nhưng vỏ não "ngăn chặn" không cho giấc mơ "đi" lên vỏ. Võ não "khỏe" làm tốt việc này, nhưng khi mệt mỏi (do căng thẳng, rối loạn giấc ngủ, bệnh…) không khống chế được dưới vỏ, giấc mơ mới "thoát" lên vỏ.

Giả thuyết giải thích được hiện tượng hầu hết các đêm không "thấy" mơ, ít đêm "thấy" mơ và phù hợp với cả hai giả thuyết về trí nhớ. Như đã nói ở trên, trước đây cho rằng vỏ não (là chất xám - có Neurone thần kinh) vùng giữa trán và vùng tiếp giáp hai thùy đỉnh - thái dương là trung khu trí nhớ; sau này cho rằng tất cả các Neurone đều tham gia vào quá trình nhớ do chúng liên kết bằng tín hiệu điện hóa (chính là các chất dẫn truyền thần kinh) thành một mạng lưới dày đặc và cực rộng. Khởi xướng giả thuyết thứ hai là nhà giải phẫu bệnh học thần kinh người Tây Ban Nha, Santiago Ramon y Cajan (1852 - 1934; giải Nobel Y học 1906).

Nó phù hợp thực tế hơn, vì trên tiêu bản mô não người Alzheimer có rất nhiều vùng không còn Neurone (loại tế bào có số lượng bẩm sinh, không sinh sản) do thoái hóa. Người già không mắc Alzheimer hầu hết có não thưa Neurone nên quên tăng dần, từ đồ vật đến ngày tháng, rồi sự việc, hiện tượng… Vì thế, khi giấc mơ thoát lên vỏ não, người mơ mới nhớ được - theo cả hai giả thuyết.

Đó là chưa kể y học còn "chưa biết gì" về những giấc mơ tiên tri mà sự việc sau đó y như mộng; hay những giấc mơ về "quá khứ" đúng đến từng chi tiết, cảnh vật; hay hiện tượng Déjà vu - tiếng Pháp nghĩa là "đã thấy": cảm thấy sự kiện, nhân vật, phong cảnh… trong mơ mình đã từng thấy, rất quen, nhưng thực ra chưa "thấy" bao giờ, khoảng 60 - 70% người toàn cầu ít nhất gặp một lần trong đời; hoặc những giấc mơ giống nhau lặp lại nhiều lần vào những đêm cách xa nhau; hoặc đơn giản là hiện tượng những người có chỉ số thông minh cao mơ nhiều hơn;…

Ác mộng báo trước Alzheimer?

Trẻ 3 - 6 tuổi thường xuyên thấy ác mộng, nhưng giảm dần cho đến 12 tuổi, đôi khi ác mộng tuổi thơ gây lo sợ suốt cuộc đời.

Tuy ít nhưng khi dậy thì, bé gái gặp ác mộng nhiều hơn bé trai. Người lớn thấy ác mộng khi căng thẳng, lo lắng kéo dài; rối loạn sau chấn thương nhất là sọ não; rối loạn giấc ngủ; dùng các thuốc chống trầm cảm, Parkinson; nghiện chất; trầm cảm và một số rối loạn tâm thần gây ác mộng tái diễn; bệnh tim, ung thư; uống rượu, bia; ăn trước khi ngủ; nguy cơ cao nếu gia đình có người lớn thường gặp ác mộng hoặc mộng du...

Khoảng 1% người lớn gặp ác mộng thường xuyên cần phải điều trị. Theo dõi trên những người không mắc Alzheimer (605 người 35 - 54 tuổi trong 13 năm và 2.600 người trên 80 tuổi trong 5 năm), đại học Birmingham công bố: Người trung niên gặp ít nhất 2 ác mộng 1 tuần có nguy cơ Alzheimer gấp 4 lần người không có ác mộng; người trên 80 tuổi có 2 ác mộng 1 tuần nguy cơ Alzheimer gấp 2 lần người không có ác mộng.

Vì phát hiện mới nên cần có đủ thời gian kiểm chứng, tuy nhiên tỉ lệ mắc Alzheimer tăng rất nhanh theo tuổi. Điều tra ở Mỹ cho thấy tuổi 65 - 74 tỉ lệ 3%; 75 - 84 tuổi 17%; ≥ 85 tuổi 32% và thế giới cũng theo quy luật này. Vì thế "gấp 4" ở tuổi trung niên và "gấp 2" ở tuổi trên 80 liệu có thuận?

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn//con-nguoi-hieu-gi-ve-giac-mo-179221014123415456.htm