Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ

Nhớ về thầy Lê Đình Kỵ, trong tôi hiện về hình ảnh của một nhà sư phạm mẫu mực. Là tấm gương của tinh thần tự học, tự nâng cao mình để không tụt hậu trước tri thức, khi dạy chúng tôi thì thầy cũng truyền cho cảm hứng đó.

1. Sống trên đời, chỉ có người xấu chứ không nghề nào xấu, bởi một khi những ai phải đổ mồ hôi để có thu nhập thì đều đáng quý. Tuy nhiên, trong các nghề ấy, chắc chắn tự thâm tâm ta luôn biết ơn và dành nhiều thiện cảm cho nghề nhà giáo. Vì rằng, đó là một nghề mà ta luôn liên tưởng đến vị thần Prometheus trong thần thoại Hy Lạp. Vị thần lấy trộm lửa từ thần Mặt trời đem về cho thế gian. Ngọn lửa ấy chính là Ánh sáng, là Tri thức, là mở ra một đường đi, dẫn đến một thế giới mới thoát khỏi mông muội, tăm tối… Chính vì nghĩ nôm na như thế nên tôi thích nhìn hình ảnh người thầy qua hình tượng của thần Prometheus hơn là "người đưa đò". Các người thầy đã đào tạo được nhiều học trò thành đạt. Hình ảnh ấy, không phai nhạt theo năm tháng.

Chân dung Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ.

Về thầy Lê Đình Kỵ, mới nhất hiện nay là bộ sách "Trăm nay một thuở - Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà lý luận, phê bình văn học Lê Đình Kỵ" (NXB TH TP.HCM-2023). Những bài viết này đã đánh thức trong tôi xiết bao kỷ niệm về tình thầy, tình bạn - nói như nhà thơ Trương Nam Hương đây chính là lúc:

Về đây hỡi tháng năm trong trẻo
Ký ức xanh như mắt nắng xanh ngời
Câu thơ viết cuối giảng đường - thổn thức
Gọi tên từng thương nhớ… bạn bè ơi!

Thoáng đó, những cô cậu sinh viên ngày nào, mặt còn búng ra sữa đã lên chức… chồng/vợ đùm đề con cái, thậm chí đã thành ông nội, bà ngoại, nhưng khi nhớ về ngày tháng ấy, hầu như trong lòng ai cũng dạt dào một niềm cảm xúc tươi mới. Năm tháng ấy, nhìn từ bộ sách này, chúng ta thấy các thế hệ đã "vẽ" lại khá rõ nét về thầy Lê Đình Kỵ.

2.Tôi nhớ và thích thú biết tính đãng trí của thầy thật đáng yêu và không kém phần hài hước, rằng ngày nọ có lịch dạy sinh viên nhưng thầy lại… quên. Tác giả Phạm Quang Long (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa thông tin Hà Nội) kể: "Tôi chạy lên gõ cửa phòng, thấy thầy đang ngồi viết. Tôi bảo: "Thầy quên dạy cho lớp Văn 4 à?". Thầy hỏi: "Hôm nay thứ mấy?". Tôi đáp thứ Tư. Thầy giật mình: "Thứ tư thì có giờ rồi". Rồi sấp ngửa vừa mặc áo, vừa nhặt tập tài liệu đi xuống lớp" (SĐD, tr.158). Tôi thích chi tiết này, bởi lẽ đã không ít lần chứng kiến thầy mặc áo nhưng… cài nhầm hàng cúc áo.

Nói chung, hình thức vẻ ngoài của thầy bình dị lắm. Có gì đó khiến ta vừa thấy gần gũi vừa biết rằng, ở con người ấy hình thức bề ngoài không quan trọng lắm đâu. Vấn đề là trong đầu đã suy nghĩ, nung nấu điều gì về học thuật, về nghiên cứu, lý luận phê bình. Một đồng nghiệp của thầy là thầy Trần Hữu Tá cho biết: "Bắng lối sống giản dị có khi đến đơn giản ấy, Lê Đình Kỵ luôn dễ hòa vào đám đông, ít ai chú ý đến anh, và ngược lại anh hình như cũng chẳng đặt vấn đề phải chú ý đến sự đời phiền toái. Hầu như toàn bộ thời gian anh dành cho việc đọc, nghĩ và viết" (SĐD, tr.503).

Không chỉ thời đó, ngay cả bây giờ hầu như vẫn chưa có nhiều người "dấn thân" vào lãnh vực phê bình văn học, vì thế, điều thầy Lê Đình Kỵ mong mỏi còn là sự tiếp nối của các thế hệ sau: "Đã có ai đó đem cái hào quang của sáng tác để phủ lấp ý nghĩa của phê bình, nghiên cứu. Đặt vấn đề hơn thua giữa sáng tác và phê bình để làm gì chứ? Vấn đề là chất lượng. Nhưng khác với sáng tác là số người phê bình quá ít, nhất là giới trẻ càng hiếm, không mong gì lượng đổi thành chất được" (SĐD, tr.394). Soi rọi trong tình cảnh hiện nay, câu nói này vẫn còn ý nghĩa thời sự.

Nhớ về thầy Lê Đình Kỵ, trong tôi hiện về hình ảnh của một nhà sư phạm mẫu mực. Là tấm gương của tinh thần tự học, tự nâng cao mình để không tụt hậu trước tri thức, khi dạy chúng tôi thì thầy cũng truyền cho cảm hứng đó. Không chỉ viết giáo trình, tai liệu giảng dạy như "Cơ sở lý luận văn học" (1965), "Những nguyên lý lý luận văn học" (1987)… thầy còn tập trung thời gian hoàn thành "Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực" (1970), "Tìm hiểu văn học" (1984), "Thơ mới - những bước thăng trầm" (1988)… Trong tư duy của một con người "học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện" - học không biết chán, dạy không biết mệt ở thầy còn là một nhà nghiên cứu nghiêm túc, nhiều tâm huyết.

Hai bìa sách của GS - NGND Lê Đình Kỵ.

Một trong nhiều vấn đề mà thầy Lê Đình Kỵ tâm đắc vẫn là "Truyện Kiều". Với Thúy Kiều, thầy đã nhìn thấy: "Ở Thúy Kiều, ta gặp lại những khát vọng tình cảm, cái hy sinh quên mình, cái đảm đang hiện thực của người phụ nữ Việt Nam, mà ta được biết qua ca dao và các truyện dân gian thời xưa:

Con người thế ấy, thác oan thế này

Con người ấy, cái sức sống chứa đựng trong con người ấy, xã hội phong kiến không thể dung nạp được. Đó là nguồn gốc của tấn bi kịch đời Kiều. Thực chất những hồng nhan bạc mệnh, tài mệnh ghét nhau là ở đó. Và niềm cảm thông vô hạn của nhân dân Việt Nam, của những người lao động bình thường đối với Thúy Kiều cũng là ở đó" (SĐD, tr.172).

Bên cạnh đó, thầy cũng có "mắt xanh" với Thơ mới, chính vì thế mới hạ bút: "Thơ mới đã đóng góp hàng trăm bài thơ hay, trong đó có không ít bài thơ có thể xếp vào loại hay nhất của nền thơ ca dân tộc" (SĐD, tr.268).

Những suy nghĩ của thầy về những vấn đề liên quan đến công việc nghiên cứu vẫn còn ý nghĩa đối với thế hệ sinh viên hiện nay. Đã đành thế, trong suy nghĩ của tôi, tinh thần đại học không chỉ tiếp thu tri thức, kiến thức của thầy, mà, cần phải trang bị thêm tinh thần phản biện nữa. Nói như thế, vì hơn ai hết các bậc thầy tầm cỡ như thầy Lê Đình Kỵ bao giờ cũng mong muốn ở môn đệ của mình. Nghĩ cho cùng, đó là tính dân chủ trong học thuật.

3.Hình ảnh của thầy Lê Đình Kỵ nhìn ở góc độ đời thường, có điều gì đó khiến ta nhói lòng vẫn là lúc nghĩ về đời sống của nhà giáo thuở trước. Không cần phải vòng vo, uốn éo phải nói thật rằng thời ấy các thầy nghèo. Nghèo lắm.

Với mẩu hồi ức của con gái thầy là Lê Ly Ly, thú thật, với tôi, có điều gì đó thật xốn xang, thương cảm: "Tôi nhớ, có lần hai cha con tôi đạp xe đạp chở những bộ sách ba thu hồi từ Fahasa (Công ty phát hành sách) về nhà. Cha gò lưng đạp chiếc xe chở đầy sách nặng dưới trời nắng thật gắt, về gần đến nhà thì một bó sách bị sút dây, rơi vương vãi ngoài đường. Nhìn hoảng hốt cuống quýt lượm từng quyển sách, vuốt sạch nhũng quyển bị bánh xe của người đi đường hằn lên, nước mắt tôi cứ rơi đầy xót xa. Tôi nghĩ "không thể tiếp tục như vậy mãi được, mình phải làm gì đó khác thôi". Tôi từ bỏ ước mơ làm cô giáo, bởi nghề giáo của mẹ tôi nghèo quá, cực quá. Tôi mong khi tôi đi làm thì mẹ tôi sẽ không còn mối bận tâm về chuyện tiền bạc, và dáng khắc khổ, tất bật của sẽ được thay bằng vẻ ung dung, an nhiên cho tuổi già… Tôi thương không còn khi chúng tôi đã trưởng thành, đã có thể sống chất lượng hơn" (SĐD, tr.539).

Dù là thế, một thời đã qua nhưng trong hoàn cảnh đó mội trường sư phạm đã có không ít bậc thầy mẫu mực. Nhiều thế hệ sinh viên đã giữ lại trong tâm trí vị thần Prometheus - các bậc thầy kính yêu thuộc thế hệ "trí thức vàng" - những cây đại thụ trong nghề, làm rạng danh nền học thuật nước ta như các thầy Lê Trí Viễn, Đinh Gia Khánh, Trần Đình Hượu, Bùi Văn Nguyên, Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ... Nhớ về thầy Lê Đình Kỵ, một nhà nghiên cứu rất mê "Truyện Kiều", tôi xin lẩy câu Kiều tưởng nhớ:

Dẫu rằng sông cạn đá mòn
Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ
Bước vào chốn cũ lầu thơ
Cũng may dây cát được nhờ bóng cây.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/con-tam-den-thac-van-con-vuong-to-i696918/