Công an Thái Nguyên với kinh nghiệm hóa giải mâu thuẫn trong nhân dân

Để phòng ngừa tội phạm phát sinh từ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, Công an tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phát hiện các vụ, việc mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đề ra các giải pháp giải quyết triệt để, dứt điểm không để mâu thuẫn kéo dài, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn với phương châm giải quyết 'Từ mâu thuẫn to thành nhỏ, từ nhỏ thành không còn mâu thuẫn'.

Đỉnh điểm mâu thuẫn, hậu quả đau lòng

Hẳn nhiều người dân sinh sống trên địa bàn phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhắc lại vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra vào đêm ngày 15/9/2023 tại tổ dân phố Hòa Bình, phường Tiên Phong. Trước đó, Nguyễn Văn Hưng (SN 1987, trú tại xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ) đã có thời gian quan hệ tình cảm với chị H.T.H ở tổ dân phố Hòa Bình, sau đó, giữa 2 người đã xảy ra mâu thuẫn, xích mích. Đến khoảng 23h30 ngày 15/9/2023, sau khi ăn nhậu và có hơi men, Nguyễn Văn Hưng đã đi từ xã Minh Lập đến nhà chị H và dùng dao chém ba người, hậu quả làm bố và mẹ chị H tử vong, bản thân chị H bị trọng thương phải đi cấp cứu ở bệnh viện.

Cũng liên quan đến mâu thuẫn trong sinh hoạt gia đình, đối tượng Đinh Viết Hà (SN 1976), trú tại xã Cát Nê, huyện Đại Từ đã nhẫn tâm sát hại người vợ của mình. Khoảng 01h35 ngày 29/9/2021, Đinh Viết Hà đến cửa hàng xăng dầu nơi chị N.T.D (vợ của Hà) làm việc, Hà đã dùng dao đâm nhiều nhát vào người chị N.T.D tại giường ngủ, sau đó kéo nạn nhân vào nhà tắm trong cửa hàng xăng dầu, đổ xăng và châm lửa đốt. Hậu quả là chị N.T.D tử vong, Đinh Viết Hà bị bỏng nặng được đưa đi cấp cứu.

Công an xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương tuyên truyền, giải quyết mâu thuẫn tại nhà ông Nguyễn Văn Đoàn, xóm Cổng Đồn, xã Cổ Lũng.

Một vụ việc nữa cũng khiến cư dân bàng hoàng, sợ hãi. Khoảng 9h50 ngày 15/2/2022, ông L.V.T và vợ là bà P.T.Đ, trú tại xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai đang xây tường rào cho gia đình con trai thì bỗng nhiên tiếng súng nổ thất thanh làm ông T gục ngay tại chỗ, bà Đ hoảng hốt chạy về phía ông T cũng liền bị bắn gục. Có ai ngờ rằng, họng súng tử thần đó lại đến từ ngay người hàng xóm chung đường, sát vách. Kẻ thủ ác là Lê Văn Hữu (SN 1981), từ tầng 2 của nhà Hữu, y đã dùng súng tự chế bắn ông T và bà Đ, sau đó, Lê Văn Hữu đã dùng súng tự sát. Hậu quả, đối tượng Hữu và ông T tử vong, bà Đ bị trọng thương. Nguyên nhân của vụ án xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân trong việc vay nợ tiền.

Những vụ án trên là điển hình cho những vụ mâu thuẫn tại địa bàn cơ sở dẫn đến xung đột, thương vong xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Hậu quả là không thể bù đắp nổi, người mất, tật mang, hạnh phúc gia đình tan vỡ, mối quan hệ giữa anh, em trong gia đình, người thân, hàng xóm láng giềng bỗng trở thành “người dưng nước lã”.

Gỡ “nút thắt” trong nội bộ nhân dân

Thực tiễn vận động của xã hội, mâu thuẫn là tất yếu, là hiện tượng khách quan và phổ biến. Và mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân là không thể tránh khỏi trước những tác động đa chiều của kinh tế, văn hóa, xã hội. Đến hết tháng 12/2023, Công an tỉnh Thái Nguyên đã lập hồ hơ giải quyết 271 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân với 869 người liên quan; trong đó, mâu thuẫn trong sinh hoạt có 46 vụ; mâu thuẫn về đất đai có 172 vụ; mâu thuẫn tranh chấp kinh tế có 9 vụ; mâu thuẫn về tình ái có 7 vụ... Để phòng ngừa tội phạm phát sinh từ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, Công an tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, huy động sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác giải quyết các mẫu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân; kịp thời làm tốt công tác nắm tình hình, phát hiện các vụ, việc mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đề ra các giải pháp giải quyết triệt để, dứt điểm không để mâu thuẫn kéo dài, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn với phương châm giải quyết “Từ mâu thuẫn to thành nhỏ, từ nhỏ thành không còn mâu thuẫn”.

Đại tá Đào Thế Hưng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên, cho biết: “Công tác phòng ngừa của cơ quan chức năng đối với các vụ việc về an ninh trật tự nói chung và các vụ án giết người xuất phát từ nguyên nhân xã hội hoặc mâu thuẫn gia đình thường gặp khó khăn. Một phần là các đối tượng cơ bản chưa có hồ sơ tiền án, tiền sự; mẫu thuẫn có khi phát sinh bột phát ngay trong sinh hoạt hàng ngày của người dân. Chính vì vậy, giải pháp hiệu quả cần tập trung thực hiện là tăng cường tuyên truyền, nâng cao hiểu biết pháp luật của nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể, xây dựng, củng cố và duy trì có hiệu quả các mô hình tự quản bảo vệ an ninh, trật tự, tổ hòa giải, tổ an ninh nhân dân để kịp thời thông tin, giải quyết mâu thuẫn trong cộng đồng và ngăn chặn hành vi bạo lực. Đồng thời, làm tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng có nguy cơ phạm tội hoặc tái phạm tội như người nghiện ma túy, trường hợp mới được đặc xá, tha tù; khẩn trương điều tra, bắt giữ và xử lý nghiêm đối với tội phạm”.

Cơ bản những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân đều xuất phát ngay từ địa bàn cơ sở; giải quyết thỏa đáng được các nguyên nhân, điều kiện phát sinh mâu thuẫn thì sẽ giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật. Thấy rõ được mấu chốt vấn đề, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố tham mưu, xây dựng quy trình, các bước tiến hành giải quyết mâu thuẫn sát hợp với thực tiễn; phân loại tính chất, đặc điểm, mức độ mâu thuẫn thành 3 cấp độ khác nhau để có biện pháp giải quyết phù hợp, khi cần thiết sẽ áp dụng biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn các hành vi phạm tội có thể xảy ra (như giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng…); yêu cầu Công an xã, phường, thị trấn phải là lực lượng nòng cốt, chủ công trong việc nắm tình hình và giải quyết mâu thuẫn ngay từ cơ sở... Năm 2023, trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, lực lượng Công an toàn tỉnh đã tham mưu, tổ chức hòa giải thành công 233 vụ; xử phạt vi phạm hành chính về an ninh, trật tự 27 vụ và xử lý hình sự 8 vụ; qua đó đã kịp thời ngăn chặn không để phát sinh thành những vụ việc phức tạp về an ninh trật tự; kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội so với năm 2022 (giảm 84 vụ = 9,8%).

Khi cộng đồng chung tay giải quyết mâu thuẫn

Huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên được biết đến là huyện có diện tích lúa và diện tích chè lớn nhất tỉnh Thái Nguyên; có khu du lịch Hồ Núi Cốc và 169 điểm di tích lịch sử và danh thắng; huyện có 29 xã, trị trấn với trên 180.000 nhân khẩu và 8 dân tộc anh, em cùng chung sống. Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, Huyện ủy-HĐND-UBND huyện đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm ANTT, trong đó giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân là một nội dung quan trọng được cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo, giải quyết.

Là huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy về lãnh đạo thực hiện công tác nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân trên địa bàn huyện, ông Phạm Duy Hùng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Từ nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định, muốn phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư và phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện thì an ninh chính trị phải ổn định, trật tự an toàn xã hội phải giữ vững. Nên khi Công an huyện tham mưu giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, Ban Thường vụ đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU để lãnh đạo, chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Định kỳ hàng quý, tại hội nghị giao ban công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp, chúng tôi yêu cầu Công an huyện báo cáo kết quả giải quyết các vụ, việc mâu thuẫn trong nhân dân; đối với những vụ, việc nổi cộm, phức tạp, vượt quá khả năng giải quyết của cấp cơ sở thì Thường trực Huyện ủy thống nhất, cho ý kiến chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể có giải pháp thực hiện ngay. Với cách làm như vậy, nhiều vụ, việc mâu thuẫn kéo dài đã được chúng tôi tháo gỡ, giải quyết dứt điểm; vừa giữ ổn định tình hình ANTT, vừa xây dựng khối đại đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa tại địa bàn dân cư”.

Chia sẻ kinh nghiệm trong giải quyết mẫu thuẫn, Trung tá Nguyễn Thanh Tùng - Phó trưởng Công an huyện Đại Từ cho biết: “Từ những năm trước, chúng tôi đã đặt vấn đề giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục; hàng năm Công an huyện tham mưu với Ban chỉ đạo 138 huyện chỉ đạo các cấp, ngành cùng với lực lượng Công an tham gia giải quyết hiệu quả các vụ, việc có thể phát sinh mâu thuẫn trong giao dịch dân sự, hôn nhân gia đình, tranh chấp kinh tế, đất đai… Đối với từng vụ mâu thuẫn cụ thể, nhất là những vụ khó, kéo dài, Công an huyện tổ chức hội ý nghiệp vụ, yêu cầu Công an các xã, thị trấn cùng tham gia góp ý, đề ra biện pháp giải quyết và trực tiếp đồng chí Trưởng Công an huyện sẽ chủ trì, kết luận phương án thực hiện.

Khi mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân được giải quyết tốt từ mỗi gia đình, xóm, phố và các xã, phường làm tốt, các huyện, thành phố làm tốt thì hẳn nhiên những vụ, việc về ANTT trên địa bàn toàn tỉnh sẽ được giảm thiểu, tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật sẽ được kiềm chế. Cũng từ đó, khối đại đoàn kết toàn dân được duy trì và phát huy, đời sống văn hóa ở khu dân cư phát triển lành mạnh, bền vững.

Triệu Huấn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/cong-an-thai-nguyen-voi-kinh-nghiem-hoa-giai-mau-thuan-trong-nhan-dan-i725492/