Cú lội ngược dòng từ quốc gia từng là 'cơn đau đầu' của EU

Từng khiến lục địa già đau đầu bởi cuộc khủng hoảng tài chính, Hy Lạp hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Tại thủ đô Athens nhộn nhịp, không còn ai lo lắng về Grexit - cụm từ chỉ việc Hy Lạp rời khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Trên những con phố trước đây ngập tràn các cửa hiệu đóng cửa, người dân địa phương phàn nàn về giá thuê tăng và xu hướng lan rộng của các căn hộ Airbnb.

Hy Lạp vẫn còn chặng đường dài để hồi phục sau cuộc suy thoái sâu nhất mà chưa nền kinh tế phát triển nào phải gánh chịu kể từ những năm 1930. Theo Ngân hàng Thế giới, GDP nước này vẫn thấp hơn 24% so với năm 2008. Hy Lạp là quốc gia nghèo thứ hai trong Liên minh châu Âu, đứng sau Bulgaria về GDP bình quân đầu người điều chỉnh theo sức mua.

Tuy nhiên, nền kinh tế Hy Lạp tăng trưởng gần 6% trong năm ngoái. Ngành công nghiệp nước này chú trọng xuất khẩu nhiều hơn, trong khi giới đầu tư nước ngoài nhìn nhận Hy Lạp như điểm đến thân thiện, còn số người trẻ di cư tìm cơ hội tốt hơn đã giảm, theo Wall Street Journal.

Vẫn còn hời hợt và chậm trễ

Theo Chủ tịch Xi măng Titan Dimitri Papalexopoulos - người đứng đầu liên đoàn doanh nghiệp chính của Hy Lạp, nước này đã chứng kiến những bước tiến đáng kể, nhưng chưa toàn diện.

Ông Papalexopoulos cho biết nhiều năm cải tổ chương trình cứu trợ quốc tế trong giai đoạn 2010-2018 và các biện pháp của chính phủ hiện tại biến Hy Lạp thành nơi dễ dàng đầu tư và kinh doanh.

Tuy nhiên, nhiều bộ phận tại khu vực công vẫn chưa thay đổi, đáng chú ý là hệ thống tư pháp chậm chạp, trong khi thuế lao động vẫn còn rắc rối, dẫn tới trốn thuế.

Một nền kinh tế Hy Lạp lành mạnh về mặt cấu trúc sẽ là bằng chứng lớn nhất cho thấy khu vực đồng euro đã hoàn toàn vượt qua cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng đầu những năm 2010.

Nợ quốc gia của Hy Lạp, vào khoảng 170% GDP, vẫn ở mức cao nhất trong EU. Nước này cũng đang nỗ lực loại bỏ xếp hạng “rác” (junk rating) với trái phiếu chính phủ.

Phần lớn chủ nợ của Hy Lạp đến từ khu vực đồng euro, nơi tạo điều kiện cho Athens trả các khoản vay cứu trợ với lãi suất tối thiểu.

Tăng trưởng và lạm phát đang ăn mòn tỷ lệ nợ trên GDP. Chính phủ Hy Lạp đang ca ngợi điều này cùng nhiều dữ liệu kinh tế tích cực khác khi vận động cuộc bầu cử ngày 21/5 tới. Chính phủ cho rằng một phần kinh tế cải thiện nhờ những đại tu ban hành cách đây 4 năm.

“Năm 2019, các cử tri cho rằng thuế quá cao, tình trạng quan liêu tràn lan và không đủ việc làm. 4 năm sau, chúng ta chứng kiến bức tranh hoàn toàn khác”, Alex Patelis - cố vấn kinh tế trưởng của thủ tướng - nhận định.

Hy Lạp tăng trưởng gần 6% trong năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Các đối thủ chính trị ca ngợi tiến bộ của chính phủ trong việc số hóa các hoạt động hàng ngày trong khu vực công, từ nộp thuế đến xin giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, có ý kiến chỉ trích một số phương án được thực hiện rề rà và hời hợt.

Theo Miranda Xafa - nhà kinh tế học và cựu cố vấn chính phủ, việc số hóa dịch vụ khiến dư thừa nhiều công chức, nhưng chính phủ không cam kết cắt giảm việc làm.

Nhiều doanh nhân cho biết những rắc rối bất tận tại tòa án vẫn là một trải nghiệm điển hình tại Hy Lạp.

Một dự án trang trại gió lớn ở miền Bắc Hy Lạp - được tài trợ một phần bởi quỹ đầu tư của Mỹ - đã nhận được giấy phép môi trường vào năm 2014. Nông dân và thợ săn địa phương đã đệ đơn kiện dự án này. Vụ việc được đệ trình lên tòa án hành chính cao nhất Hy Lạp, nhưng bị bác bỏ vào năm 2019.

Hai năm sau, chủ đầu tư thu hẹp quy mô dự án và nhận được giấy phép môi trường mới. Giấy phép này lại dấy lên tranh cãi, lần này từ chính quyền địa phương. Một nguồn tin cho hay ngày ra tòa được ấn định vào tháng 11 tới, nhưng có khả năng hoãn lại.

Liên đoàn người sử dụng lao động cũng không hài lòng với cách chính phủ áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào các quy tắc lao động nhưng không sửa đổi những quy tắc đó cho hiệu quả, điển hình như quy trình thông báo làm thêm giờ.

“Hãy sửa đổi các quy trình trước khi số hóa chúng. Đây là ví dụ cho kiểu cải cách sâu rộng chưa được thực hiện toàn diện”, ông Papalexopoulos nói.

Chính phủ tuyên bố muốn thực hiện đại tu tư pháp trong nhiệm kỳ thứ hai. Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cho biết sẽ cải cách doanh nghiệp nhà nước sau vụ va chạm tàu hỏa hồi tháng 2 khiến 57 người thiệt mạng. Vụ tai nạn đã phơi bày những lỗ hổng trong khu vực công của Hy Lạp.

Những điểm sáng

Hy Lạp đang được hưởng lợi từ các quỹ phục hồi sau đại dịch Covid-19 của EU. Tăng trưởng hiện tại có thể khó duy trì khi các quỹ này dừng lại.

Dẫu vậy, Hy Lạp cũng chứng kiến một số tin tức lạc quan nhất về kinh tế đến từ lĩnh vực thương mại. Lĩnh vực này vốn tăng mạnh trong tỷ trọng GDP của Hy Lạp, phản ánh nền kinh tế cởi mở hơn trong cạnh tranh quốc tế.

Du lịch đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, trong khi các lĩnh vực khác như vận chuyển và lọc dầu phát triển mạnh. Các ông lớn vận tải biển của Hy Lạp kiếm được một phần lợi nhuận từ việc vận chuyển dầu Nga.

Xuất khẩu - sản xuất cũng trên đà tăng. Tuy nhiên, sự phục hồi đang thúc đẩy nhập khẩu, dẫn đến thâm hụt thương mại. Nếu xu hướng này duy trì thì có thể làm “sống lại” sự phụ thuộc vào vay nợ nước ngoài của Hy Lạp.

Lĩnh vực du lịch của Hy Lạp đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Ảnh: Reuters.

Chính phủ cho rằng thâm hụt thương mại là do giá năng lượng tăng vọt vào năm ngoái, nhưng một số nhà kinh tế học nói còn có nhiều nguyên nhân khác.

Hy Lạp “phụ thuộc rất lớn vào hàng hóa nhập khẩu. Cơ sở sản xuất ở Hy Lạp không đủ rộng để đáp ứng nhu cầu thông qua các nguồn nội địa”, bà Xafa nói.

Lĩnh vực công nghệ nhỏ nhưng đang phát triển là điểm sáng khác. Marco Veremis, nhà đầu tư lĩnh vực công nghệ, cho biết vốn đầu tư mạo hiểm và tài trợ của EU đang thúc đẩy khởi nghiệp - viễn cảnh hầu như không tồn tại cách đây một thập niên - và hiện có giá trị vốn hóa thị trường gần 10 tỷ USD.

Đầu tư nước ngoài vào Hy Lạp đang tăng mạnh, mặc dù ở mức thấp, đạt mức tương đương khoảng 7,6 tỷ USD vào năm ngoái.

Google, Amazonvà Microsoft đã mở các trung tâm dữ liệu hoặc điện toán đám mây ở Hy Lạp. Công ty dược phẩm Pfizer khai trương trung tâm nghiên cứu ở thành phố Thessaloniki, nhờ vị trí địa lý nằm giữa đông và tây của Hy Lạp, với lượng lớn người có trình độ học vấn, chi phí lương tương đối thấp và các ưu đãi tài chính.

Nico Gariboldi - người đứng đầu trung tâm - cho biết công ty thuê khoảng 200 nhân viên và sẽ sớm tăng lên 500.

Theo ông Patelis, các công ty đa quốc gia đầu tư vào Hy Lạp không phải vì nước này có giá cả rẻ, mà là vì sự ổn định. “Đó là lý do việc Hy Lạp ở lại khu vực đồng euro quan trọng tới vậy”, ông nói.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cu-loi-nguoc-dong-tu-quoc-gia-tung-la-con-dau-dau-cua-eu-post1431000.html