Cục Hạ tầng kỹ thuật: Hoàn thiện chính sách để phát triển

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, cũng là năm hoạt động của Cục Hạ tầng kỹ thuật nói riêng và lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật nói chung gặp nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Nhưng dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Xây dựng và sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, Cục Hạ tầng kỹ thuật đã đạt những thành tựu, góp phần quan trọng vào phát triển ngành Xây dựng và kinh tế - xã hội của đất nước.

PGS.TS Mai Thị Liên Hương Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật.

PGS.TS Mai Thị Liên Hương Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật đạt nhiều kết quả

Nhiệm vụ đổi mới, hoàn thiện thể chế là một trong ba khâu đột phá chiến lược của ngành Xây dựng. Trên cơ sở đó, năm 2021, Cục Hạ tầng kỹ thuật tiếp tục tập trung cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Cục đã tham mưu để Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quyết định số 71/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 phê duyệt Đề án An ninh kinh tế trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn” nhằm tăng cường công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành “Thông tư số 15/2021/TT-BXD ngày 15/12/2021 hướng dẫn công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung”.

Nhằm xây dựng tiền đề thực hiện đột phá thể chế về quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật trong giai đoạn mới, Cục đã chủ động tổ chức rà soát các quy phạm pháp luật về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và đã tham mưu để Bộ Xây dựng đề xuất, kiến nghị đưa các dự án luật, đề án về hạ tầng kỹ thuật vào chương trình, kế hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 gây khó khăn cho nền kinh tế - xã hội, Cục Hạ tầng kỹ thuật đã cùng Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng có nhiều chuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Nam; tham mưu Bộ Xây dựng báo cáo cấp có thẩm quyền các nội dung trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong việc cung ứng, duy trì các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật phục vụ người dân trong vùng dịch (cấp nước, thoát nước, thu gom, xử lý chất thải, hỏa táng,…).

Năm 2021, Cục tiếp tục hỗ trợ các địa phương nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long trong hoàn thiện quy hoạch, nghiên cứu, thúc đẩy và triển khai các dự án cấp nước, nhằm bảo đảm nguồn nước sạch ổn định phục vụ cho đời sống, sản xuất của người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến khó lường. Đặc biệt là, Cục đã tham mưu Bộ Xây dựng tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 02/3/2021 phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tạo cơ sở quan trọng để tổ chức đầu tư xây dựng Dự án “Trạm bơm nước thô Cái Bè và tuyến ống truyền tải”, góp phần bảo đảm nguồn nước cho các nhà máy sản xuất và cung cấp nước sạch hiện hữu và tương lai dọc tuyến trên địa bàn 3 tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre trong giai đoạn đến năm 2025.

Bên cạnh đó, Cục đã triển khai thực hiện và tổ chức sơ kết tình hình thực hiện Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn và chống thất thoát thất thu nước sạch trong giai đoạn 2016 - 2021; định hướng phát triển cấp, thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao trong công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Lào; với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia triển khai thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP về tăng cường biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông; với Bộ NN&PTNT triển khai Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời hợp tác hiệu quả với các tổ chức quốc tế như JICA, GIZ, WB, ADB, WRI, HealthBridge trong lĩnh vực thoát nước, chiếu sáng thông minh, hạ tầng đô thị xanh… tạo môi trường thuận lợi cho phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trong giai đoạn mới.

Năm 2021, Cục Hạ tầng kỹ thuật đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trong giai đoạn mới.

Tập trung nghiên cứu hoàn thiện chính sách pháp luật

Chia sẻ về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, PGS.TS Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết: Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Cục Hạ tầng kỹ thuật xác định công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật vẫn là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Chính vì vậy, trong thời gian tới Cục Hạ tầng kỹ thuật tập trung triển khai một số nội dung cụ thể như sau:

Một là, thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Cục Hạ tầng kỹ thuật sẽ tổ chức nghiên cứu xây dựng các đề án, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật phân công cho Bộ Xây dựng chủ trì bao gồm: Luật Cấp, thoát nước; Luật Quản lý không gian ngầm; Đề án thống nhất quản lý nhà nước về cấp nước đô thị và nông thôn, xây dựng cơ chế quản lý cấp nước liên vùng; Định hướng phát triển không gian xây dựng ngầm đô thị.

Hai là, nghiên cứu xây dựng quy định điều kiện kinh doanh nước sạch (nước sinh hoạt) và kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng theo quy định của Luật Đầu tư; sửa đổi, bổ sung một số Nghị định thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật như Nghị định số 117/2007/NĐ-CP, 124/2012/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải,… để đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý đặt ra.

Ba là, Cục sẽ tiếp tục triển khai các Đề án “An ninh kinh tế trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn”; Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch; Định hướng phát triển cấp, thoát nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 34/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục. Nghiên cứu, đánh giá và tham mưu để cấp có thẩm quyền ban hành các chương trình đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật.

Năm 2022, trong bối cảnh chung của nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức trước những nguy cơ của nền kinh tế chậm phục hồi, diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu nhưng với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao, Cục Hạ tầng kỹ thuật nhất định sẽ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Xây dựng đề ra.

Thành Luân

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/cuc-ha-tang-ky-thuat-hoan-thien-chinh-sach-de-phat-trien-325409.html