Cười luận

Tiếng cười trong đời sống ngôn ngữ và văn hóa của người Việt quả thật trăm hình nghìn vẻ với đủ các trạng thái, sắc thái khác nhau. Có những tiếng cười đồng nghĩa với vui vẻ, thích thú, sung sướng như cười ồ, cười rộ, cười khà, cười xòa, cười sặc, cười vỡ bụng… và cũng có những tiếng cười với sắc thái ngược lại, bộc lộ những thái độ như khinh thường, chê trách, hờn giận, căm tức.

1. "Một buổi trưa có ba người lính đến lĩnh quân trang. Cách kho một quãng, họ bỗng chùn chân vì vẳng tiếng cười man dại… Gần đến chòi canh kho, bỗng "soạt", rồi "huỵch", hình như có con vượn trắng vừa nhảy từ chòi canh xuống và lẫn vào đám lá. Ba người tản ra, một người chui vào bụi đuổi theo con vượn.

Anh ta đang ngơ ngác nhìn ngược nhìn xuôi thì "phốc", một đôi tay từ đâu đã ghì chặt lấy cổ và sau gáy anh vang lên tiếng cười man dại lúc nãy. Vừa cố sức gỡ ra vừa ngoái lại, anh kinh hoàng thấy con vượn lúc nãy đang ôm chặt lấy anh. Nhưng anh còn bàng hoàng gấp đôi khi nhận ra rằng, "con vượn trắng" ấy lại là một người con gái hoàn toàn trần truồng tóc xõa, vẻ mặt bơ phờ và đang ngửa cổ ra sau cười khanh khách".

Đó là những câu văn ngay trong phần mở đầu truyện ngắn nổi tiếng "Người sót lại của rừng cười" của nhà văn Võ Thị Hảo. Những cô gái canh kho quân nhu giữa rừng Trường Sơn ngày ấy đã bị bệnh hysteria, một thứ bệnh rối loạn thần kinh mà trong dân gian còn gọi là bệnh… thiếu đàn ông.

Về bản chất, nó là một sự mất cân bằng tâm lý khá nghiêm trọng. Tiếng cười khi ấy không phải là niềm vui hay sự thích thú, thư giãn mà ta chỉ thấy đớn đau, xót xa, thương cảm. Tiếng cười khi ấy đồng nghĩa với bi kịch, là một hệ quả của chiến tranh tàn khốc, đã cướp đi những khát khao rất chính đáng của con người, đó là khát khao được yêu thương, được hạnh phúc với người mình yêu.

Tiếng cười trong nhiều hoàn cảnh đớn đau, ngang trái thường đi kèm luôn cùng với tiếng khóc: "Tôi khóc tôi cười vang cả mộng/ Nhớ thương đưa lạc gió qua mành" (Mộng thấy Hàn Mặc Tử - Quách Tấn), "Hoa rơi. Gió thổi. Trăng tàn/ Dọc đời cứ mãi lang thang tự tình/ Khóc cười trong cõi nhân sinh/Mà quên đi hẳn phận mình lẻ loi" (Khuyết danh). Từ trong ca dao cũng đã có câu: "Cười như sĩ tử hỏng thi/ Khóc như cô gái khi đi lấy chồng".

Đâu phải lúc nào cái cười cũng gắn với niềm vui. Cười hỏng thi là cái cười đắng cay, chua chát, tiếc nuối. Và đâu phải tiếng khóc nào cũng gắn với nỗi buồn. Tiếng khóc của cô gái đi lấy chồng chỉ là dấu hiệu của một bước ngoặt trong cuộc đời. Sau này, trong một tình yêu tan vỡ cũng không thiếu những nụ cười cay đắng: "Người yêu hỡi xin giấu lệ sầu khi chia tay tình đầu/ Dù xa cách nhưng những ngọt ngào ta quen nhau ngày nào/ Còn đâu đó trên phố hẹn hò, còn in dấu phong kín một đời/ Cười lên đi người yêu ơi, dù lòng ta nát tan" (Chia tay tình đầu - Nhạc và lời: Nguyễn Ngọc Thiện)

2. Tiếng cười trong đời sống ngôn ngữ và văn hóa của người Việt quả thật trăm hình nghìn vẻ với đủ các trạng thái, sắc thái khác nhau. Có những tiếng cười đồng nghĩa với vui vẻ, thích thú, sung sướng như cười ồ, cười rộ, cười khà, cười xòa, cười sặc, cười vỡ bụng… và cũng có những tiếng cười với sắc thái ngược lại, bộc lộ những thái độ như khinh thường, chê trách, hờn giận, căm tức: cười khẩy, cười mũi, cười nhạt, cười gằn. Có cái cười mà sự chê trách nằm ngay ở chủ thể của người phát ra cái cười đó, như cười xun xoe, cười nịnh nọt, cười bả lả.

Có rất nhiều những từ láy, thường là từ tượng thanh hoặc tượng hình miêu tả các cung bậc, mức độ khác nhau của tiếng cười: hi hi, ha ha, sằng sặc, nắc nẻ, khằng khặc, tủm tỉm, khúc khích, khanh khách… Nhiều từ láy miêu tả tiếng cười như vừa kể đã đi vào các tác phẩm văn chương: "Không có kính ừ thì có bụi/ Bụi phun tóc trắng như người già/ Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc/ Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha" (Bài thơ về tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật), "Có cô bé nhà bên nhìn tôi cười khúc khích/ Mắt đen tròn thương thương quá đi thôi" (Quê hương - Giang Nam), "Cụ ngửa cổ ra đằng sau, uống một hơi cạn sạch, rồi vừa chép miệng vừa lần ruột tượng để trả tiền (…) Hai chị em Liên đứng sững nhìn theo cụ đi lần vào bóng tối, tiếng cười khanh khách nhỏ dần về phía làng" (Hai đứa trẻ - Thạch Lam)

Tiếng cười đối với ông cha ta còn là những lời khuyên răn về đời sống, về ứng xử. Vẫn biết tiếng cười là cần thiết, là quan trọng, giống như một sự lạc quan nên có trong đời sống hàng ngày: "Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ". Nhưng khi hướng tiếng cười ấy vào các đối tượng, sự vật sự việc khác nhau thì cũng có khi phải thận trọng, cân nhắc bởi: "Cười hở mười cái răng, Ai ơi chớ vội cười nhau/ Cười người hôm trước, hôm sau người cười".

Tiếng cười, suy cho cùng chính là sự phát ra một tín hiệu trong mối quan hệ/ chia sẻ với một người khác, một đối tượng khác. Tiếng cười sẽ phản ánh đúng tâm lý, hoàn cảnh của chủ thể thực hiện hành động cười. Có những tiếng cười trở thành biểu đạt điển hình cho tính cách nhân vật. Chẳng hạn Tào Tháo với tiếng cười gian hùng, Phan Kim Liên với nụ cười lả lơi dâm đãng…

3. Bàn về vẻ đẹp của phụ nữ trong văn chương cổ điển, không thể thiếu nụ cười. Thơ cổ Trung Quốc có câu: "Nhất tiếu khuynh nhân thành/ Tái tiếu khuynh nhân quốc" (Một nụ cười làm nghiêng thành của người/ Thêm nụ cười nữa làm nghiêng nước của người). Sau này, đại thi hào Nguyễn Du khi tả nhan sắc hai chị em Thúy Vân, Thúy Kiều cũng viết: "Hoa cười ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da".

Trong điển tích Trung Hoa, có những nụ cười làm diệt vong cả một triều đại. Sử chép, nàng Muội Hỉ xinh đẹp nhưng chẳng bao giờ cười, chỉ mỗi khi nghe tiếng xé vải mới nở một nụ cười khe khẽ. Kiệt Vương liền sai người hầu mỗi ngày đem vào cung hàng nghìn mét lụa để xé cho Muội Hỉ vui. Sau này, Kiệt Vương ngày càng say đắm tửu sắc và cuối cùng mất nước.

Lại có chuyện Chu U Vương muốn Bao Tự nở một nụ cười, đã sai quân đốt lửa trên các tháp dầu. Đây là tín hiệu chỉ sử dụng khi cực kỳ nguy cấp, để báo cho quân các nước chư hầu đến cứu ứng khi có chiến tranh. Chu Vương bỏ qua quy định này, chỉ cốt mua vui cho Bao Tự.

Khi các nước chư hầu ùn ùn đem quân tới để cứu giá, thấy kinh thành vẫn bình yên, họ lại tiu nghỉu rút quân về. Bao Tự nhìn thấy cảnh đó không nén nổi tiếng cười lớn làm Chu Vương rất hoan hỉ. Nhưng rồi đến khi có biến cố thực sự, cần sự cứu ứng của các chư hầu. Chu Vương khi ấy sai người đốt lửa trên các tháp dầu thì không ai đem quân đến giúp nữa, thế là mất nước.

Cho đến thi ca hiện đại, các thi sĩ khi tả vẻ đẹp của thiếu nữ vẫn phải dùng đến nụ cười. Với Xuân Diệu, đó là nụ cười làm duyên của người thiếu nữ trong bài "Nụ cười xuân": "Thiếu nữ bâng khuâng đợi một người/ Chưa từng hẹn đến giữa xuân tươi/ Cùng chàng trai trẻ xa xôi ấy/ Thiếu nữ làm duyên, đứng mỉm cười".

Trước đó, nụ cười đã xuất hiện ngay trong khổ thơ đầu tiên của tác phẩm, như một sự hòa quyện cảm xúc tươi vui rực rỡ của đất trời và lòng người: "Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui/ Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời/ Sao buổi đầu xuân êm ái thế/ Cánh hồng kết những nụ cười tươi". Hàn Mặc Tử lại có cách diễn đạt táo bạo khác về nụ cười của người thiếu nữ: "Cô gái ngây thơ nhìn xuống hồ/ Nước trong nổi bật dáng hình cô/ Nụ cười dưới ấy và trên ấy/ Không hẹn, đồng nhau nở lẳng lơ" (Nụ cười)

Nhìn lại nền văn nghệ kháng chiến của ta, nụ cười là thứ không thể thiếu được. Nó luôn đồng hành cùng những người chiến sĩ để vượt lên mọi khó khăn gian khổ, thể hiện tinh thần lạc quan phơi phới: "Hỡi người con gái trong đạn bom vẫn hát cười vui" (Em ở nơi đâu - Nhạc và lời: Phan Nhân), "Anh cười một mình và cất tiếng hát vang" (Nhạc rừng - Nhạc và lời: Hoàng Việt), "Em đóng cọc rào quanh hố bom/ Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn/ Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để" (Gửi em cô thanh niên xung phong - Phạm Tiến Duật).

Dĩ nhiên, để nở một nụ cười tươi vui trong mỗi tác phẩm, điều ấy đôi khi cũng là không dễ dàng với những người nghệ sĩ. Nhạc Trịnh Công Sơn trước 1975 hầu như vắng bóng nụ cười. Chỉ tới khi đất nước hòa bình, thống nhất, chúng ta mới có thể bắt gặp nụ cười trong ca khúc của ông: "Như là những bông hoa trong thành phố này/ Tuổi đời mênh mông quá búp non đầu cây/ Em về giữa thiên nhiên em cười em nói/ Như sóng đùa biển khơi" (Tuổi đời mênh mông), "Em cười đâu đó trong lòng phố xá đông vui" (Hoa vàng mấy độ).

Cuộc sống loài người luôn cần đến những tiếng cười, nụ cười. Và hạnh phúc làm sao mỗi khi được quay trở về với ấu thơ để đón nhận những tiếng cười, nụ cười hồn nhiên trong vắt. Những nụ cười cho ta yêu hơn những ngày qua, những ngày đang sống và cả những ngày mai sau: "Nụ cười tươi chúng ta cùng chung niềm vui. Trong cuộc sống đầm ấm yên vui ta cùng cất tiếng cười (…) Tiếng cười vui luôn luôn bên ta. Tiếng cười sẽ luôn luôn ngân xa. Tiếng cười là bạn thân tháng năm không thể nào xóa nhòa" (Nụ cười - Nhạc Nga, Lời Việt: Phạm Tuyên).

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/cuoi-luan-i650403/