Cứu hộ cứu nạn ở Trường Sa

Khuya. Song Tử Tây, hòn đảo nhỏ bé giữa biển khơi mênh mông, nằm cách đất liền khoảng 300 hải lý vẫn rực sáng ánh đèn. Một quang cảnh lạ lùng: tiếng người, tiếng xe, tiếng xuồng máy ra vào ầm ào.

Sau tiếng hò reo huyên náo, con thuyền của ngư dân mắc kẹt vào bãi đá ngầm dần chuyển động. Trung úy Bùi Tiến Công, Thiếu úy Lê Cảnh Thân, Nguyễn Huy Khánh, Phạm Văn Túc trong tổ cứu hộ cứu nạn của đảo thở phào. Thế là một "ca khó" nữa đã kết thúc… Những cứu tinh trên biển Đại úy Phùng Huy Hướng, cán bộ trực ban trong ngày đoàn công tác chúng tôi từ đất liền ra thăm đảo kể rằng, đó chỉ là một trong số những vụ cứu hộ cứu nạn ngư dân đi biển mà tập thể cán bộ chiến sĩ trên Song Tử Tây đã thực hiện trong mấy tháng đầu năm 2010. Về "ca" cứu hộ đặc biệt này, các thành viên trong đội kể rằng, đó là một ngày tháng 4, khi tất cả còn đang tập trung huấn luyện thì bộ phận tiếp nhận thông tin báo vừa có tín hiệu cấp cứu từ ngoài biển đánh vào. Đã quen với công việc nên tất cả nhanh chóng trở lại trụ sở, lên xuồng CQ (xuồng cứu hộ cứu nạn của Hải quân) tìm kiếm. Không mất nhiều thời gian để tìm ra vị trí phát tín hiệu cấp cứu và chiếc thuyền đang "chết đứng" giữa ma trận của đá ngầm, cách cửa Âu Tàu không xa. Lãnh đạo đã quyết định điều động thêm cả người và phương tiện, con tàu vẫn không nhúc nhích thêm. Quá nửa đêm, huy động cả các phương tiện chuyên dụng của Hải quân, tàu mới được "giải thoát" trong tiếng hò reo vang động của lính lẫn ngư dân. Đảo thức. Cách vụ thuyền mắc kẹt trước đó không lâu, lính CQ cũng một phen nháo nhào. Cũng vào khuya ngày 13/4, bộ phận nhận tín hiệu báo cáo có tín hiệu cấp cứu đánh về. Thế nhưng, tìm sáng đêm mà tàu của "ngư dân nhà mình" cứ như bóng chim tăm cá. Mở rộng tìm kiếm, hiệp đồng thêm cùng với Hải đoàn 128 tìm không quản ngày đêm mà phải đến tận ngày 21/4, con tàu QNG 66485, tàu cá của thuyền trưởng Mai Văn Lê mới được tìm thấy. Cả tuần tàu bị chết máy, trôi dạt nên khi đoàn cứu hộ tới nơi, tàu nồng nặc mùi cá chết. Nước ngọt, thực phẩm đã cạn. 12 người trên tàu đều đuối sức… Điểm tựa của ngư dân Tàu bị nạn được tìm thấy, ngư dân thoát nạn vui mừng đã đành mà người đi tìm họ cũng vui cứ như thể nghe tin người thân của mình vừa vượt qua cơn hiểm nghèo nào… Đó là chia sẻ mà chúng tôi nghe được của hầu hết "lính" cứu hộ cứu nạn trên các đảo của quần đảo Trường Sa. Có lẽ không ở đâu, cái tình quân dân vẫn được ví von như cá với nước ấy lại cụ thể và thắm đượm như ở những đảo nhỏ này. Trở lại với trường hợp tàu đánh cá của thuyền trưởng Mai Văn Lê, sau khi cả 12 thành viên của tàu được đưa lên xuồng cứu hộ, chuyển gấp về bệnh xá để quân y trên đảo chăm sóc và tàu cũng được kéo về an toàn, lính đảo chẳng đặng đừng khi nhìn những "bộ cánh" xác xơ của đồng bào nên bàn nhau "quyên góp, ủng hộ". Quần áo có thiếu một chút thì mặc chung. Mỗi người giúp một chút. Ngày rời đảo, cùng với lương thực thực phẩm, nước ngọt miễn phí cho hải trình trở về đất liền, đảo còn hỗ trợ nhà tàu được 4 triệu đồng. Có thể những hỗ trợ này còn rất nhỏ bé so với những con số làm từ thiện hàng tỷ đồng của doanh nghiệp nào đó trong đất liền, nhưng ở nơi mà cuộc sống còn rất nhiều khó khăn như của cán bộ chiến sĩ Trường Sa thì cái tình, sự sẻ chia ấy thực đáng quý. Chúng tôi chợt nhớ những lời chia sẻ của Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân ngay trước chuyến đi, mặc dù tình hình quần đảo Trường Sa còn nhiều khó khăn, phức tạp nhưng song song với giải pháp đối thoại quốc phòng, nhiều giải pháp, tìm kiếm hợp tác với các quốc gia trên nhiều lĩnh vực, trong đó có tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển cũng liên tục, tích cực được triển khai và đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp

Nguồn CAND: http://ca.cand.com.vn/vi-vn/thoisuxahoi/phongsughichep/2010/5/163310.cand