Đà Lạt đề xuất hơn 687 tỷ đồng để xử lý 10 khu vực khẩn cấp ngập úng

Các khu vực cảnh báo có nguy cơ khẩn cấp: suối Cam Ly, hồ Vạn Kiếp, suối hạ lưu hồ Thái Phiên đến hồ Than Thở, hồ Mê Linh, suối Nghệ Tĩnh - Vạn Kiếp, suối Phan Đình Phùng, đường Đống Đa, đường Hà Huy Tập, đường Vạn Thành…

UBND thành phố Đà Lạt vừa có tờ trình ngày 9.8, đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng xem xét, thẩm định trình UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định danh mục chủ trương đầu tư và nguồn vốn để thực hiện đầu tư các dự án khẩn cấp, thường xuyên bị ngập úng, gây thiệt hại lớn hoa màu, tài sản của người dân đang canh tác tại địa phương, cũng như cống ngầm có nguy cơ bị ách tắc do lòng hồ bị bồi lấp hoàn toàn và không còn khả năng điều tiết lũ.

Theo đó, có 10 khu vực là suối, hồ, cầu, đường thuộc danh mục các công trình khẩn cấp phòng chống ngập lụt trên địa bàn thành phố Đà Lạt, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 687.917.757. 000 đồng.

Đường phố Đà Lạt ngập nặng trong trận mưa chiều 23.6.2023. Ảnh: Bá Long

Khu vực hồ Mê Linh

Dự án nạo vét hồ Mê Linh (phường 9) nhằm tăng khả năng thoát nước qua cống thượng lưu hồ, chống ngập lụt cho khu vực thượng lưu hồ chứa Mê Linh. Tạo cảnh quan, giảm thiểu bồi lắng cho hồ Xuân Hương, chống ô nhiễm nước hồ và duy trì và tăng thời gian sử dụng của hồ chứa Mê Linh.

Đồng thời, tăng khả năng phòng lũ, giảm thiểu tốc độ ngập lụt phía hạ lưu hồ. Bảo vệ hành lang hồ chứa, tránh sự xâm lấn của các hộ dân quanh hồ.

Dự án sẽ thực hiện nạo vét lòng hồ; sửa chữa kè bờ hồ; sửa chữa cống thoát nước thượng lưu hồ; xây dựng tuyến đường quanh hồ; xây dựng thủy tạ trong lòng hồ.

Tổng mức đầu tư dự kiến 35.000.000.000 đồng, trong đó chi phí bồi thường là 4.000.000.000 đồng.

Khu vực hồ Vạn Kiếp

Dự án sửa chữa, nâng cấp, khôi phục hồ Vạn Kiếp (phường 7 và phường 8) nhằm khôi phục lại lòng hồ để điều tiết, cắt giảm lũ cho nội ô thành phố Đà Lạt, tạo cảnh quan môi trường, du lịch sinh thái và xả rửa môi trường nước hệ thống suối Phan Đình Phùng - Cam Ly.

Dự án sẽ làm lại cụm đầu mối (đập, tràn, cống); nạo vét lòng hồ khoảng 5,6 ha; chiều sâu đào 2,5 mét, khoảng 140.000 m3 đất nạo vét; xây kè chống sạt lở xung quanh hồ; xây dựng đường giao thông nội bộ ven hồ là đường chỉ giới công trình kết hợp quy hoạch chỉnh trang khu vực, chống tái lấn chiếm lòng hồ; trồng cây xanh, thảm cỏ và các công trình cảnh quan quanh hồ.

Tổng mức đầu tư dự kiến 282.179.000.000 đồng, trong đó chi phí bồi thường là 121.349.000.000 đồng.

Khu vực suối Cam Ly

Dự án gia cố suối Cam Ly (đoạn từ hồ Mê Linh đến đường Lữ Gia mở rộng) và xây dựng tuyến giao thông dọc suối Cam Ly có mục tiêu cải tạo suối Cam Ly nhằm chống ngập úng, chống chia cắt, cô lập cục bộ, cải thiện thoát lũ, hoàn thiện hạ tầng đất sản xuất và đảm bảo tính mạng cho người dân.

Đồng thời, mở đường giao thông theo định hướng quy hoạch nối với các tuyến đường trung tâm thành phố nhằm hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế, hạn chế ùn tắc giao thông trong khu vực.

Góp phần chỉnh trang đô thị và tạo cảnh quan cho hệ thống suối hồ khu vực thượng lưu hồ Xuân Hương, đảm bảo an toàn cho các dự án hạ tầng du lịch khác và tạo cảnh quan môi trường du lịch, sinh thái.

Tổng mức đầu tư dự kiến 170.800.000.000 đồng, trong đó chi phí bồi thường 46.689.000.000 đồng.

Suối Cam Ly đoạn cắt ngang đường Phan Đình Phùng không thoát kịp nước trong trận mưa to ngày 23.6.2023. Ảnh: Mai Vinh

Khu vực từ suối hạ lưu hồ Thái Phiên đến hồ Than Thở

Dự án kiên cố hóa suối hạ lưu hồ Thái Phiên đến hồ Than Thở (phường 12) nhằm tăng khả năng thoát nước, tránh tình trạng ngập úng vào mùa mưa. Phòng chống giảm nhẹ thiên tai, góp phần làm giảm tác động biến đổi khí hậu, tạo cảnh quan môi trường.

Góp phần hoàn chỉnh mạng lưới tiêu nước, tạo điều kiện phát triển kinh tế. Đồng thời phát triển dân sinh kinh tế của nhân dân trong khu vực dự án và các vùng lân cận.

Tổng mức đầu tư dự kiến 71.938.757.000 đồng.

Khu vực suối Nghệ Tĩnh - Vạn Kiếp

Dự án kiên cố hóa suối Nghệ Tĩnh - Vạn Kiếp (phường 8) nhằm tăng khả năng thoát nước, tránh tình trạng ngập úng vào mùa mưa. Phòng chống giảm nhẹ thiên tai, góp phần làm giảm tác động biến đổi khí hậu, tạo cảnh quan môi trường.

Góp phần hoàn chỉnh mạng lưới tiêu nước, tạo điều kiện phát triển kinh tế. Đồng thời phát triển dân sinh kinh tế của nhân dân trong khu vực dự án và các vùng lân cận.

Tổng mức đầu tư dự kiến 30.000.000.000 đồng, trong đó chi phí bồi thường 10.000.000.000 đồng.

Khu vực cầu Đống Đa

Dự án nâng cấp, mở rộng cầu Đống Đa (phường 3) nhằm đảm bảo lưu lượng và tải trọng xe ngày càng tăng trên tuyến đường này (xe ra vào khu dân cư, thông qua đường Đống Đa). Đáp ứng được nhu cầu giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản,… cho người dân trong khu vực.

Đảm bảo việc thu và thoát nước mặt tốt nhất cho nền, mặt đường, hạn chế các ảnh hưởng làm hư hỏng đến nền, mặt đường. Hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng trên tuyến, tạo mỹ quan đô thị, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho các khu dân cư có tuyến đường đi qua và các khu vực lân cận.

Tổng mức đầu tư dự kiến 15.000.000.000 đồng, trong đó chi phí bồi thường 600.000.000 đồng.

Khu vực đường Đống Đa

Dự án xây dựng kè chống sạt lở đường Đống Đa (phường 3) nhằm chống sạt lở, cải thiện tình trạng ngập úng cục bộ, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tổng mức đầu tư dự kiến 17.000.000.000 đồng.

Khu vực đường Hà Huy Tập

Dự án xây dựng kè chống sạt lở đường Hà Huy Tập (phường 3) nhằm chống sạt lở, cải thiện tình trạng ngập úng cục bộ, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Tổng mức đầu tư dự kiến 14.000.000.000 đồng.

Người dân thông các lỗ thoát nước trên đường Phan Đình Phùng bị ngập sâu ngày 23.6.2023. Ảnh: Mai Vinh

Khu vực suối Phan Đình Phùng

Dự án cải tạo, mở rộng suối Phan Đình Phùng đoạn từ cầu Tản Đà đến suối Cam Ly. Theo tờ trình của UBND thành phố Đà Lạt, suối Phan Đình Phùng là tuyến thoát nước tự nhiên theo trục Bắc - Nam của một số khu vực các phường 1, 2, 5, 6, 7. Hiện nay, do các đợt mưa lớn bất thường đã gây ngập lụt một số vị trí trên tuyến suối này, nhất là đoạn cuối từ cầu Tản Đà đến suối Cam Ly, gây hư hỏng đồ đạc của người dân, gây mất an toàn giao thông đi lại, mất vệ sinh môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Vì vậy, cần có giải pháp xử lý cải tạo, mở rộng suối Phan Đình Phùng đoạn từ cầu Tản Đà đến suối Cam Ly để đảm bảo khả năng thoát nước tốt nhất, hạn chế tình trạng ngập lụt ít nhất có thể xảy ra…, nhằm đảm bảo giao thông đi lại, đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

Tổng mức đầu tư dự kiến 19.000.000.000 đồng.

Khu vực đường Vạn Thành

Dự án xử lý sạt lở đường Vạn Thành (phường 5) nhằm chống sạt lở, cải thiện tình trạng ngập úng cục bộ, thoát lũ đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Tổng mức đầu tư dự kiến 33.000.000.000 đồng.

Hữu Tiến

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/da-lat-de-xuat-hon-687-ty-dong-de-xu-ly-10-khu-vuc-khan-cap-ngap-ung-40564.html