Đà Lạt - Tình hoa, tình người nồng thắm

Nhân đọc bài thơ 'Có một Festival hoa' của tác giả Duy Nguyễn, nhà phê bình văn học Nguyên Thanh đã có những chia sẻ thú vị.

Bài thơ “Có một Festival hoa” của Duy Nguyễn (một trong những bút danh của Nguyễn Hồng Vinh) đăng trên báo Nhân Dân cuối tuần và trang thơ của Tạp chí Người làm báo, được nhiều bạn đọc quan tâm. Đây là một bài thơ hay viết về cái đặc sắc của lễ hội hoa Đà Lạt, nhưng qua đó, người đọc còn cảm nhận được một tình yêu đẹp, thơ mộng, lãng mạn và cũng rất tinh tế. Có thể coi đây là thi phẩm đã hòa quyện nhuần nhuyễn chất đời thường thực tế và chất thơ lý tưởng. Một sự kết hợp vừa miêu tả, vừa tâm tình, vừa quan sát cụ thể, vừa như thả hồn vào cõi mộng mơ mà rất đời thường ấm áp:

Dường như mỗi sáng đầu tuần
Anh tặng em những bông hồng Đà Lạt
Căn phòng nhỏ bên hồ thơ mộng
Như thỏi nam châm hút cả hừng đông!

Em chào đời trên đất lửa vùng sim
Vào đất ngàn hoa sáng bừng mơ ước
Dạy học trò tình yêu từng con dốc
Cùng chăm chút đất này thành những rừng hoa

Anh nhớ mãi ngày ta thăm Bảo Lộc
Nơi Trịnh Công Sơn dạy học thuở đầu
300 lá thư tình da diết
Sơn dành cho nàng - người đánh thức tim yêu!

Em hỏi vui: Anh tặng em bông hồng thứ bao nhiêu?
Chỉ biết khi mùa hoa dã quỳ vàng rực
Len giữa các loại cúc, hồng, xanh, vàng, tím
Cả thành phố như rừng sao trên đất
Là lúc trái tim anh đã thuộc về em!

Anh có mặt ở nhiều vùng đất nước
Từ Lũng Cú - Hà Giang đến rừng đước Năm Căn
Ngồi ngắm trăng biển Mỹ Khê gió lộng
Những tứ thơ ùa về khi thấp thoáng hình em…

Hoa và người đã hòa quyện trong nhau
Trên đất cao nguyên tình người nồng ấm
Đau đáu ấy thức dồn, trang viết thêm thấm đượm
Ân nghĩa con người lúc gian khó, thương đau…

Dịp cuối năm, Đà Lạt lại hội hoa
Ta rưng rưng một festival thầm lặng:
Lưu giữ mãi những bông hồng tươi thắm
Anh đã trao em từ ngày ấy đến giờ!...

Thu 2019

Đúng với tinh thần lễ hội festival, cả bài thơ của Duy Nguyễn là một rừng sắc màu rực rỡ, lung linh. Những thi ảnh cứ nương nhau phô bày hình vẻ của hoa hồng, hoa dã quỳ vàng rực, xen giữa hoa cúc, hồng, xanh, vàng, tím… Không sa vào kể lể, liệt kê sự việc, tác giả “gói” lại đúng lúc cái đẹp lãng mạn của đất ngàn hoa: “Cả thành phố như rừng sao trên đất”. Một sự so sánh khái quát có sức cuốn hút người đọc: coi cả trời hoa Đà Lạt như một “dải thiên hà” dưới trần thế đang phát sáng, đang đua sắc khoe hương!

Tác giả không đề cập cụ thể, nhưng ai cũng thấy hai ngôi sao sáng nhất “dải thiên hà” hoa ấy là “anh” và “em”. Vẫn dễ thấy họ yêu nhau theo môtip truyền thống: anh như con thuyền nay đây mai đó, em như cái bến đợi chờ. Đà Lạt đã và đang là cái bến chờ tình yêu trong trẻo và mộng mơ ấy. Dù ở “Lũng Cú - Hà Giang” hay “đến rừng đước Năm Căn”; lúc “ngồi ngắm trăng biển Mỹ Khê gió lộng…”, nhưng “con thuyền” anh lúc nào cũng nhớ về “bến” em Đà Lạt; và khi ấy xuất hiện những tứ thơ lung linh, sâu lắng nhờ “thấp thoáng hình em…”. Em là một tứ thơ nhỏ trong ngàn vạn tứ thơ lớn là Đà Lạt - nơi em đang sống, đang truyền cho anh niềm vui và nỗi nhớ, vắng em nguồn thơ trong anh sẽ vơi cạn và vô hồn!

Cũng dễ thấy, chàng trai này khéo khen người yêu của mình kín đáo mà tinh tế. Khen mà như không khen: Căn phòng nhỏ bên hồ thơ mộng/ Như thỏi nam châm hút cả hừng đông! Trong phòng đó có em; nói khác đi, “em” là hiện thân của căn phòng ấy. Và anh cũng kín đáo tự bộc bạch mình đang ắp đầy tình yêu nồng nàn, say đắm như người nhạc sỹ lớn đã viết “300 lá thư tình da diết” dành cho người con gái đầu tiên đánh thức trái tim yêu của Trịnh Công Sơn!

Trong bài này, ta còn thấy một môtíp cổ phương Đông về quan hệ “hoa” và “người” có từ thiên kiệt tác Đề Đô Thành Nam Trang (Đề thơ ở trại phía Nam Đô Thành) của Thôi Hộ thời Đường Đức Tông. Xin phép trích lại: Khứ niên kim nhật thử môn trung/ Nhân diện đào hoa tương ánh hồng/ Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong (Ngày này năm ngoái tại cửa đây/ Hoa đào và mặt người cùng ánh lên sắc hồng/ Gương mặt người xưa giờ không biết chốn nao/ Chỉ thấy hoa đào vẫn như cũ cười với gió đông).

Thi liệu xưa, cảnh xưa, tình xưa buồn man mác. Thơ của Duy Nguyễn trong bài mang hình ảnh hiện hữu, nồng nàn, tươi tắn. Nhưng “cái lõi” của hình tượng thẩm mỹ thì được tác giả kế thừa: “Nhân diện đào hoa tương ánh hồng” (Hoa đào và mặt người cùng ánh lên sắc hồng). Cái hay ở ý thơ là: không biết nhờ hoa mà mặt người đẹp lên, hay hoa nhờ sắc người mà tươi hơn! Viết đoạn này, Duy Nguyễn đã để người đọc tự cảm nhận.

Bài thơ như bản tình ca trên đất ngàn hoa được cất lên với sự rung cảm, đồng điệu của hai trái tim, làm tôn thêm vẻ đẹp của tâm hồn đôi lứa, lúc thầm kín, khi trào sôi khát khao, hy vọng, tỏa rạng cả sắc trời tình người, tình hoa Đà Lạt đã “hòa quyện trong nhau”, tạo nên một festival thầm lặng, thiêng liêng suốt tháng năm như sắc thắm của ngàn vạn bông hồng được em lưu giữ thầm kín trong tâm kể từ ngày “trái tim anh đã thuộc về em”!

Nguyên Thanh

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/da-lat-tinh-hoa-tinh-nguoi-nong-tham-n16463.html