Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ những nét riêng có của văn hóa trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 27/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Làm rõ những nét riêng có của văn hóa Thủ đô

Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình thống nhất với quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi Luật Thủ đô; dự thảo luật đã quy định tương đối đầy đủ 9 nhóm chính sách với nhiều nội dung mang tính đột phá đặc thù có kế thừa bổ sung và phát triển so với luật hiện hành.

Để việc xây dựng và tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) thực sự tạo được động lực và khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đạt được các mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ, cụ thể hơn một số nội dung sau trong dự thảo luật.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Về phát triển văn hóa, theo đại biểu, Hà Nội là đô thị đặc biệt, là trung tâm văn hóa của cả nước và có nền văn hiến hơn 1000 năm. Lịch sử Hà Nội là một phần vô cùng quan trọng để tìm hiểu về lịch sử của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa thể hiện rõ nét riêng có của văn hóa Thủ đô, chưa làm rõ nội hàm văn hiến, văn minh, hiện đại, thành phố di sản sáng tạo và là nguồn lực phát triển của văn hóa Thủ đô đối với các quy định về bảo tồn di sản văn hóa của Hà Nội.

Tại khoản 4 Điều 23 có quy định các khu vực di tích và di sản được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Tuy nhiên, các giải pháp, biện pháp, điều kiện và nguồn lực bảo đảm để thực hiện bảo tồn trách nhiệm của chính quyền các cấp ở thủ đô và của Trung ương cho việc bảo tồn, khôi phục các di tích, di sản chưa quy định cụ thể tại dự thảo luật, chưa có những điều chỉnh so với Luật Di sản văn hóa hiện hành để Thủ đô có quy định đặc thù và lộ trình thực hiện sớm hơn, bảo đảm xử lý ngay các vấn đề cấp bách trong bảo tồn di sản văn hóa của Hà Nội do các vướng mắc từ quy định, cơ chế, chính sách hiện hành. Do vậy cần rà soát để quy định rõ nét, đầy đủ, cụ thể hơn các nội dung trên.

Về phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô quy định tại Điều 24 luật, đại biểu cho biết, dự thảo chưa có những quy phạm cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong bố trí trường lớp, bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất để giáo dục toàn diện cả trí lực, thể lực, tâm lý, tinh thần cho trẻ em, nhất là ở các khu vực đô thị lõi, đô thị mới tập trung đông dân cư hiện nay; chưa khắc phục được sự chênh lệch trong đầu tư phát triển chất lượng giáo dục giữa khu vực nội thành và ngoại thành nông thôn; chưa có sự gắn kết cho quy hoạch giáo dục với quy hoạch tổng thể của Thủ đô.

Quang cảnh phiên thảo luận.

Về quy định liên kết phát triển vùng Thủ đô quy định tại Chương 5, theo đại biểu vấn đề liên kết phát triển vùng nói chung là một nội dung khó chưa được pháp lý hóa một cách rõ ràng cụ thể đồng bộ trong hệ thống pháp luật nước ta. Việc điều phối hoạt động đầu tư phát triển của các vùng kinh tế - xã hội nói chung và vùng Thủ đô nói riêng cần rõ ràng về cơ chế đầu tư cơ chế tài chính cơ chế quản lý điều hành xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng địa phương trong vùng. Do vậy, để xây dựng các quy định về liên kết phát triển vùng Thủ đô trong luật hiệu quả, khả thi, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu quy định đầy đủ, cụ thể hơn một số nội dung:

Tại khoản 1 Điều 46 quy định cùng Thủ đô là vùng phát triển kinh tế xã hội tập trung hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật quốc gia. Quy định này chưa đầy đủ bởi khi được đề cập đến hạ tầng kỹ thuật phải song song với hạ tầng xã hội và quy định này hẹp hơn, chưa đồng bộ với Kết luận số 45 Hội nghị lần thứ 6 ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và về định hướng quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Dự thảo luật có phạm vi điều chỉnh cả những hoạt động kinh tế - xã hội của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng trong đó có quy định giao thủ đô có vai trò chủ trì điều phối thực hiện và quản lý quy hoạch vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Vì vậy cần nghiên cứu bổ sung làm rõ nét hơn, cụ thể hơn các quy định đặc thù khác liên quan đến vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng trong dự thảo như thẩm quyền về đầu tư các dự án có tính chất vùng được đầu tư sang địa bàn tỉnh khác của các địa phương, các ưu đãi đầu tư, cơ chế đặc thù về liên kết vùng, quản lý dân cư…. đảm bảo hiệu quả và thực chất.

Yêu cầu an ninh đặt ra đối với Hà Nội rất cao do tập trung lượng lớn người dân, khách du lịch

Phát biểu tranh luận tại hội trường, đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho biết điểm b khoản 2, Điều 34 đặt vấn đề ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại một số điểm vi phạm.

Đại biểu cho rằng, biện pháp này chỉ nên áp dụng cho một số lĩnh vực thôi chứ không nên tất cả. Bên cạnh đó, là các trường hợp đã bị lập biên bản xử phạt rồi nhưng vẫn cứ tiếp tục vi phạm mà không chịu khắc phục.

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu tại phiên thảo luận

“Trong điều kiện xuất phát từ vị trí, vai trò của Thủ đô - là trung tâm chính trị hành chính quốc gia và trung tâm văn hóa, kinh tế của cả nước, Hà Nội sẽ tập trung một lượng rất lớn cư dân và cũng như khách du lịch ở đây. Vì vậy yêu cầu về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm an ninh đặt ra yêu cầu rất cao”, đại biểu Tô Văn Tám nêu quan điểm.

Về đổi mới mô hình chính quyền đô thị, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết hiện có hai mô hình, một là thí điểm ở Hà Nội và mô hình như của Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Qua khảo sát thực tiễn cho thấy việc không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện có nhiều bất cập bởi hiện nay cấp huyện chỉ là cấp dự toán ngân sách.

Mặt khác cấp quận dân số ở các đô thị lớn như Hà Nội là rất đông. Sau khi không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận thì các công việc đều dồn lên xử lý ở Hội đồng nhân dân thành phố nên cần phải đánh giá kĩ lưỡng 2 mô hình để chọn được mô hình tối ưu và cần tăng thêm đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nêu ý kiến tại phiên thảo luận

Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng cho rằng cần tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự quyết cho chính quyền thành phố để thực hiện cải cách bộ máy, thủ tục hành chính. Bên cạnh đó là làm rõ trách nhiệm trực tiếp gắn với thẩm quyền, trách nhiệm giải trình trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân; tăng cường hiệu lực hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra.

Về liên kết vùng, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng quy định như dự thảo chưa mang tính trách nhiệm ràng buộc cao, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đòi hỏi quy định cụ thể, chặt chẽ hơn, rõ phương thức triển khai thực hiện, rõ mối quan hệ Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội; đồng thời, cần có quy định trách nhiệm của cơ quan trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội.

Đại biểu dẫn chứng việc các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn là đặc điểm không phải địa phương nào cũng có, trong khi việc thực hiện di dời trụ sở ra khỏi trung tâm thành phố để giảm bớt ách tắc giao thông…nhưng nhiều năm không đạt được.

Xuân Trường - Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-lam-ro-nhung-net-rieng-co-cua-van-hoa-trong-luat-thu-do-sua-doi-20231127154210292.htm