Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô

Thống nhất cao với các nội dung trong dự thảo Luật trình kỳ họp, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cho rằng dự thảo Luật Thủ đô đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị kỹ lưỡng, đã thể hiện khá đầy đủ, toàn diện các nhóm chính sách trên cơ sở kế thừa Luật Thủ đô hiện hành, đồng thời bổ sung thêm một số chính sách mới, trong đó có nhiều nội dung chính sách mang tính đột phá, đặc thù để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô

>> Đại biểu Nguyễn Quốc Luận thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đường bộ

Về số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội quy định tại khoản 2 Điều 9, đại biểu thống với dự thảo Luật quy định tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố từ 95 lên 125 đại biểu, khi không còn HĐND quận, phường thì vai trò, trách nhiệm trong việc thẩm tra, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng sẽ do HĐND thành phố đảm nhiệm, do vậy, việc tăng số lượng đại biểu HĐND của thành phố là hợp lý.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng trong dự thảo Luật đang đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 25% là chưa tương ứng với số lượng nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm của HĐND thành phố Hà Nội.

Đại biểu đồng tình với nhiều ý kiến của cơ quan thẩm tra cho rằng cơ quan soạn thảo xem xét, nâng tỷ lệ đại biểu HĐND thành phố hoạt động chuyên trách (có thể ít nhất là 30% hoặc 40% như đối với đại biểu Quốc hội) để đảm bảo hiệu quả hoạt động của HDND thành phố.

Ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND thành phố quy định tại khoản 4 Điều 9, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung thêm thẩm quyền cho Thường trực HĐND thành phố trong việc cho ý kiến thống nhất với UBND thành phố trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các kỳ họp của HĐND để tạo tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện các nhiệm vụ của UBND thành phố.

Đồng tình cao với việc giao HĐND thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha, đất trồng lúa dưới 500 ha sang mục đích khác phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định được quy định tại khoản 6 Điều 30, đại biểu cho rằng việc quy định hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa như hiện nay đang gây rất nhiều khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Do vậy, việc phân cấp mạnh hơn cho HĐND thành phố Hà Nội trong việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa sang mục đích khác là rất cần thiết, tạo điều kiện chủ động, rút ngắn thời gian, trình tự, thủ tục cho thành phố trong thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Lâm nghiệp thì việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng phải đồng thời thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng. Nếu chỉ phân cấp mạnh hơn cho HĐND thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa sang mục đích khác mà không phân cấp cho HĐND thành phố được chuyển mục đích sử dụng rừng tương ứng thì sẽ rất khó khăn cho thành phố trong thực hiện.

Đại biểu Luận đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung thêm nội dung phân cấp cho HĐND thành phố được quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất tương ứng với diện tích đất rừng sản xuất được chuyển mục đích sử dụng.

Thống nhất với việc phân quyền mạnh cho HĐND, UBND thành phố trong quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư; phân quyền cho UBND thành phố Hà Nội được quyết định việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc tế và quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá trong các lĩnh vực, ban hành phương thức thanh toán áp dụng riêng cho thành phố Hà Nội quy định tại Điều 43 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho rằng, quy định như trong dự thảo luật sẽ tạo tính linh hoạt, chủ động cho thành phố Hà Nội trong việc quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

"Tôi cũng đồng tình rất cao với việc phân cấp thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng cho thành phố Hà Nội. Tôi cho rằng các quy hoạch này đều chủ yếu ở mức độ vĩ mô, trong thực tế công tác quản lý, triển khai thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, nhất là trong quy hoạch quản lý không gian, không gian ngầm, công trình kiến trúc cổ, quy hoạch xây dựng nhà ở, khu đô thị… sẽ phát sinh nhiều vấn đề cần phải có điều chỉnh cục bộ cho phù hợp với thực tế phát triển nhưng không phá vỡ các chỉ tiêu, định hướng của quy hoạch chung. Nếu thực hiện các trình tự, thủ tục theo pháp luật hiện hành sẽ làm mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án và hiệu quả vốn đầu tư” - đại biểu Luận nêu ý kiến.

Cho rằng, việc phân cấp thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng cho thành phố Hà Nội là rất cần thiết, tạo tính linh hoạt, chủ động cho thành phố trong việc quản lý, thực hiện quy hoạch và quản lý đô thị, đại biểu Luận đề nghị thành phố Hà Nội cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa trong việc quản lý, thực hiện các quy hoạch và quản lý đô thị, kiên quyết di dời các cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô, xử lý nghiêm những vi phạm về trật tự xây dựng và đô thị, quản lý tốt hơn nữa không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị…

Hoàng Sâm - Quang Tuấn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/304540/dai-bieu-quoc-hoi-nguyen-quoc-luan-yen-bai-dong-gop-y-kien-vao-du-thao-luat-thu-do.aspx