Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đường bộ

Sáng 21/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Đường bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Tại phiên họp, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đường bộ. Sau khi Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Đường bộ, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An phát biểu thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đường bộ.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An phát biểu thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đường bộ.

Tham gia thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đường bộ, đại biểu Đoàn Thị Lê An, Phó Giám đốc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch bày tỏ nhất trí với các nội dung của Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đường bộ. Quan tâm về chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ được quy định tại Điều 4 của dự thảo luật này, đại biểu Đoàn Thị Lê An cho biết, tại điểm c, khoản 1 dự thảo luật đề nghị bổ sung cụm từ “đường tuần tra biên giới, đường ven biển” để bảo đảm phù hợp với Điều 25 Luật Biên giới quốc gia năm 2003.

Về quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, hệ thống đường địa phương, đường đô thị (Điều 5).Tại điểm b, khoản 5 dự thảo luật, đại biểu đề nghị bổ sung:“Kết nối hiệu quả các phương thức vận tải, xác định các tuyến đường bộ nối đến ga đường sắt, cảng hàng không, cảng biển, cảng cạn, cảng thủy nội địa,cửa khẩu”. Đại biểu cho rằng, trên thực tế một số tỉnh miền núi ko có “ga đường sắt, cảng hàng không, cảng biển, cảng cạn, cảng thỷ nội địa” đơn cử như Cao Bằng là tỉnh biên giới, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài trên 333 km. Hiện nay, tỉnh duy nhất chỉ có loại hình giao thông vận tải đường bộ, trong đó có 6 cửa khẩu (2 cửa khẩu quốc tế), do đó, quy hoạch mạng lưới đường bộ cần bảo đảm kết nối hiệu quả các phương thức vận tải, trong đó có các tuyến đường bộ nối đến các cửa khẩu sẽ bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giao thương hàng hóa với nước bạn.

Về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 12), đại biểucho rằng khoản 2 dự thảo luật đang quy định tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị trong đó quy định tỷ lệ ngưỡng tối thiểu và ngưỡng tối đa. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15, ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị thì ngưỡng tối thiểu đủ điểm để đánh giá đối với đô thị chỉ là đạt, không nhất thiết phải quy định khoảng giới hạn phía trên. Dự thảo luật mới chỉ tính đến tỷ lệ quy định cho các đô thị được xây dựng mới, còn đối với đô thị cải tạo, nâng loại chưa được đề cập, do đó cần có quy định về tỷ lệ quỹ đất giao thông cho đô thị cải tạo, nâng loại. Mặt khác, trong trường hợp đô thị được nâng cấp từ đô thị loại thấp lên đô thị loại cao thì tỷ lệ quỹ đất được tính như thế nào, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định về tỷ lệ đất giao thông cho phù hợp khi đô thị được nâng loại đảm bảo tỷ lệ quỹ đất giao thông phù hợp với loại đô thị được nâng cấp.

Về hoạt động vận tải đường bộ (Điều 56), theo đại biểu, tại khoản 6 dự thảo luật đang liệt kê rất nhiều loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, tuy nhiên trong đó lại không quy định loại hình kinh doanh vận tải khách du lịch. Đây là loại hình kinh doanh vận tải đang hoạt động, có xu hướng ngày càng tăng, yêu cầu quản lý có nhiều nội dung khác biệt so với các loại hình vận tải khác như điều kiện về người lái xe; nhân viên phục vụ trên xe; xe du lịch phải được vào các điểm du lịch trong khi các phương tiện kinh doanh vận tải theo hình thức khác không được vào. Loại hình kinh doanh này đã được quy định tại khoản 1, Điều 45 Luật Du lịch 2017; tại Điều 6 Thông tư số 42/2017/TT-BGTVT, ngày 15/11/2017 của Bộ Giao thông - Vận tải quy định rất chi tiết, cụ thể đối với phương tiện vận tải hành khách đường bộ bằng xe ô tô. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định loại hình kinh doanh vận tải này trong Dự thảo Luật Đường bộ.

Tại khoản 14, Điều 56 giao cho “Chính phủ quy định chi tiết điều này”. Đại biểu cho biết, các quy định của điều này cơ bản là giải thích từ ngữ, đề nghị Ban soạn thảo xem xét tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định của điều khoản trong dự thảo luật giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhất là Bộ Giao thông - Vận tải để quy định chi tiết, luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn và chỉ giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải quy định nội dung chi tiết, cụ thể những nội dung có thể biến động, ảnh hưởng đến tính ổn định của luật, việc giao quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành phải bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Lê Điệp

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-doan-thi-le-an-thao-luan-tai-hoi-truong-ve-du-an-luat-duong-bo-3169362.html