Đại gia văn phòng khiến 37 tỷ USD giá trị bay hơi sau 4 tuần thế nào?

WeWork, công ty văn phòng chia sẻ hàng đầu thế giới, đang chìm trong khủng hoảng. CEO đã rút lui, nhưng tương lai của startup lừng lẫy này chỉ còn là một màu đen.

Hôm 24/9, CEO Adam Neumann của WeWork tuyên bố rời vị trí điều hành công ty. Neumann vẫn sẽ giữ vai trò chủ tịch Hội đồng quản trị, nhưng đế chế của doanh nhân 40 tuổi này đã rơi vào tình trạng ngắc ngoải, giống như một xác chết biết đi.

Kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) bị hoãn vô thời hạn, giá trị vốn hóa của WeWork tụt dốc từ 47 tỷ USD xuống chỉ còn 10 tỷ USD chỉ trong vỏn vẹn 4 tuần lễ, và có thể sẽ còn sụt giảm nặng nề hơn.

Hai tân CEO Artie Minson và Sebastian Gunningham thông báo sẽ đóng cửa hoặc bán 3 nền tảng đang đốt tiền của công ty là Managed by Q, Conductor và Meetup. Một số nguồn tin cho biết họ cũng sẽ sa thải hàng nghìn nhân viên.

Tuy nhiên, Business Insider nhận định có giỏi đến mấy thì Minson và Gunningham cũng không thể xử lý được các vấn đề của WeWork và đưa công ty lên sàn chứng khoán. Bởi mô hình kinh doanh của WeWork “sai ngay từ đầu”.

CEO Adam Neumann của WeWork quyết định từ chức. Ảnh: Getty Images.

Steve Jobs cũng không cứu nổi

“WeWork có đưa Steve Jobs lên làm CEO thì cũng không thay đổi được thực tế là hãng đốt tiền giống như lửa đốt rừng Amazon”, Business Insider so sánh. Và giới phân tích dự báo hãng sẽ cạn tiền vào đầu năm 2020.

Những rắc rối của WeWork bắt đầu khi công ty nộp hồ sơ xin phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO). Thống kê tài chính của WeWork cho thấy trong năm 2016, công ty này đạt doanh thu 436 triệu USD nhưng lỗ 429 triệu USD.

Năm 2017, doanh thu tăng lên 886 triệu và lỗ vọt lên tới 890 triệu USD. Đến năm ngoái, WeWork thu về 1,8 tỷ USD và lỗ 1,6 tỷ USD. Tình hình năm 2019 không có gì khả quan hơn. Trong 6 tháng đầu năm, WeWork lỗ khoảng 1,3 tỷ USD với doanh thu 1,5 tỷ USD. Đến khi đó, giới đầu tư mới giật mình nhận ra tình trạng sức khỏe tệ hại của WeWork.

Trước cuộc khủng hoảng, WeWork được đánh giá là một trong những startup hàng đầu nước Mỹ. Được thành lập năm 2010, công ty có trụ sở ở thành phố New York. Khác với các công ty văn phòng truyền thống, WeWork đi theo mô hình văn phòng chia sẻ.

Doanh thu của WeWork so với Công ty bất động sản IWG luôn thua xa, nhưng giá trị vốn hóa của WeWork được thổi phồng lên quá mức. Ảnh: Vox.

Hãng chuyên cung cấp văn phòng chia sẻ cho các công ty công nghệ khởi nghiệp. Tính đến năm 2018, WeWork quản lý khoảng 4,3 triệu m2 diện tích văn phòng. WeWork thu hút đầu tư từ hàng loạt đại gia như J.P. Morgan Chase, Goldman Sachs Group, Legend Holdings…

Đặc biệt, Tập đoàn SoftBank của tỷ phú Masayoshi Son đầu tư và cam kết đầu tư tới 10,5 tỷ USD vào WeWork. Trong đó, nguồn tiền từ quỹ Vision Fund của SoftBank vào khoảng 4 tỷ USD. Tổng cộng, WeWork đã được bơm tới gần 13 tỷ USD.

“Một bài học được rút ra từ vụ WeWork là các nhà đầu tư không thông minh như họ nghĩ”, Slate bình luận. Business Insider cũng nhận định: “Mô hình kinh doanh của WeWork sai ngay từ đầu. Công ty này còn hoạt động nhờ các nhà đầu tư vẫn đủ ngu ngốc để đổ tiền vào nó”.

Công ty bất động sản đội lốt công nghệ

Để thu hút các nhà đầu tư và nâng giá trị vốn hóa công ty, cựu CEO Neumann luôn mô tả WeWork là một hãng công nghệ, sáng tạo và sử dụng công nghệ để cung cấp dịch vụ bất động sản, do đó hoạt động linh hoạt và hiệu quả hơn các doanh nghiệp bất động sản truyền thống.

Trong hồ sơ xin IPO nộp hồi tháng 4, WeWork dùng từ “công nghệ” 123 lần. “Công nghệ là cơ sở của nền tảng toàn cầu WeWork. Công nghệ và kiến thức giúp chúng tôi cung cấp dịch vụ nhanh chóng, đồng thời cải thiện chất lượng các giải pháp và giảm chi phí”, WeWork khẳng định.

WeWork này nhấn mạnh rằng công ty này sở hữu 1.000 kỹ sư, nhà thiết kế sản phẩm, nhà khoa học… trong tổng số 12.500 nhân viên. Tuy nhiên, thực tế hoạt động kinh doanh cốt lõi của WeWork chỉ là thuê không gian văn phòng từ các chủ tòa nhà theo hợp đồng dài hạn, thiết kế lại không gian rồi cho các công ty khác thuê theo hợp đồng ngắn hạn hơn nhiều.

Adam Neumann luôn quảng bá WeWork là công ty công nghệ. Ảnh: Reuters.

WeWork có sử dụng công nghệ để tạo giá trị gia tăng cho khách hàng, nhưng sản phẩm chính của hãng là không gian văn phòng. Đó không phải là sản phẩm công nghệ.

WeWork phải chi và cam kết chi tới 47 tỷ USD để thuê không gian văn phòng theo các hợp đồng kéo dài khoảng 15 năm, thiết kế và trang trí nội thất. Thông thường các công ty địa ốc cũng phải đầu tư rất nhiều tiền mặt, nhưng chủ yếu để mua tòa nhà hoặc xây dựng văn phòng cho thuê dài hạn.

Trong khi đó, WeWork sở hữu rất ít diện tích văn phòng và các doanh nghiệp thuê văn phòng của WeWork chỉ ký hợp đồng rất ngắn hạn, thông thường khoảng 15 tháng. Hồ sơ tài chính của WeWork cho thấy công ty này đã đốt tới 1,5 tỷ USD tiền mặt trong nửa đầu năm 2019.

Theo Slate, với việc mặt nạ công ty công nghệ của WeWork bị lột bỏ, cuộc khủng hoảng của hãng này hoàn toàn không phải là “lời phán xét” với ngành công nghệ như một số người nhận định. Đó thực ra là lời “phán xét” với những công ty giả hiệu “công nghệ”.

Minh Phụng

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/dai-gia-van-phong-khien-37-ty-usd-gia-tri-bay-hoi-sau-4-tuan-the-nao-post990417.html