Dấu ấn 'Ngô Vương'

Trung tá, nhà văn Phùng Văn Khai, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội là một cây bút ưa thích thể nghiệm ngòi bút trên nhiều thể loại.

Tuy nhiên, trong số nhiều mảnh ghép tạo nên căn cước, bản thể Phùng Văn Khai trong đời sống văn chương đương đại, những sáng tác về đề tài lịch sử là mảnh ghép quan trọng hơn cả.

Sau tiểu thuyết lịch sử đầu tay “Phùng Vương” (NXB Hội Nhà văn, 2015), Phùng Văn Khai tiếp tục giới thiệu với làng văn tiểu thuyết “Ngô Vương” (NXB Văn học, 2019) lấy bối cảnh lịch sử Việt Nam những năm cuối thế kỷ 10. Tác phẩm như là bản anh hùng ca về tinh thần dân tộc, ý thức tự chủ và sức mạnh lòng dân của cha ông từ những buổi đầu dựng nước và giữ nước.

Cuối thế kỷ 10 được ghi nhận là dấu mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc khi lần đầu tiên dân tộc Việt Nam chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở đầu cho thời kỳ tự chủ nước nhà. Lựa chọn thời điểm này để sáng tác, Phùng Văn Khai đối diện với những thử thách không hề nhỏ bởi tư liệu vô cùng ít ỏi, tản mạn; nhân vật lại quen thuộc trong tâm thức cộng đồng. Từ những khó khăn này mới thấy hết sự dũng cảm, bản lĩnh của ngòi bút Phùng Văn Khai. Anh đã dung hòa hợp lý chính sử và những câu chuyện lưu truyền trong dã sử, truyền thuyết, giai thoại, gia phả; tham bác những nhà văn, nhà nghiên cứu uy tín, chuyên sâu; và trên hết phát huy năng lực tưởng tượng, sáng tạo của mình nhằm tìm kiếm một nẻo đường riêng để khám phá, phân tích, luận giải lịch sử một cách chân thực, có chiều sâu.

“Ngô Vương” được kết cấu theo kiểu tiểu thuyết chương hồi, gồm 14 hồi hấp dẫn, với dung lượng gần 500 trang bề thế. Phùng Văn Khai đã khai thác triệt để đặc trưng thể loại với lối kể chuyện lớp lang, các sự kiện được tổ chức bài bản, tiết tấu tự sự nhanh, nhiều điểm nhấn, ngôn từ hài hòa cổ kính và hiện đại, giọng điệu hào sảng, ngợi ca, giúp người đọc dễ dàng theo dõi diễn tiến, đồng thời trình hiện đầy đủ chân dung các nhân vật lịch sử. Từ những cứ liệu sẵn có, anh đã dày công sắp xếp, tổ chức, hư cấu, tưởng tượng để bồi đắp nên da thịt liền mạch cho các sự kiện và đời sống nhân vật. Nhà văn đã khéo léo, tinh tế lựa chọn các sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất làm nền cho những chiêm nghiệm về lịch sử của mình. Nhờ vậy bức tranh lịch sử được tái dựng một cách chi tiết, sống động như hai lần đánh tan quân thủy bộ của Hán triều, đuổi Lý Khắc Chính, Lý Tiến, giết Trần Bảo nơi bến Giang Biên, đặc biệt là chiến tích vô tiền khoáng hậu, dìm mười vạn binh tướng Giao vương Lưu Hoằng Tháo tại cửa biển Bạch Đằng giang. Xoay quanh các sự kiện chính này, tác giả còn tạo dựng bối cảnh lịch sử thời đại với những địa danh, vùng đất đã lưu danh vào sử sách như bến Giang Biên, Bạch Đằng giang, sông Cái, thành Đại La, Cổ Loa, Đường Lâm, Màn Trù, Cổ Pháp, Ái Châu, Hoan Châu, Đằng Châu, Hồng Châu, Phong Châu...

Từ chân dung lịch sử đến hình tượng nghệ thuật, các anh hùng dân tộc, các tướng lĩnh tài ba, các vị hào trưởng như Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, Ngô công, Dương công, Phạm công, Kiều công, Đinh Công Trứ, Ngô Tôn Tử, Đoàn Thành, Phạm Bạch Hổ, Dương Tam Kha, Đỗ Cảnh Thạc, đến các cụ hương thôn phụ lão, sĩ tốt, dân thường như được sống lại trong tác phẩm của Phùng Văn Khai. Trong số đó, nhà văn tập trung tô đậm hai hình tượng tiêu biểu là Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền. Với Dương Đình Nghệ, ngòi bút của anh đã khắc họa chân dung một vị hào trưởng khí phách, bản lĩnh, tài năng, đứng ra tập hợp những anh hùng hào kiệt, tướng lĩnh tài ba, những vị châu mục nghĩa khí, những hào trưởng tài danh khắp nơi vì nghiệp lớn. Họ Dương chính là linh hồn của hai trận chiến oanh liệt đánh tan quân thủy bộ Hán triều dưới sự chỉ huy của Lý Khắc Chính, Lý Tiến, Trần Bảo.

Sát cánh cùng Dương Đình Nghệ với tư cách là con nuôi, nha tướng, con rể, ngay từ những ngày đầu, Ngô Quyền đã tỏ lộ những phẩm chất thiên bẩm của người lãnh đạo đại trí, đại dũng, đại nghĩa. Cùng với nhiều tướng lĩnh ưu tú, từ chỗ là cánh tay đắc lực, tin cẩn của Dương Đình Nghệ, ông trở thành thống soái chỉ huy cuộc chiến chống quân Nam Hán tại bến Bạch Đằng. Trong sự miêu tả của Phùng Văn Khai, Ngô Quyền hiện lên là một “vị tướng nhà trời”, có tầm nhìn xa trông rộng, tài phán đoán, khả năng quan sát tuyệt vời; dũng mãnh, mưu trí, tiên phong nơi trận tiền. Không những vậy, nhà văn còn tập trung khai thác lòng nhân từ, đức khiêm tốn, sự bao dung ở vị anh hùng dân tộc này. Ngô Quyền yêu tướng lĩnh, sĩ tốt như ruột thịt, thương xót mọi sinh linh, tôn trọng nhân dân. Trong mỗi trận đánh và đặc biệt sau chiến thắng, ông đều lấy lòng nhân, chính nghĩa, sự vị tha, đức độ để đối xử với những kẻ bên kia chiến tuyến. Với muôn dân, ngay sau chiến thắng, ông nghĩ ngay đến việc tri ân, cảm tạ, trợ giúp cho họ trở lại với cuộc sống yên bình, ấm no.

Chiến thắng vĩ đại của quân, dân ta được Phùng Văn Khai luận giải sâu sắc, thấu đáo, thuyết phục từ nhiều góc nhìn: Người lãnh đạo tài trí, mưu lược, đức độ; tướng lĩnh can trường, trung thành; binh sĩ dũng mãnh, hết mình; đặc biệt là sự chung sức đồng lòng của muôn dân, từ hương thôn, làng mạc đến nơi cửa biển, cửa sông. Kết nối từ quá khứ đến vấn đề hôm nay, nhà văn đã khẳng định bài học lịch sử đắt giá: “nhân dân chính là gốc nước”; chuyển đi thông điệp sâu sắc, dân tộc Việt Nam yêu nòi giống, quý sinh mạng, chuộng hòa bình, vạn bất đắc dĩ mới buông cày bừa cầm gươm giáo giữ đất đai của tổ tiên.

“Ngô Vương” đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần tự chủ, sức mạnh đoàn kết trong mỗi người Việt Nam. Phùng Văn Khai không chạy theo hình thức với lối viết cầu kỳ, hiện đại, không a dua, gây sốc bằng “giải thiêng”, “giải minh”, mà tập trung phục dựng sinh động các sự kiện, nhân vật, từ đó gửi gắm những trầm tư, chiêm nghiệm cá nhân của mình trong mỗi câu chuyện lịch sử. Với tư duy lịch sử sâu sắc, Phùng Văn Khai và tiểu thuyết “Ngô Vương” xứng đáng có một vị trí trong lĩnh vực văn học nghệ thuật sáng tạo về đề tài lịch sử.

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/dau-an-ngo-vuong-599349