Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) muốn tổ chức ĐHCĐ bất thường khi cơ cấu cổ đông tiếp tục phân tán

CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII - sàn HOSE) muốn tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường năm 2023.

Cổ đông phân tán dẫn tới khó tổ chức ĐHĐCĐ

Theo thông báo, ngày 25/7, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM sẽ chốt danh sách cổ đông để tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường. Trong đó, Công ty dự kiến trình cổ đông thông qua điều chỉnh hoạt động của Công ty và một số vấn đề khác (nếu có) cho phù hợp với tình hình mới.

Điểm đáng lưu ý, ngày 26/4, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên lần 1, nhưng chỉ có 45,81% tổng số cổ phần được quyền biểu quyết tham dự, thấp hơn quy định và không đủ tỷ lệ tối thiểu để tổ chức Đại hội.

Trước đó, để khuyến khích nhà đầu tư tham gia ĐHĐCĐ năm 2023, Công ty đã công bố thêm phần quà tri ân nếu nhà đầu tư tham gia đại hội.

Cụ thể, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM cho biết tùy thuộc vào số lượng cổ phần sở hữu của cổ đông, cổ đông tham gia Đại hội sẽ nhận quà bằng tiền (không nói số tiền cụ thể).

Nếu muốn nhận quà, cổ đông phải đăng ký tham dự đại hội. Trong đó, cổ đông đã đăng ký nhận quà khi tham dự đại hội mà không đi đại hội, số cổ phần này được ủy quyền cho Trưởng Ban kiểm soát Công ty CII được thay cổ đông tham dự và bỏ phiếu.

Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM là một doanh nghiệp khá đặc biệt khi tỷ lệ cổ đông phân tán sau cơn sốt cổ phiếu cuối năm 2021 và đầu năm 2022 vào lúc nhà đầu tư kỳ vọng hưởng lợi từ giá bất động sản Thủ Thiêm (TP.HCM) được tái định giá lại sau các đợt đấu giá kỷ lục.

Trong đó, tại lần tổ chức lần 1 vào ngày 25/4/2022, Công ty chỉ có 73 đại biểu, đại diện 58,48 triệu cổ phiếu, tương ứng chiếm 23,85% tổng số lượng cổ phiếu và không thể tổ chức ĐHĐCĐ.

Theo tìm hiểu, danh sách cổ đông của CII tại thời điểm 30/3/2021 (trước cơn sốt giá cổ phiếu CII cuối năm 2021), Công ty có 3 cổ đông lớn bao gồm Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM sở hữu 10,07% vốn điều lệ; Amersham Industries Limited sở hữu 6,34% vốn điều lệ; VIAC (NO.1) Limited Partnership sở hữu 10,55% vốn điều lệ; và còn lại 73,04% vốn điều lệ thuộc về cổ đông nhỏ.

Tuy nhiên, tính tới 28/3/2022 (sau cơn sốt cổ phiếu cuối năm 2021), công ty chỉ còn 1 cổ đông lớn là Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM sở hữu 8,49% vốn điều lệ; và còn lại 91,51% thuộc về cổ đông nhỏ.

Như vậy, sau cơn sốt cổ phiếu CII cuối năm 2021, tỷ lệ trôi nổi của cổ đông nhỏ tăng từ 73,04% lên 91,51% vốn điều lệ.

Thêm nữa, tính tới cuối năm 2022, ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT chỉ sở hữu 0,16% vốn điều lệ; Tổng giám đốc Lê Quốc Bình sở hữu 2,4% vốn điều lệ; và các thành viên HĐQT và Ban điều hành khác sở hữu không đáng kể.

Vừa bán tài sản, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM muốn bảo lãnh cho Năm Bảy Bảy vay vốn

Một diễn biến đáng lưu ý khác, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM vừa thông qua bảo lãnh khoản vay trị giá 686 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB - sàn HoSE) tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng.

Đồng thời, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM cũng thực hiện bảo lãnh khoản vay trị giá 714 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng.

Trước đó, ngày 22/6, Năm Bảy Bảy thông qua việc chấp thuận nhận chuyển nhượng tài sản của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM, giá trị chuyển nhượng dự kiến 857,49 tỷ đồng và dự kiến triển khai chậm nhất vào ngày 31/7/2023.

Được biết, Năm Bảy Bảy có thực hiện nhiều giao dịch với CII trong năm 2022 và quý I/2023. Trong đó, quý I/2023 ghi nhận vốn góp hợp tác đầu tư dự án Sơn Tịnh 45,36 tỷ đồng; hoàn trả vốn hỗ trợ 125 tỷ đồng; trả lãi phát sinh từ hợp đồng hỗ trợ vốn 24,4 tỷ đồng; lợi nhuận phát sinh từ hợp tác đầu tư dự án 152 Điện Biên Phủ là 25,5 tỷ đồng …

Trước đó, trong năm 2022, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM đã có nhiều giao dịch với Năm Bảy Bảy. Trong đó, chuyển tiền góp vốn hợp tác đầu tư 371,3 tỷ đồng; nhận tiền hợp tác đầu tư 1.150 tỷ đồng…

Được biết, tính tới 31/3/2023, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM đang đầu tư 689,33 tỷ đồng vào Năm Bảy Bảy, tương ứng sở hữu 37,52% vốn điều lệ và ghi nhận là đầu tư vào công liên kết.

Điểm đáng lưu ý, tính tới 31/12/2021, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM sở hữu 65,32% vốn điều lệ tại Năm Bảy Bảy. Tuy nhiên, hiện tại chỉ sở hữu 37,52% vốn điều lệ, chủ yếu do bán ra cổ phiếu, chốt lời và ghi nhận lãi đột biến từ việc thoái một phần vốn tại Năm Bảy Bảy trong năm 2022.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/7, cổ phiếu CII tăng 300 đồng lên 18.800 đồng/cổ phiếu.

Vũ Duy Bắc

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu-ha-tang-ky-thuat-tphcm-cii-muon-to-chuc-dhcd-bat-thuong-khi-co-cau-co-dong-tiep-tuc-phan-tan-post325172.html