Dạy học online - cốt lõi là phương pháp

Một trong những vấn đề được đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên quan tâm nhất trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 hiện nay là làm thế nào để bảo đảm đúng tiến độ thời gian, kế hoạch năm học 2019-2020 đã đề ra.

Một giải pháp được ngành giáo dục xác định là phải tăng cường các hoạt động dạy học từ xa, tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ thông tin để dạy học trực tuyến (online) và dạy học trên truyền hình.

Khi bước vào dạy học online, nhiều giáo viên, học sinh, sinh viên và cả phụ huynh không khỏi băn khoăn trước một câu hỏi: Làm thế nào để dạy và học online thực sự có hiệu quả?

Mới đây, người viết bài này được trực tiếp tham dự một lớp học online dành cho học viên cao học. Giảng viên là người có học hàm, học vị và thâm niên nghề giáo 20 năm. Tìm hiểu được biết, trước khi giảng dạy, kết nối với hơn 80 học viên từ Quảng Trị trở ra ngoài các tỉnh phía Bắc, giảng viên đã phải mất công thiết kế bài giảng hơn một tuần và chuẩn bị chu đáo tài liệu cũng như học cách sử dụng thành thạo, xử lý nhuần nhuyễn các quy trình, thao tác bài giảng trên online. Trước khi học một ngày, giảng viên đã dành gần hai giờ đồng hồ để hướng dẫn các học viên cách thức truy nhập, thao tác kết nối, trò chuyện, trao đổi với giáo viên trên các thiết bị có kết nối internet (máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh). Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng và hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ cho mỗi học viên, buổi học online đầu tiên của giảng viên diễn ra suôn sẻ, thành công, được học viên đánh giá cao.

Trở ngại của dạy học online là việc quản lý, giám sát học viên trong suốt thời gian học. Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc điểm danh trực tiếp (có hiển thị tiếng nói, hình ảnh của người học trên màn hình) trước giờ học, giữa giờ học và sau giờ học, quá trình giảng dạy, giảng viên không chỉ phát huy tốt nhất lợi thế giọng nói truyền cảm, cách thức truyền đạt hấp dẫn, biết cách trình chiếu slide, đồ họa, hình ảnh trên màn hình kết hợp với đưa ra câu hỏi, tình huống, bài tập thú vị để khơi gợi, kích thích sự tham gia phát biểu tích cực, nhiệt tình của học viên; mà còn thường xuyên “điểm danh” đột xuất bằng những câu hỏi đối với những học viên chỉ ngồi nghe mà không có động thái gì. Đây chính là “cách quản lý mềm” từ xa khiến học viên không dám lơ là, chểnh mảng hay có ý định bỏ học online giữa giờ.

Sau một ngày học tập, phần lớn học viên đều bày tỏ thích thú với phương pháp dạy học online của giảng viên vì cảm nhận thấy rõ hiệu quả của việc học này không khác mấy với việc học trực tiếp trên giảng đường. Hơn thế, có học viên cảm thấy thú vị hơn khi được tương tác nhiều lần với giảng viên và với các học viên khác trong quá trình học tập trực tuyến.

Tuy nhiên, trao đổi với người viết bài này, một sinh viên năm thứ tư vừa trải qua mấy ngày học online do giảng viên trong trường giảng dạy, lại tỏ ra không hài lòng và cảm thấy nhàm chán vì người giảng hầu như chỉ truyền đạt một chiều, rất ít tương tác với người học và không tạo ra những tình huống để thu hút học viên cùng tham gia học tập sôi nổi.

Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là: Muốn dạy học online đạt hiệu quả tối ưu, trước hết mỗi nhà giáo phải chuẩn bị công phu bài giảng, tài liệu, đặc biệt là đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng bám sát chủ đề, nội dung bài giảng, nói những điều thật thiết thực, lấy ví dụ sinh động, kết hợp cả giảng dạy bằng lời nói, trình chiếu slide, đồ họa, hình ảnh trên màn hình để “bắt tai, bắt mắt” người học; đồng thời thường xuyên tương tác, trao đổi với người học để tạo ra sự gần gũi, thân thiết giữa thầy và trò.

Dạy học online đang là một xu hướng trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây chính là cơ hội để ngành giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng phải chú trọng đổi mới căn bản, toàn diện hơn nữa nội dung chương trình, phương pháp dạy học, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước.

ANH THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/day-hoc-online-cot-loi-la-phuong-phap-613016