Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Trong khuôn khổ hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 13, khóa XVI, sáng 5/12, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, tuy còn những khó khăn, nhưng nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân tỉnh nhà kinh tế - xã hội năm 2023 đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nêu rõ, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,03%

13/14 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nêu rõ, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,03%; GRDP bình quân đầu người đạt gần 2.700 USD; tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 11.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 31.000 tỷ đồng (tăng 9,6%).

Trong năm đã cấp phép đầu tư cho trên 22 dự án mới với tổng số vốn đăng ký đạt trên 9.000 tỷ đồng; gần 800 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 8.700 tỷ đồng. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, nhất là ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa; đã giải quyết việc làm mới cho khoảng 17.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,27%. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phân tích, tốc độ tăng trưởng GRDP tuy cao hơn mức bình quân chung cả nước, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Du lịch chưa thực sự thu hút nhiều du khách quốc tế, thời gian lưu trú của du khách còn ít; hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp so với nhiều năm trở lại đây. Một số dự án sản xuất công nghiệp tạo năng lực mới chậm đưa vào hoạt động; việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn chưa mạnh; một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp có điểm chưa phù hợp.

Tiến độ triển khai một số dự án không đạt theo kế hoạch; thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách chưa mạnh; thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; công tác chỉ đạo, điều hành của các sở, ban, ngành và địa phương có lúc còn bị động, lúng túng, thiếu sự đôn đốc, kiểm tra, giám sát; giải phóng mặt bằng một số dự án lớn còn vướng mắc, khó khăn; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu một số cấp ủy, chính quyền trong việc việc lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan các dự án, kêu gọi đầu tư còn mất nhiều thời gian, do hệ thống luật pháp vẫn còn chồng chéo, bất cập. Một bộ phận cán bộ còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ thuộc thẩm quyền; một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, chương trình, kế hoạch của Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Mục tiêu năm 2024 Tỉnh ủy xác định,tập trung hoàn thành các chương trình, đề án phục vụ mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế thành phố trực thuộc Trung ương; huy động tối đa các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược, đồng bộ; trong đó, ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm, hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế.

Tiếp tục xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới sáng tạo, xây dựng chính quyền điện tử, thông minh; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, quyết tâm đưa huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo Quốc gia trong quý I/2024; xây dựng; phát triển huyện Phong Điền thành thị xã.

Tiếp tục thực hiện 6 chương trình trọng điểm

Đó là, chương trình phát triển đô thị (bao gồm chương trình di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế); phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp; phát triển văn hóa, du lịch - dịch vụ; cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Muốn vậy, toàn tỉnh cần đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với phục hồi và phát triển kinh tế nhanh, bền vững; cơ cấu lại các ngành công nghiệp; tiếp tục hỗ trợ hình thành các trang trại có quy mô lớn, các khu chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao.

Toàn tỉnh tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với phục hồi và phát triển kinh tế nhanh, bền vững

Huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị; đẩy nhanh các dự án trọng điểm: Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế (giai đoạn 2); Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An; đầu tư TP. Huế đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị loại I; xây dựng Phong Điền đạt chí đô thị loại IV; xây dựng hạ tầng đô thị Chân Mây; nâng cấp và từng bước hình thành một số đô thị mới đạt tiêu chí đô thị loại V, các xã thành phường; đầu tư nâng cấp một số tuyến đường nội thị quan trọng ở các đô thị. Đầu tư xây dựng các khu đô thị kiểu mẫu có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển doanh nghiệp; bảo đảm cân đối thu, chi ngân sách nhà nước; nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; chuẩn bị tốt các điều kiện, tổ chức, bộ máy khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Bài, ảnh: PHONG ANH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/day-manh-cai-cach-hanh-chinh-cai-thien-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-135621.html