Đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ cho nông dân

Các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ dịch vụ cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân.

Phó Chủ tịch HND huyện Trùng Khánh Mông Thị Hiệp chia sẻ: Khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương về phát triển nông nghiệp, nhất là phát triển các sản phẩm đặc hữu, có giá trị kinh tế cao, HND huyện tích cực triển khai, xây dựng nhiều mô hình, dự án vay vốn Quỹ “Hỗ trợ nông dân” gắn với xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, xuất phát từ nhu cầu thực tế của hội viên, nông dân. Phối hợp với các ngành chức năng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất, như mô hình “Phát triển chăn nuôi vịt cỏ thương phẩm theo hướng an toàn sinh học theo chuỗi giá trị”, mô hình nuôi cá bống trong lồng tại 2 xã Đoài Dương, Đình Phong. Phối hợp với chính quyền các cấp hỗ trợ nông dân xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản, sản phẩm OCOP, phát huy giá trị của sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Phối hợp triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể gạo nếp Ong huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng”, xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Nếp Ong Trùng Khánh” với 249 hộ hội viên, nông dân tham gia. Thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử để giới thiệu và tiêu thụ.

Toàn tỉnh hiện có hơn 93.000 hội viên, nông dân, tuy nhiên đời sống của hội viên, nông dân, nhất là hội viên, nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn. Để động viên hội viên, nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, góp phần xây dựng và củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, các cấp HND tăng cường phối hợp với các ngành chuyên môn thực hiện tốt các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân. Để hỗ trợ vốn cho nông dân, HND tỉnh chỉ đạo HND các cấp trong tỉnh vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia xây dựng, ủng hộ Quỹ “Hỗ trợ nông dân” đảm bảo chất lượng và chỉ tiêu kế hoạch, hướng dẫn các hộ vay vốn Quỹ “Hỗ trợ nông dân” sử dụng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế. Năm 2023, Quỹ “Hỗ trợ nông dân” các cấp tổ chức giải ngân 98 dự án cho 787 hộ vay, với số tiền 22,44 tỷ đồng, thu hồi 108 dự án với số tiền 17,677 tỷ đồng. Hiện nay, nguồn quỹ đang thực hiện 410 dự án cho 2.763 hộ vay với số tiền trên 68 tỷ đồng. Nguồn vốn Quỹ “Hỗ trợ nông dân” đầu tư chủ yếu tập trung xây dựng các mô hình, dự án phát triển kinh tế hộ gia đình, như: chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ..., góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, từng bước ổn định đời sống cho hội viên, nông dân.

Cán bộ Hội Nông dân huyện Trùng Khánh kiểm tra mô hình chăn nuôi vịt cỏ thương phẩm tại xã Ngọc Khê.

Thực hiện tốt vai trò là cầu nối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học, các cấp Hội đẩy mạnh hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, tuyên truyền tới cán bộ, hội viên, nông dân về vai trò của khoa học công nghệ, giới thiệu các mô hình, điển hình tiên tiến trong ứng dụng các tiến bộ vào thực tiễn sản xuất. Các cấp Hội phối hợp tổ chức 285 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 14.096 hội viên về kỹ thuật trồng cây mít Thái, dong riềng, ngô lai NK6275, hồng không hạt, gai xanh, nâng cao chất lượng thuốc lá, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; triển khai 2 mô hình thử nghiệm giống ngô PAC339, PAC139 biến đổi gen và giống lúa GS55. Qua đó, mang lại thay đổi tích cực trong nhận thức của hội viên, nông dân, hướng sản xuất nông nghiệp từ truyền thống sang sản xuất hàng hóa, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hoạt động cung ứng vật tư nông nghiệp được quan tâm thường xuyên, góp phần khắc phục việc thiếu chủ động trong cung ứng phân bón, giống cây trồng, chất lượng sản phẩm, thị trường đầu ra sản phẩm. Các cấp Hội phối hợp với công ty, doanh nghiệp cung ứng 435 tấn phân bón các loại trị giá 5,9 tỷ đồng, 22.531 tấn giống, 121 tấn các loại vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, 3.770 tấn thức ăn chăn nuôi cho hội viên, nông dân; phối hợp tổ chức 12 lớp tập huấn cách sử dụng phân bón các loại cho 1.040 lượt hội viên nông dân.

Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, kết nối thị trường, đa dạng hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, tiêu thụ nông sản, hàng hóa, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đăng ký, bảo hộ thương hiệu, chuyển đổi số, HND tỉnh thực hiện chương trình phối hợp với Bưu điện tỉnh về việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, hàng hóa; phối hợp mở 34 tài khoản mua bán trên sản thương mại điện tử Postmart.vn, phát triển được 7 cộng tác viên, đại lý bán hàng; chọn cử 1 hộ kinh doanh tham gia Tuần lễ mận Sơn La và sản phẩm nông sản các vùng miền tại Trung tâm Thương mại Big C Thăng Long (Hà Nội); tổ chức giới thiệu, mời các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ thương mại trong nước, tham gia đoàn xúc tiến đầu tư thương mại tại một số quốc gia. Điển hình như HND huyện Hòa An phối hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương và doanh nghiệp thực hiện các chương trình, dự án đã ký kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho hội viên, nông dân như: ngô, thuốc lá, lạc, khoai tây, ớt...; HND huyện Bảo Lạc rà soát, đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn, VietGAP 7 sản phẩm (gạo nếp Hương Bảo Lạc, cao triết trà hà thủ ô, cao triết trà khoai sâm Hoàng Sin Cô, tinh dầu nguyên chất Phjac Chặc, trà cao khổ qua rừng Phương Anh, trà cao xỏm đeng, ốc nhồi ống nứa Minh Tuân).

Qua đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ cho nông dân, xuất hiện nhiều mô hình điển hình tiên tiến đem lại hiệu quả cao, nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong năm, toàn tỉnh có 10.914 hộ hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Nhiều tấm gương nông dân đổi mới tư duy sản xuất, phát huy lợi thế địa phương, khai thác tiềm năng đất đai, lao động và nguồn vốn để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả, trở thành những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, thu nhập hằng năm từ hơn 100 đến trên 500 triệu đồng và giúp đỡ các hộ khó khăn vay vốn phát triển sản xuất không tính lãi, điển hình như hộ ông Diều Văn Hưởng (Bảo Lạc) với mô hình trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp; hộ ông Phương Văn Nam, xã Cốc Pàng (Bảo Lạc) với mô hình trồng cây hồi và chế biến tinh dầu hồi; hộ bà Đoàn Thị Huyền ở phường Ngọc Xuân (Thành phố) với mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi, dịch vụ; hộ ông Nông Xuân Mậu, phường Tân Giang (Thành phố) với mô hình chăn nuôi ong, trồng cây ăn quả, nuôi cá; hộ bà Lô Thị Đường, xã Minh Khai (Thạch An) với mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, gia cầm và dịch vụ tổng hợp... Những mô hình kinh tế phù hợp với đặc thù của địa phương đã và đang tạo sự chuyển mình trong phong trào nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Dạ Đăng

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/day-manh-hoat-dong-dich-vu-tu-van-ho-tro-cho-nong-dan-3166989.html