Để doanh nghiệp không còn ngại số hóa

Chuyển đổi số hiện nay là 'cuộc chơi' không thể đứng ngoài với doanh nghiệp. Tuy nhiên, những hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân lực vẫn là rào cản lớn trong hành trình số hóa doanh nghiệp.

Vì sao doanh nghiệp vẫn "ngại" số hóa?

Dưới tác động của cuộc CMCN 4.0, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu, vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp. Chuyển đổi số chính là cách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả nhất trong việc nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, khả năng thích ứng với tình hình mới. Đây cũng chính là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Nhưng thực tế hiện nay tỷ lệ doanh nghiệp số hóa vẫn chưa cao, không ít doanh nghiệp còn “ngại” số hóa, bởi phải đối diện nhiều rào cản, thách thức.

Ứng dụng công nghệ thông tin là yêu cầu bắt buộc của chuyển đổi số.

Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Hương Thảo (Bắc Từ Liêm) Nguyễn Thị Thảo chia sẻ: “chúng tôi nhận thức rõ về vai trò và xu thế bắt buộc của chuyển đổi số. Công ty đã ứng dụng số hóa trong khâu phân phối sản phẩm và cho hiệu quả cao hơn kênh truyền thống rất nhiều. Nhưng để số hóa toàn bộ quy trình từ quản trị, đến sản xuất lại là một bài toán khó liên quan đến nguồn vốn cũng như nhân lực”.

Chia sẻ thêm về những rào cản quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Hoàng Công Đoàn cho biết, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang chiếm đa số, ước tính khoảng 97% số doanh nghiệp, nhưng thực trạng đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ còn chưa cao. Thách thức đầu tiên mà các doanh nghiệp gặp phải đó chính là vấn đề tài chính. Đa số các doanh nghiệp nhỏ có nguồn vốn hạn chế và không dễ dàng tiếp cận các nguồn tài trợ để triển khai chuyển đổi số. Đồng thời họ cũng phải đối mặt với chi phí đào tạo nhân viên, mua sắm các thiết bị và phần mềm mới.

Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) Mạc Quốc Anh chia sẻ, hiệu quả của chuyển đổi số trong thực tế là không thể phủ nhận. Bản thân doanh nghiệp cũng quan tâm tới chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số vào hàng loạt vấn đề như kinh doanh, mua hàng, bán hàng, quản trị nội bộ, logistics và marketing… Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số, thiết bị IoT, robot, dây chuyền tự động hóa hay hệ thống điều hành sản xuất còn rất yếu vì đây là lĩnh vực mới và chưa được quan tâm nghiên cứu, đầu tư đúng mức.

"Rào cản chuyển đổi số đến từ những thách thức như hạn chế về nhận thức, nhân lực triển khai chuyển đổi số, hạn chế về thông tin các giải pháp chuyển đổi số trên thị trường, hạn chế về tiếp cận các nguồn tài chính nhằm triển khai chuyển đổi số, hạn chế trong xây dựng hệ sinh thái tổng thể nhằm thúc đẩy chuyển đổi số bao gồm chính sách, nhân lực…" - Phó Chủ tịch HANOISME Mạc Quốc Anh

Theo kết quả khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT), đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi số. Cụ thể, có đến 60,1% doanh nghiệp khó khăn về chi phí đầu tư; 52,3% khó khăn trong thay đổi thói quen kinh doanh; 45,4% thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số; 40,4% thiếu thông tin về công nghệ số; 38,5% khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số; trên 32% thiếu sự cam kết, hiểu biết của ban lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp...

Cần sự đồng hành

Có thể thấy, chuyển đổi số đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến các doanh trên khắp thế giới và trở thành một xu hướng không thể tránh khỏi. Để trở thành một doanh nghiệp số và có thể tận dụng được những cơ hội cuộc CMCN 4.0, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần không ngừng thay đổi và sáng tạo.

Doanh nghiệp cần sẵn sàng hành động và đổi mới, tự chủ xây dựng chiến lược chuyển đổi số, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý doanh nghiệp và người lao động. Trong bối cảnh đó, sự tham gia và vào cuộc của các cơ quan hỗ trợ, tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn và các chuyên gia chuyển đổi số là vô cùng quan trọng để tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số.

Đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số (Hội truyền thông số Việt Nam) Lê Nguyễn Trường Giang cho rằng, không có một mô hình hay phương thức chuyển đổi số cụ thể nào thích ứng và phù hợp cho mọi doanh nghiệp. Chuyển đổi số cần phải đi từ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, phục vụ cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động đổi mới và sáng tạo dựa trên mô hình chuyển đổi phù hợp riêng cho doanh nghiệp của mình.

Bên cạnh đó, rất cần sự đồng hành của Chính phủ. Bởi thực tế, để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, cần nâng cao vai trò hỗ trợ của Nhà nước nhằm đạt được hiệu quả cao trong việc gỡ bỏ rào cản của ngành công nghệ thông tin nói chung, công tác chuyển đổi số của doanh nghiệp nói riêng, cần có sự điều hướng và ủng hộ từ Chính phủ. Ngoài ra, Nhà nước cần có những chính sách kinh tế như thuế, tín dụng… nhằm tạo điều kiện cho việc tiếp cận và triển khai cho doanh nghiệp. Cùng với đó, việc kết hợp những chính sách khác như tạo môi trường, chế độ đãi ngộ thu hút chuyên gia và nhà khoa học.

Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) Nguyễn Đức Trung cho biết, trong thời gian qua, chuyển đổi số cho doanh nghiệp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng hàng đầu để hiện thực hóa đột phá chiến lược đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua, đó là “lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số”. Nhìn rộng ra, doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn và có sự quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-doanh-nghiep-khong-con-ngai-so-hoa.html