Đề nghị thí điểm quy trách nhiệm cho Chủ tịch UBND nếu xảy ra thất thoát, lãng phí tài nguyên

Chiều 14/7, tại Nhà quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương – Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021' đã chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn 2016-2021, Bộ đã bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm không để xảy ra thất thoát, lãng phí, không có hành vi vi phạm phải xử lý trách nhiệm của người đúng đầu. Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế như: Các chỉ tiêu tiết kiệm chưa được định lượng đầy đủ, chưa gắn chặt với từng nội dung công việc, từng sản phẩm cụ thể trong điều hành thực hiện dự toán ngân sách. Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vẫn còn là vấn đề bức xúc ở một số nơi. Khiếu kiện về đất đai tuy có giảm nhưng vẫn là vấn đề phức tạp ở nhiều địa phương.

Một số thành viên đoàn giám sát cho rằng qua thực tiễn giám sát tại các địa phương nổi lên nhiều vấn đề về lãng phí đất đai trong đó nổi cộm là bố trí quỹ đất, đấu giá đất, sử dụng bất động sản khiến nhiều diện tích đất bị hoang hóa, đất phân lô bán nền không được sử dụng trong nhiều năm.

Đại biểu dẫn chứng như Hà Nội có 60 dự án với tổng diện tích 90 ha chưa hoàn thành. Thành phố Hồ Chí Minh nhiều diện tích hoang hóa kéo dài đến 30 năm nhưng chưa được giải quyết, nhưng tất cả vấn đề này lại không được nêu và nhắc trong báo cáo, đây chính là 1 thiếu sót lớn.

Bà VŨ THỊ LƯU MAI, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: “Tại TPHCM có những diện tích lớn quá chúng tôi phải dùng flycam để thu thập thông tin. Chính những diện tích đấy hiện nay đang bỏ hoang hóa, người dân lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích. Như ở HN, có những dự án như đất ở Đông Anh hay ở Thủ Thiêm (TPHCM) và rất nhiều dự án khác, chúng tôi cho rằng việc để đảm bảo báo cáo đầy đủ, Bộ cần thống kê sai phạm trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất, bởi chính từ đó thất thoát, lãng phí rất lớn".

Ông TRẦN VĂN LÂM, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: “Làm sao để sử dụng đất có hiệu quả nhất, tức là dùng cơ chế thị trường để phân bố nguồn lực đất đai vào những chỗ, vị trí, lĩnh vực, đơn vị có nhu cầu sử dụng, sử dụng có hiệu quả, tối ưu nhất. Đất đai hiện nay không được phân bổ như thế mà trở thành một thứ như vàng bạc để đầu cơ, tích trữ và trôi lòng vòng trên thị trường do mua đi bán lại mà không được đưa vào khai thác. Đây có phải lỗi về cơ chế?"Có biện pháp, chính sách, định hướng nào khắc phục tình trạng này?"

Ông BÙI VĂN CƯỜNG, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Tôi đã đề nghị 2 thành phố, 1 thị xã và 1 huyện làm thí điểm quy trách nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Bí thư Đảng ủy về việc nếu để xảy ra thất thoát, lãng phí như xây nhà trên đất nông nghiệp, hay xây không phép, mấy vụ thì phải chuyển công tác. Phải thế mới ra được. Hình sự rất ít nhưng nếu hành chính chung chung cũng không giải quyết vấn đề gì. Phải quy định ràng buộc về mặt trách nhiệm chính trị thì mới thay đổi được câu chuyện quản lý tài nguyên, môi trường :.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chia sẻ khó khăn của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi phụ trách những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm và rất nóng, trong khi chính sách, pháp luật chưa thực sự đồng bộ, thống nhất, điều khoản chuyển tiếp sau nhiều lần sửa đổi cũng chưa rõ. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ cần làm rõ, những chính sách, pháp luật nào cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay mới, đặc biệt, cần tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo đúng tiến độ và bảo đảm về chất lượng.

Với những vấn đề đã chín, đã rõ, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung khắc phục ngay, tạo chuyển biến trong thực tế chứ không đợi đến khi Báo cáo của Đoàn giám sát chỉ ra.

Thực hiện : Diệu Huyền Anh Đức

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/de-nghi-thi-diem-quy-trach-nhiem-cho-chu-tich-ubnd-neu-xay-ra-that-thoat-lang-phi-tai-nguyen