Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 môn Ngữ văn dài nhưng không đánh đố

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 môn Ngữ văn được cả xã hội chú ý vì dư luận đều quan tâm đến lứa thí sinh đã phải chịu áp lực rất lớn của năm học có dịch COVID-19.

Các chiến sĩ CSGT TP. HCM phát nước cho thí sinh tại điểm Trường THPT Ten Lơ Man (Quận 1). Ảnh: Hồng Giang - TTXVN

Sáng 9/8, các thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 đã hoàn thành bài thi môn Ngữ văn, dưới hình thức thi tự luận.

Công tác tổ chức thi trong buổi sáng đầu tiên diễn ra thuận lợi trên cả nước, tạo sự tin tưởng cho thí sinh, phụ huynh và xã hội.
Công tác tổ chức chu đáo, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch COVID-19
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 cấp quốc gia chia sẻ: Qua kiểm tra một số điểm thi cho thấy, các địa phương đã chuẩn bị kỳ thi này khá kỹ và chu đáo, từ việc bố trí kíp y tế để đo thân nhiệt cho thí sinh đến các công tác tổ chức khác.

Các điểm trường đã tổ chức các đoàn thanh niên tình nguyện, hỗ trợ cán bộ y tế trong việc đo thân nhiệt, phát khẩu trang và tạo điều kiện để thí sinh vào trường thi đúng giờ. Công tác chuẩn bị, công tác phân công cán bộ coi thi đã đảm bảo được yêu cầu. Đó là, mỗi một giáo viên, mỗi một phòng thi bố trí hai cán bộ coi thi ở hai trường khác nhau; mỗi giáo viên không coi thi quá 1 lần ở tại một phòng thi.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Mục đích của kỳ thi là bảo đảm hai mục tiêu: Thứ nhất là diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế, đảm bảo tính trung thực, khách quan, tạo được niềm tin trong xã hội; Thứ hai là đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh. Hai nhiệm vụ này đều rất quan trọng.

Việc tổ chức phòng dịch đã được các cấp vào cuộc và triển khai thực hiện rất kỹ và rất tốt. Bộ đã đưa ra phương án tổ chức kỳ thi cho đợt thi này là những học sinh "không có F". Tức là không có thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 tham gia thi đợt này. Qua đó, bảo đảm kỳ thi an toàn trên mọi phương diện, trong đó có phương diện sức khỏe.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên phương pháp phòng dịch là phun thuốc khử khuẩn rồi sát trùng, đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách đã được các địa phương thực hiện hết sức nghiêm túc.

Chúng ta cũng không chủ quan trong mọi tình huống, vì thế hiện nay, lực lượng y tế đã vào cuộc, các điểm thi đều bố trí phòng thi dự phòng, nhằm xử lý kịp thời những tình huống bất ngờ có thể xảy ra .

Thí sinh tại điểm thi trường THPT Thực hành Sư phạm - Đại học An Giang kiểm tra lại các dụng cụ được phép mang vào phòng thi. Ảnh: Công Mạo - TTXVN

Thứ trưởng cũng lưu ý, do thí sinh phải đeo khẩu trang đến trường thi nên cán bộ coi thi cần đề cao cảnh giác, kịp thời phát hiện những biểu hiện trong gian lận thi cử. Trong các buổi thi tiếp theo, khi vào phòng thi, các thầy cô phải yêu cầu thí sinh bỏ khẩu trang để kiểm tra, nhận diện mặt so với ảnh được dán trên hồ sơ đăng ký để có sự thống nhất.
Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều thiết bị công nghệ cao rất tinh vi có thể cài vào một trong các vị trí của khẩu trang để thực hiện hành vi gian lận. Vì thế, cán bộ coi thi cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nắm chắc Quy chế thi; đồng thời nhạy cảm, tinh tế trong việc nắm bắt diễn biến tâm lý, sắc thái, biểu cảm của thí sinh trong quá trình làm bài. Tinh thần là tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh nhưng phải bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng, đúng Quy chế.
Đề thi Ngữ văn giàu ý nghĩa, bám sát thực tiễn cuộc sống

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 môn ngữ văn

Nhận xét về đề thi môn Ngữ văn, cô Vũ Thị Bình, Trường Trung học phổ thông Trần Phú (Hà Nội) đánh giá: Cấu trúc đề thi Ngữ văn năm nay bám sát đề thi minh họa lần 2 năm 2020 và không thay đổi so với kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019. Nội dung kiến thức nằm trong khung chương trình đã được tinh giản sau khi điều chỉnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nội dung không gây bất ngờ với học sinh, tập trung vào phần trọng tâm kiến thức cơ bản. Đề thi có cả phần cơ bản và phần nâng cao để phân loại học sinh. Cụ thể, phần đọc hiểu hay, tư liệu gọn, thiết thực. Các câu hỏi tường minh, học sinh dễ trả lời để đáp ứng yêu cầu của đề. Phần này có 3 câu đầu là câu hỏi nhận biết, câu 4 là câu vận dụng.
Đoạn văn nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ “trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày”. Phần này có ý nghĩa định hướng tư tưởng đúng đắn cho thanh niên trong tình hình thực tế. Đây chính là câu hỏi vận dụng cao.
Câu nghị luận văn học, đề ra vào “tư tưởng Đất nước của Nhân dân” trong đoạn trích Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, có trích dẫn đoạn thơ cụ thể. Ngữ liệu tuy hơi dài nhưng nội dung này rất hay và thiết thực, hầu hết học sinh đều có thể đáp ứng được yêu cầu của đề bài. Với những học sinh khá giỏi sẽ có “đất” để các em “dụng võ” ở những phần nâng cao khi bàn luận sâu hơn về “tư tưởng Đất nước của Nhân dân”.
Cô Bình nhấn mạnh: Đề bài rất phù hợp với tình hình thực tế trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, đòi hỏi cao về ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với đất nước, đề cao vai trò của nhân dân với đất nước.
Theo cô Bình, với nội dung đề thi năm nay, phổ điểm trung bình sẽ dao động từ 6 – 7 điểm, sẽ có nhiều điểm giỏi cho những học sinh có năng lực, đảm bảo đáp ứng 2 tiêu chí: xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng.
Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (Hà Nội) cho rằng: Đề thi Ngữ văn năm nay được cả xã hội chú ý vì dư luận đều quan tâm đến lứa thí sinh này đã phải chịu áp lực rất lớn của năm học có dịch COVID -19. Giai đoạn sát ngày thi, các em lại đối mặt với dịch bệnh lần nữa. Thế nên, nhiều phỏng đoán, đề văn năm nay sẽ dễ hơn mọi năm nhiều. Tuy nhiên, không phải như vậy, đề thi thực sự đúng với yêu cầu cần và đủ cho một học sinh có thể tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Các phần câu hỏi trong đề đều có yêu cầu phù hợp với trình độ của học sinh từ học lực trung bình trở lên. Tuy nhiên, nếu muốn có điểm cao đủ để xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng, thí sinh thực sự phải đào sâu suy nghĩ và sáng tạo trong cách viết. Nếu viết vòng vo mà nội dung sáo rỗng, chung chung thì dù bài dài vẫn không thể đáp ứng yêu cầu về điểm số.

Thí sinh rạng rỡ cùng người thân khi hoàn thành môn thi Ngữ Văn tại điểm thi Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội). Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Cô Kim Anh đánh giá cao đề Ngữ văn này khi cả triệu học trò tuổi 18 đang cùng được giáo dục về lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, vào đúng thời kỳ mà tình cảm với quốc gia, dân tộc, với mọi người cần được nâng cao và nuôi nấng trong mỗi con người.
Theo em Đào Thị Thanh Mai, học sinh lớp Trường Trung học Phổ thông Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng), đề thi môn Ngữ Văn nằm trong chương trình ôn tập, nhiều bạn chủ động ôn luyện nên không cảm thấy khó khăn gì. Với riêng Mai, do em yêu thích môn Văn học, bản thân đăng ký nguyện vọng 1 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội), chuyên ngành quan hệ công chúng nên đề thi năm nay giúp em phát huy hết sở trường.
Em Nguyễn Nhật Minh, đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Xây dựng cho biết, đề thi năm nay rất mở. Trong phần đọc hiểu, học sinh có thể sử dụng vốn sống cá nhân để phân tích nên bài viết sẽ không gò bó. Dù đề dài nhưng không mang tính đánh đố, nhiều học sinh làm tốt bài.
Theo đánh giá chung của giáo viên giảng dạy văn học Trường Trung học Phổ thông Mạc Đĩnh Chi, quận Dương Kinh, Hải Phòng, với thời gian làm bài 120 phút thì độ dài của đề thi môn Ngữ văn năm nay hoàn toàn hợp lý. Đề thi có tính đánh giá phân loại học sinh ngay từ phần đọc hiểu. Về phần văn học, khá lâu học sinh chưa thi phần nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

Các thí sinh tại điểm thi trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình sau môn thi Ngữ văn. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Đoạn trích thơ Đất nước nằm trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là một trong những đoạn thơ rất hay, tiêu biểu cho phong cách thơ trữ tình, chính luận của ông và thể hiện rõ nét tư tưởng đất nước của nhân dân. Tư tưởng này không phải là mới mà có sự kế thừa, tiếp biến từ thời văn học Trung đại trong thơ văn của Nguyễn Trãi, sau này đến văn học của Nguyễn Đình Chiểu hay trong một số nhà thơ giai đoạn chống Mỹ.

Đối với tình hình hiện nay của đất nước, sức mạnh của nhân dân, ý thức trách nhiệm của công dân, tinh thần cống hiến sức lực được đánh thức, tạo ra tiềm lực lớn cho dân tộc, nhất là trong giai đoạn cả nước chung tay phòng chống đại dịch COVID-19. Do đó, tư tưởng, vốn sống và kiến thức của thí sinh cũng sẽ được phô diễn rất nhiều trong phần này./.

Việt Hà - Minh Thu/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/de-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2020-mon-ngu-van-dai-nhung-khong-danh-do/165535.html