Để thực hiện cam kết COP 26, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng

Khánh Hòa là tỉnh có đặc thù về vị trí địa lý, nằm ở trung tâm các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước. Chính vì vậy, thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa là rất cần thiết, trong đó, có việc phân cấp cho Hội đồng nhân dân tỉnh về chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo dự thảo Nghị quyết, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đi đôi với việc giao thẩm quyền, cần có quy định đề cao trách nhiệm, nhất là trong quản lý nhà nước tại địa phương, đồng thời phù hợp năng lực quản lý của địa phương; bảo đảm tính minh bạch, tránh lợi dụng chính sách.

Bà NGUYỄN THỊ LAN - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Cần đề cao trách nhiệm, bảo đảm tính chặt chẽ, tránh xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến đất đai, ảnh hưởng đến đời sống người dân và uy tín của các cấp chính quyền. Chính phủ cần rà soát, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa trên phạm vi toàn quốc, tránh tình trạng diện tích rừng, đất trồng lúa ngày càng thu hẹp".

Trong tổ chức thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cần bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng. Các cơ chế chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Khánh Hòa cần đảm bảo tính tương đồng với các chính sách với 1 số thành phố lớn đang áp dụng thí điểm.

Ông TRẦN QUỐC TỎ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh: “Phải gắn liền với việc bảo đả, giữ vững chủ quyền quốc phòng và an ninh, lợi ích quốc gia và phát triển kinh tế bền vững, đặc biệt chú ý trong vấn đề xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng an ninh, các vấn đề an ninh phi truyền thống, về môi trường, biến đổi khí hậu.”

Bên cạnh đó, việc phân cấp quản lý đất đai, diện tích rừng, diện tích đất lúa tạo sự chủ động cho địa phương nhưng cũng cần theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá và gắn trách nhiệm cụ thể.

Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH: “Nhiều địa phương khi muốn xin cơ chế đặc thù muốn phân cấp. Làm sao để Trung ương chỉ thực hiện đúng quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra giám sát.”

Ông LÊ HỮU TRÍ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hóa : “Diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ không liên quan tới các dự án, khu phát triển kinh tế. Đây là 1 trong những thuận lợi khi triển khai chính sách đặc thù cho Khánh Hòa".

Thời gian qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù cho một số địa phương. Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa trên phạm vi toàn quốc, chú trọng diện tích rừng vì đây là một trong các biện pháp để thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 về việc giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Thực hiện : Nhóm Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/de-thuc-hien-cam-ket-cop-26-kiem-soat-chat-che-viec-chuyen-doi-muc-dich-su-dung-dat-rung