Đề xuất quản Grab 4 bánh bằng cách 'đeo mào' như taxi: Tranh cãi 'nảy lửa' từ giới chuyên gia

Việc định danh Grab là loại hình taxi và phải 'gắn mào' gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều. Người đồng tình cho rằng, việc 'gắn mào' xe Grab giúp cơ quan chức năng dễ quản lý loại hình này hơn. Cũng có ý kiến cho hay, quy định trên mang tính hình thức, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014, trong đó có quy định xe Grab 4 bánh phải đeo mào như taxi truyền thống.

"Gắn mào" và phù hiệu xe taxi cho Grab là cần thiết

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Ở dự thảo này, Bộ GTVT yêu cầu xe hợp đồng dưới 9 chỗ (Grab và Uber) sẽ phải chấm dứt việc ứng dụng công nghệ và phải chuyển đổi sang loại hình taxi (nếu muốn tiếp tục áp dụng công nghệ).

Văn bản mới cũng bổ sung quy định về chuyển đổi sang loại hình taxi. Theo đó, toàn bộ các ôtô dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng sử dụng hợp đồng vận tải điện tử đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày nghị định này có hiệu lực thì phải thực hiện cấp đổi phù hiệu taxi và thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh của taxi.

Như vậy, nếu dự thảo nghị định được thông qua, các xe Grab 4 bánh muốn tiếp tục hoạt động thì phải "gắn mào" và được định nghĩa là phương tiện taxi.

Bộ GTVT đề xuất "gắn mào" cho xe Grab.

Hiện dự thảo Nghị định đã gặp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều. Có người cho rằng, việc định danh Grab là loại hình taxi và phải "gắn mào" giúp cơ quan chức năng dễ quản lý loại hình này hơn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho hay, quy định trên không hợp lý, mang tính hình thức, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Liên quan vấn đề này, chia sẻ với PV, ông Bùi Sinh Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho biết, việc "gắn mào" và phù hiệu xe taxi cho Grab là cần thiết, để quản lý các loại hình vận tải hành khách bằng taxi.

Làm như vậy, khách hàng dễ dàng nhận biết, lựa chọn sử dụng dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình; Đồng thời tạo môi trường kinh doanh công bằng cho các loại hình: Taxi truyền thống, xe hợp đồng.

Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu giao thông vận tải Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ, kinh doanh vận tải - điều đầu tiên là phải đảm bảo an toàn và sự hài lòng cho khách hàng. Cho nên việc "gắn mào", đổi phù hiệu cho xe Grab là việc nên làm. Điều này giúp khách hàng, cơ quan quản lý dễ nhận diện đối tượng và dễ quản lý hơn.

“Việc "gắn mào", đổi phù hiệu "xe hợp đồng" sang "xe taxi" không ảnh hưởng đến vấn đề ứng dụng hay không ứng dụng công nghệ trong việc kinh doanh vận tải.

Chỉ có điều, đối với xe Grab, họ có ứng dụng, có phần mềm gọi xe, hoạt động hiệu quả, khách hàng được hưởng lợi, nên chăng, cơ quan thuế và các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho loại hình này hoạt động, phát triển”, ông Thủy nói.

Phải căn cứ vào kinh nghiệm quốc tế

Bên cạnh những ý kiến đồng tình, cũng có ý kiến cho rằng, quy định trên không hợp lý. TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông Việt Đức, cho rằng việc "gắn mào", phù hiệu xe taxi là không cần thiết, gây tốn kém.

Ông Tuấn cho hay, muốn quản lý tốt các loại hình vận tải hành khách bằng taxi, phải căn cứ vào kinh nghiệm quốc tế, lấy ý kiến chuyên gia, người dân và tài xế đảm bảo tính khách quan, trên cơ sở đó Bộ GTVT có thể đề xuất các công cụ quản lý khác.

Cường Ngô

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/de-xuat-quan-grab-4-banh-bang-cach-deo-mao-nhu-taxi-tranh-cai-nay-lua-tu-gioi-chuyen-gia-636388.ldo