Đến làng đánh cá Cuba xem... tranh gốm

Buổi sáng đẹp trời vợ chồng người bạn sống lâu năm ở Cuba rủ tôi đi thăm một 'nơi rất đặc biệt của La Habana, chắc chắn ông sẽ thích'. Tất nhiên tôi vô cùng hào hứng.

Trên đường đi về phía Tây thành phố, người bạn giới thiệu chỗ ta đang đến là một làng tranh tường. Lập tức trong đầu tôi liên tưởng ngay đến mấy địa điểm được gọi là “làng tranh tường” của Việt Nam. Làng Tam Thanh – ngôi làng bích họa đầu tiên của Việt Nam ở Quảng Nam. Xuất hiện như một điểm đến nổi bật của năm 2016, làng bích họa ở thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ có hơn 100 bức họa tường sinh động phản ánh cuộc sống miền biển Trung bộ.

Ngôi nhà của nghệ sĩ José Antonio Rodríguez Fuster nhìn từ trên cao

Ngay sau đó, năm 2017 nở rộ những làng bích họa kiểu này. Ở xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam tranh được vẽ trên nhiều bức tường nhà, bờ rào cũ kỹ của người dân. Tranh mô tả cuộc sống người dân chài như cảnh đưa thuyền thúng cập bờ, cảnh phơi cá khô. Ở Đảo Bé, Lý Sơn, Quảng Ngãi làng bích họa có 18 bức, rùa biển là đề tài chủ đạo. Rồi làng tranh 3D, có cả tranh phát sáng ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Ở đây, với mục đích cuốn hút du khách, có bức họa thể hiện đặc trưng của Nhật Bản hay một số nước châu Âu… Rồi sau đó thì bùng nổ tranh tường ở mọi ngõ xóm, ở mọi địa phương. Tranh nghiệp dư và xuất hiện tùy tiện đến mức có nhà nghiên cứu văn hóa phải kêu lên rằng đó là tranh rác!

Nghệ sĩ José Antonio Rodríguez Fuster đang sáng tác

Nghĩ đến đó thì tự nhiên sự tò mò muốn tìm hiểu lại cao lên. Ồ, ở Cuba đã nhìn thấy nhiều tranh graffiti vẽ khá nghệ thuật ở các bức tường, nhưng làng tranh tường thì chưa biết nó như thế nào.

* * *

Ra ngoại ô Havana, khung cảnh đã khác. Nhà cửa thưa thớt hơn, những ngôi nhà cao tầng biến mất. Rồi bỗng nhìn thấy một bến xe bus vẽ đầy tranh, gần đó là một ngõ vào bắt đầu nhìn thấy tranh lấp loáng sặc sỡ. “Làng Jaimanitas đây rồi!”, người bạn reo lên khe khẽ.

Dọc đường vào làng, những bức tường rào của những ngôi nhà đầy tranh. Màu sắc rực rỡ đúng kiểu Cuba và… lấp lánh dưới ánh mặt trời. Thì ra sự lấp lánh này đến từ chất liệu – các bức tranh đa phần được khảm mảnh gốm đủ các màu sắc. Và không chỉ trên tường. Những ngôi nhà 2-3 tầng đều phủ kín tranh lên đến tận nóc. Một số ngôi nhà còn đắp thêm những phù điêu hay tượng khá thô mộc và tất cả đều được khảm mảnh gốm.

Tác giả bài viết trong ngôi nhà của José Fuster

Chúng tôi dạo bước trong làng. Có khá nhiều khách du lịch nước ngoài cũng đang khám phá ngôi làng. Dấu ấn nghệ thuật có thể nhìn thấy trên mặt tiền của hơn 150 ngôi nhà trong thị trấn, bao gồm cả ngôi nhà có ghi chữ “Bác sĩ gia đình”, cũng như hai trạm xe buýt dọc đường bên ngoài làng và một số không gian công cộng. Trong làng có một trường học mà bên ngoài cũng có tranh nhưng nhìn vào bên trong thì không. Tôi hiểu môi trường giáo dục ở đâu cũng có quy chuẩn, và nếu tranh khảm cũng đầy trên các bức tường lên đến tận nóc thì có lẽ học sinh sẽ không thể tập trung để học được.

Những hình ảnh này được đưa vào đồ lưu niệm ở làng Jaimanitas

Trong làng có một số hàng quán bán nước giải khát, có ghế ngồi thấp để khách ngồi ngay bên ngoài. Cái kiểu lụp xụp lộn xộn khiến liên tưởng đến quán trà đá vỉa hè của Hà Nội. Đây là điều khác lạ với cách tổ chức kinh doanh và có thể nói rộng ra là cách sống của người Cuba. Dù khó khăn, dù hàng quán có khi rất hẻo, theo nghĩa số lượng hàng quán cũng như hàng hóa bên trong; nhưng đi đâu cũng thấy quán xá trật tự. Đặc biệt là không có chuyện lấn chiếm vỉa hè. Thậm chí nếu bạn đến một quán ăn vào giờ cao điểm mà bên trong đã hết chỗ, bạn sẽ được mời ngồi lịch sự ở khu chờ. Tuyệt nhiên không có chuyện kê thêm bàn ghế. Nhưng đây là một ngôi làng, và dù đường xá được đổ bê tông sạch sẽ phong quang thì cũng nên thể tất. Những quán nhỏ này ngoài bán đồ giải khát thì còn mời chào những đồ lưu niệm mà đa số là các bức tranh vẽ đúng phong cách của làng Jaimanitas này.

Ngôi nhà của Bác sĩ Gia đình trong làng

Jaimanitas vốn là một làng đánh cá. Nhưng do thăng trầm thời cuộc và cũng vì sống dựa một phần vào du lịch nên nghề đánh cá có phần mai một. Tôi hỏi người bạn rằng ở Cuba có khái niệm làng “nông thôn mới” không, bạn cười lắc đầu. Thoáng nghĩ, nếu Cuba giàu lên rồi đua nhau xây dựng theo phong trào, có khi những làng đặc biệt như thế này sẽ biến mất.

Khó có thể tưởng tượng được, ngôi làng không ai biết một thời giờ đây là sự bùng nổ của nghệ thuật và sự sáng tạo. Chúng tôi đến ngôi nhà là tâm điểm làng. Đó là nhà riêng và cũng là xưởng vẽ của nghệ sĩ José Fuster - được gọi là Casa Fuster, một ngôi nhà 2 tầng lớn với vườn và bể bơi và một số công trình phụ rải rác. Tất cả được trang trí từ trần thậm chí có chỗ nền cũng được vẽ và khảm đủ màu sắc và họa tiết khó thể tưởng tượng được. Các tác phẩm điêu khắc khá ngẫu hứng lô nhô trong khuôn viên.

Một người đàn ông có vẻ mặt khắc khổ đứng ở cửa, ông chỉ nói đúng một câu “One Euro!”, khi thấy tôi không có tiền như lời, ông tiếp “One dollar!”. Đó là phí vào cửa.

Tất nhiên người đàn ông “xé vé” không phải là họa sĩ José Fuster. Ông ta giới thiệu địa điểm du lịch quan trọng này bằng cách mở một băng video ngắn vài phút cho chúng tôi xem.

Từ nội dung của video và cả những nguồn nghiêm túc mà tôi nhọc công tra cứu thêm, lịch sử của ngôi làng mỹ thuật và chân dung của họa sĩ nổi tiếng José Fuster hiện ra.

José Antonio Rodríguez Fuster sinh tháng 8/1946 tại Villa Clara, Caibaríen, một thị trấn ven biển khác ở phía bắc Cuba. Ở tuổi 14, ông trở thành giáo viên tình nguyện dạy đọc và viết cho nông dân ở Sierra Maestra. Ông là một nghệ sĩ được xếp vào trường phái ngây thơ (naive realism) chuyên về gốm sứ, hội họa, chạm khắc và thiết kế đồ họa. Từ năm 1963, ông theo học tại Trường Sư phạm Nghệ thuật Quốc gia ở Havana. Fuster đã có đóng góp lớn trong việc xây dựng lại làng đánh cá Jaimanitas trở thành một công trình nghệ thuật công cộng độc đáo, nơi Fuster đã trang trí những ngôi nhà bằng những bức tranh tường và mái vòm công phu để phù hợp với cá tính của những người hàng xóm của mình.

José Fuster đã đến châu Âu và tiếp cận với các nghệ sĩ như Pablo Picasso (1881-1973), Antoni Gaudí - người Tây Ban Nha (1852-1926), Jean Dubuffet, Constantin Brancusi - người Romania (1876-1957), người sau này truyền cảm hứng cho những bức tranh tường của ông.

Khi trở về từ châu Âu, Fuster đã chọn Jaimanitas làm nơi ở mới của mình (từ năm 1975). Tại đây, ông đã mua một căn nhà và biến nó thành trụ sở dự án nghệ thuật “Niềm vui sống”. Cái tên này lấy từ tựa đề một tác phẩm của họa sĩ Pablo Picasso, người mà ông ngưỡng mộ nhiệt thành.

Quan điểm nghệ thuật của ông: “Tôi luôn mơ ước rằng nghệ thuật phải hữu ích cho một điều gì đó, bởi vì tôi không quan niệm về một thứ nghệ thuật tinh hoa”.

Trong khoảng 30 năm, Fuster đã lấy một phần lợi nhuận từ việc bán các tác phẩm của mình và sử dụng chúng để cải thiện ngôi làng đánh cá nơi ông sống. Người nghệ sĩ này đã bắt đầu quá trình cải thiện làng Jaimanitas vào giữa Thời kỳ Đặc biệt (sau khi Liên Xô sụp đổ và Mỹ thắt chặt cấm vận đối với Cuba): «Đó là khoảng thời gian rất bất hạnh cho nền kinh tế của chúng ta và sau đó tôi thấy mình có tiền và quyết định bắt đầu đầu tư cho cộng đồng”, nghệ sĩ nói.

Và thế là sau khi hoàn thành việc cải tạo ngôi nhà của mình, ông tiếp tục mở rộng công việc của mình sang các khu vực khác của Jaimanitas (do đó nó còn được gọi là Fusterlandia - tạm dịch: nghệ thuật thực địa của Fuster). Bằng cách này, đường phố Fusterlandia tràn ngập hình ảnh chim, chó, hoa, cây cọ, nàng tiên cá, những hình ảnh nhắc đến cuộc sống hàng ngày của Cuba và những anh hùng của đất nước này.

José Antonio Rodríguez Fuster còn mời các nghệ sĩ từ khắp nơi đóng góp cho Fusterlandia. Những nghệ sĩ tài năng từ nhiều nơi trên thế giới và Cuba đã đến đây và làm tác phẩm để lại như Eduardo Roca Salazar “Choco”, Zaida del Rio, Flora Fong, Alexis Leiva “Kcho”… Trong ngôi nhà của mình, Fuster đã dựng một Bức tường nghệ sĩ bao gồm chữ ký, bút tích của các nghệ sĩ nổi tiếng ấy. Người viết bài đã đứng trầm ngâm trước bức tường ấy. Nó là một cách làm nghệ thuật rất tình cảm và – thực sự, rất khôn ngoan.

Một nghệ sĩ đã so sánh sự nghiệp của Fuster với Cố nghệ sĩ César Manrique, người sống và làm việc trên đảo Lanzarote của Tây Ban Nha. Nghệ sĩ Manrique, trong suốt cuộc đời, đã nghệ thuật hóa toàn bộ hòn đảo. Còn Fuster thì làm điều đó cho ngôi làng đánh cá này.

Năm nay José Antonio Rodríguez Fuster bước sang tuổi 76, người nghệ sĩ của nhân dân- có tờ báo Cuba đã tôn vinh ông như vậy. Xứng đáng! Từ năm 1966, ông là một nghệ sĩ chuyên nghiệp và trong sự nghiệp của mình đã có hơn 100 triển lãm cá nhân và hơn 500 triển lãm nhóm, trong và ngoài Cuba.

Ông nhận được nhiều giải thưởng và huy chương cả ở Cuba và nước ngoài; được trao tặng danh hiệu Văn hóa Quốc gia vào năm 1996. Ông đã nhận được danh hiệu “Sự công nhận của người giang hồ nhiệt đới” do Tổng cục Văn hóa La Habana trao tặng vào năm 2005 và Giải thưởng “Công việc của Cuộc sống” do Quỹ Tài sản Văn hóa Cuba trao tặng tại FIART 2008. Ông từng làm cố vấn cho một số viện nghiên cứu nghệ thuật và là thành viên tích cực của Hội Nhà văn và Nghệ sĩ Cuba.

* * *

Thật tiếc, khi tôi đến thăm ngôi nhà của nghệ sĩ, ông không có mặt. Có một phòng triển lãm các tác phẩm quan trọng của ông ở tầng 1 và người xem được khuyến cáo không chụp ảnh, quay phim. Bên ngoài cửa phòng triển lãm có một gian hàng nhỏ xinh bày bán các phiên bản tranh của José Fuster. Tôi mua một số tấm tranh nhỏ xíu, loại dính được trên cửa tủ lạnh bằng nam châm. Những bức tranh được in thủ công khá thô mộc trên gỗ. Người bán hàng là một chàng trai có gương mặt giống hệt họa sĩ nổi tiếng. Có lẽ đó là cháu của ông…

Rời ngôi làng tranh khảm nổi tiếng của La Habana, ấn tượng còn đọng mãi về những bức tranh và pho tượng rực rỡ có phần tương phản với đời sống hiện thời của người dân ngôi làng đánh cá cổ xưa. Những tác phẩm nghệ thuật bình dân ấy, như kể về một sức sống ngầm ẩn mà mãnh liệt.

Lê Anh Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/den-lang-danh-ca-cuba-xem-tranh-gom-post1586205.tpo