Đền Thầy tấp nập những ngày tháng 11

Những ngày tháng 11 này, các đoàn giáo viên, học sinh lại đổ về đền thờ thầy giáo Chu Văn An ở TP Chí Linh (Hải Dương) để tri ân, tưởng nhớ người thầy của muôn đời.

Từ ngày 1-11/11, gần 30.000 giáo viên, học sinh đã tới đền thờ thầy giáo Chu Văn An (TP Chí Linh) dâng hương tri ân, tưởng nhớ người thầy của muôn đời

Là một trong hơn 100 sinh viên có mặt tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An, em Nguyễn Nhật Trường quê ở Trà Vinh, sinh viên Học viện Chính trị Công an nhân dân cho biết em rất ấn tượng với không gian thanh tịnh nơi đây. Càng ấn tượng hơn khi đi dọc hai bên đường vào đền thầy có treo những danh ngôn về đạo học, đạo làm người như: "Ta chưa từng thấy nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được"; hay bảng khắc chữ “Học” rất lớn theo nét bút thư pháp... Tất cả cho thấy tấm lòng tri ân của bao thế hệ người Việt đối với người thầy mẫu mực.

“Tại Điện Lưu Quang, nơi thầy giáo Chu Văn An từng dạy học trước đây, em đã xin chữ An. Với mong muốn cuộc sống, gia đình luôn an nhiên, bình an”, Trường nói.

Mỗi giáo viên đều tự nhủ sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để xứng đáng là những tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo

Lần thứ 2 về với đền thầy, cảm xúc của Nguyễn Văn Tài, học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tiên Du (Bắc Ninh) lại bồi hồi, xúc động. Tài thấy cảnh quan nơi đây ngày càng đẹp, có thêm khu vực trải nghiệm lều chõng tái hiện những trường thi xưa.

“Em cảm ơn nhà trường đã tổ chức cho chúng em được đến dâng hương, tham quan tại đền thầy. Chúng em đã có thêm những bài học sâu sắc, cho em niềm tin, động lực để tiếp tục cố gắng hơn nữa trong học tập”, Tài chia sẻ.

Các em học sinh dâng hương tưởng nhớ thầy giáo Chu Văn An

Với mỗi giáo viên khi tới đền thầy, nhất là vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 càng khiến thầy cô thêm tự hào, có thêm động lực để cống hiến, gắn bó với nghề.

Chị Ngô Thị Duyên, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tiên Du cho biết đây là lần đầu tiên chị về đền thầy. Tư tưởng lớn của thầy giáo Chu Văn An đã thể hiện rõ tầm quan trọng của giáo dục đối với sự thịnh suy, hưng vong của mỗi quốc gia.

“Thấm nhuần tư tưởng này, mỗi nhà giáo như chúng tôi sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để xứng đáng là những tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, cô Duyên nói.

Giáo viên và học sinh dâng hương tại lăng mộ thầy giáo Chu Văn An

Học sinh xin chữ cầu cho học hành may mắn, công danh hiển đạt

Dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nào lượng khách đổ về đền thầy cũng đông hơn. Theo Ban Quản lý di tích TP Chí Linh, từ ngày 1-11/11 đã có khoảng 40 đoàn khách lớn với gần 30.000 giáo viên, học sinh tới tham quan, chiêm bái.

Sinh viên Học viện Chính trị Công an nhân dân đang suy ngẫm những danh ngôn về đạo học, đạo làm người của thầy giáo Chu Văn An

Khu di tích danh thắng đền thờ thầy giáo Chu Văn An không chỉ là nơi giáo dục truyền thống “tôn sư trọng đạo”, giáo dục biết bao thế hệ giáo viên, học sinh mà còn trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách cả nước.

Giáo viên và học sinh thích thú trải nghiệm tại giếng Ngọc gần lăng mộ thầy giáo Chu Văn An

Những giây phút thư giãn của học sinh

Chu Văn An sinh năm 1292 tại xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông là nhà giáo, thầy thuốc, đại quan dưới triều Trần. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Chu Văn An "tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, không cầu lợi lộc". Sinh thời, ông được dân chúng tôn là "Vạn thế sư biểu", nghĩa là người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam. Sau khi dâng Thất trảm sớ, đòi chém 7 kẻ nịnh thần nhưng không được vua đồng ý, Chu Văn An rời kinh thành về vùng đất Chí Linh (Hải Dương) mở trường tiếp tục dạy học. Danh nhân văn hóa thế giới Chu Văn An là một nhà giáo dục có tư tưởng tiến bộ, đi trước thời đại. Ông là 1 trong 4 danh nhân kiệt xuất của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh.

THẾ ANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tuong-nho-nguoi-thay-cua-muon-doi-363321.html