Đền thờ Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc

Nguyễn Mẫn Đốc sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống thi thư, lễ nghĩa thuộc họ Nguyễn Tam Sơn ở làng Dòng, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao. Ông là một danh nhân lịch sử, một trung thần tiết nghĩa của Đại Việt ta ở thế kỷ XVI, được nhà Lê truy phong 'Tiết Nghĩa' và cho dựng đền thờ. Năm 2015, đền được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia. Hiện đền thờ của ông được con cháu trong gia tộc thờ phụng, hương khói, trở thành niềm tự hào của dòng họ nói riêng và của người dân địa phương nói chung.

Đền thờ Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc.

Theo lịch sử ghi chép lại, Nguyễn Mẫn Đốc là một trí thức, một vị đại khoa của nền giáo dục Nho học nước ta. Trong khoa thi năm Mậu Dần, niên hiệu Quang Thiệu 3, đời vua Lê Chiêu Tông - 1518, ông đậu Đệ nhất giáp tiến sĩ cập Đệ nhị danh (Bảng nhãn). Cuộc đời ông là tấm gương sáng về nghiệp học, về trung thần tiết nghĩa, là nhân vật lịch sử có vị trí và vai trò quan trọng trong xã hội Đại Việt thế kỷ XVI và được khắc vào bia đá số 13 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Vào năm 1527, Mạc Đăng Dung chiếm ngôi nhà Lê, trước những biến cố triều chính, Lê Chiêu Tông phải tạm rời kinh thành Thăng Long vào Thanh Hoa (nay là tỉnh Thanh Hóa) lánh nạn. Tại đây, Vua Lê Chiêu Tông đã thảo tờ mật chiếu kêu gọi các bậc đại thần, công khanh phò tá giúp triều đình. Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc cùng thầy dạy học là Trạng nguyên Vũ Duệ và nhiều đại thần trung thành với Vua Lê Chiêu Tông quyết tâm ứng nghĩa. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng ngàn nghĩa binh được chiêu mộ, đã cùng nhau vào Thanh Hoa. Vua tôi gặp nhau ở Lạc Thổ (nay thuộc Nho Quan, Ninh Bình). Mạc Đăng Dung biết tin đã cử tướng lĩnh đem binh mã vào tiến đánh và xảy ra trận giao chiến lớn ở Cẩm Thủy, sau đó, thầy trò ông mũ áo cân đai chỉnh tề cùng đến bái yết tại lăng mộ nhà Lê ở Lam Sơn rồi cắt tay tuẫn tiết. Hành động tuẫn tiết của Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc đã thể hiện rõ lòng “trung quân, ái quốc” của một vị đại khoa, đại thần triều Lê. Ông được triều đình nhà Lê, Nguyễn nhiều lần ban sắc phong và truy phong Tiết Nghĩa Đại Vương - thụy Nhã Lượng, thượng đẳng phúc thần. Con cháu ông được “lót” chữ “Trung” kể từ đó.

Con cháu trong dòng họ thường xuyên đèn nhang, hương khói tại đền.

Sau khi ông mất, để tri ân lòng trung thành, yêu nước của Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc, triều đình đã cho quan khâm sai về chỉ đạo xây đền thờ. Các triều Vua nối tiếp nhau đều có sắc phong cho ông, tất cả là 10 đạo, bản gốc hiện vẫn còn được cất giữ tại đền. Gần 400 năm qua, đền đã được giữ gìn bởi các con cháu trong dòng họ và chính quyền địa phương. Đền thờ buổi ban đầu chỉ là tòa hậu cung ba gian với lối kiến trúc thời nhà Lê, ngôi đền đã trải qua nhiều lần tu sửa: Đại trùng tu vào triều vua Nguyễn Hiến Tổ - năm Thiệu Trị thứ 6 - 1846; năm 1990: Tu sửa phần mái tòa tiền tế, sơn lại cột, lát lại nền; năm 2010: Đắp lại bờ nóc tòa tiền tế, đảo ngói tòa hậu cung; năm 2011: Lát lại sân đền, tu sửa hai góc đao mái trước tòa tiền tế... Năm 2022, được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cấp chính quyền, đền đã được tiến hành tu bổ, tôn tạo trở nên khang trang, bề thế.

Đồng chí Nguyễn Hữu Sáu - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Sau một thời gian dài, đền bị xuống cấp, hư hỏng nhiều phần, để tưởng nhớ công ơn to lớn của Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc và theo nguyện vọng của con cháu trong dòng họ, đền đã được tu bổ, tôn tạo trên tinh thần xã hội hóa, đặc biệt là sự ủng hộ, cung tiến của con cháu trong gia tộc. Đến nay các hạng mục đã hoàn thiện, theo dự kiến, UBND xã sẽ tổ chức khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích vào ngày 31/3 tới đây”.

Đền được tôn tạo, tu bổ khang trang từ nguồn xã hội hóa.

Nguyễn Mẫn Đốc là người tài năng, đức độ, là tấm gương sáng về ý chị tự lực, tự cường, tinh thần yêu nước, qua đó khơi dậy ý chí quyết tâm phấn đấu học tập để xứng với danh xưng “làng dòng văn hiến”. Trước đây, theo định lệ, một năm hai lần triều đình về tổ chức tế lễ và các hoạt động vui hội tuy nhiên, sau này do nhiều yếu tố khách quan nên nghi thức này không còn duy trì thay vào đó, hàng năm vào ngày giỗ 22/2 âm lịch toàn thể con cháu trong họ tổ chức lễ tại đền thờ.

Anh Nguyễn Trung Hòa hậu duệ của dòng họ Tam Sơn chia sẻ: “Được sinh ra là con cháu dòng họ Tam Sơn đó là niềm tự hào, vinh dự và may mắn của chúng tôi. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dòng họ, quê hương, chúng tôi đều tự ý thức cố gắng sống mẫu mực, bảo ban con cháu nỗ lực học tập, thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chung sức xây dựng nông thôn mới tại địa phương".

Học sinh Trường Tiểu học Xuân Lũng thăm quan, tìm hiểu về đền thờ Nguyễn Mẫn Đốc và lịch sử cuộc đời ông.

Với những ý nghĩa lớn lao về lịch sử, văn hóa đền thờ Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc không chỉ là một trong những di tích quan trọng, vinh danh, tri ân công lao của người có công với dân với nước nơi đây còn trở thành “địa chỉ đỏ” cho các trường học tại địa phương nhằm giáo dục truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và tinh thần hiếu học cho học sinh.

Vy An

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phong-vi-dat-to/den-tho-bang-nhan-nguyen-man-doc/208895.htm