Di chúc của Bác Hồ, một giáo trình tiếng Việt độc đáo

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh dài hơn 1.000 từ, nhưng Người đã dành 4 năm để viết đi, sửa lại. Nghiên cứu về Bác Hồ, nhà báo Dương Thành Truyền có cuốn sách phân tích rất tỉ mỉ về di chúc của Bác. Cuốn sách này có trong thư viện của các trường đại học, luôn thu hút sự quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu của các thầy cô giáo và sinh viên về những điều căn dặn của Bác đối với cán bộ đảng viên, đoàn viên thanh niên.

Học sinh vùng cao với cuốn sách “Di chúc của Bác Hồ - một giáo trình tiếng Việt độc đáo”. Ảnh: Văn Chương

Nhà báo Dương Thành Truyền tâm sự, từ thời sinh viên, ông đã nghiên cứu về phong cách lao động ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhận thấy, Bác là một tấm gương lao động ngôn từ mẫu mực. Di chúc của Người là một giáo trình tiếng Việt độc đáo. Đọc di chúc của Bác, chúng ta sẽ nhận ra những ý tứ tinh tế, sâu sắc trong phong cách ngôn ngữ của Bác Hồ.

Các trường hợp Bác sửa chữa trong Di chúc theo nhà báo Dương Thành Truyền gồm 3 loại, đó là: Lựa chọn từ ngữ dựa trên quan hệ đối vị; tổ chức lại câu và các thành phần của câu; bổ sung câu và đoạn văn. Trường hợp từ bị Bác lược bỏ rồi chọn lại thì dưới từ ấy đánh dấu “x”. Bản di chúc do Bác tự tay đánh máy, sau đó dùng bút sửa bổ sung.

Mở đầu, Bác viết: “Trước hết nói về Đảng, nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”. Tổ hợp “phục vụ Tổ quốc” là một động ngữ được bổ sung vào một thành phần của câu, tạo nên một liên hợp song song với 3 vế, vừa đối, vừa có điệp. Với từ Tổ quốc, Bác đã viết hoa, vừa mang ý nghĩa đề cao (Tổ quốc là trên hết), vừa mang ý nghĩa cá thể hóa (Tổ quốc ta); cứ 3 từ Tổ quốc thì có một từ đầu dòng.

Theo ông Kỳ, thư ký riêng của Bác, việc viết di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu vào trung tuần tháng 5/1965, khi mà đồng bào và chiến sĩ trong cả nước đang sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày sinh của Người. Người đã chọn một ngày đẹp trời trong dịp kỷ niệm ngày sinh, khi sức khỏe còn rất tốt và trí tuệ minh mẫn để viết những lời dặn lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Ngày 15/5/1965, Bác hoàn chỉnh bản di chúc, ký tên và bên cạnh đó có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1968, Bác viết bổ sung một đoạn gồm 6 trang viết tay. Bản thứ nhất của năm 1968 gồm 2 trang viết tay và Bác viết lại đoạn mở đầu và bản “nói về việc riêng” của bản viết năm 1965. Bác viết: “Năm nay, tôi vừa 78 tuổi, vào lớp những người “trung thọ”. Tinh thần vẫn sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây”. Đoạn này được Bác bổ sung thêm: “Người ta khi đến tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng thấp. Đó là một điều bình thường”.

Nhà báo Dương Thành Truyền phân tích: “Đoạn bổ sung gồm 2 câu đơn. Câu thứ nhất có phần thuyết (vị ngữ) là một liên hợp qua lại của từ “thì” và cặp kết từ “càng… càng” để thể hiện quan hệ nâng cấp. Câu thứ 2 là một câu luận có dạng “danh (đại từ) là danh”, trong đó, phần đề (chủ ngữ) là một đại từ có giá trị thay thế cho câu thứ nhất. Về phần Bác sử dụng hư từ để làm rõ nội dung diễn đạt của câu và sửa đi sửa lại, đó là đoạn: “Nhưng không ai mà đoán biết được tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy tháng, mấy năm nữa”. Cụ thể, bản di chúc năm 1965, Bác viết: “Ai đoán biết tôi sẽ sống…”. Bản năm 1968, Bác sửa lần 1 và viết: “Ai mà đoán biết được tôi sẽ sống…”. Sau đó, cùng năm, Bác đã sửa lần nữa là: “Nhưng không ai mà đoán biết được tôi sẽ sống…”.

Ông Vũ Kỳ kể lại, năm 1968, Người viết thêm 6 trang gồm một số đoạn về việc riêng và một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Năm 1969, Người xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm 1 trang viết tay, trong đó, bản viết ngày 10/5/1969 lại được ghi chép ở mặt sau một tờ bản tin tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam.

Nhà báo Dương Thành Truyền sau khi phân tích từng câu từ của Bác và tóm lược rằng: “Bản năm 1965, Bác có 2 lần bổ sung; bản năm 1968, Bác sửa chữa 9 lần, sau đó tiếp tục sửa chữa thêm 30 lần; bản năm 1969, trước khi Bác mất được sửa chữa 16 lần. Tổng cộng Bác đã sửa 57 lần, có 32 lần lựa chọn lại từ ngữ, 22 lần tổ chức lại câu hoặc các thành phần của câu, 3 lần bổ sung thêm câu hoặc thêm đoạn”.

Năm 1989, di chúc của Bác được in thành 100.000 bản, phát hành rộng rãi ở khắp các nhà sách trong nước. Nhưng ít ai biết được Bác đã cặm cụi làm việc như thế nào để những ngôn từ trong di chúc biến thành nguồn lực để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đi tiếp chặng đường xây dựng đất nước.

Tác phẩm “Di chúc của Bác Hồ - một giáo trình tiếng Việt độc đáo” đã được trao giải B tại Lễ trao Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018-2020. Hiện nay, cuốn sách này được nhà báo Dương Thành Truyền gửi tặng một số nhà sách ở tuyến biên giới, hải đảo để phục vụ cho các cháu học sinh học tập và thầy cô giáo nghiên cứu.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/di-chuc-cua-bac-ho-mot-giao-trinh-tieng-viet-doc-dao-post455526.html