Đi mua… “Sáng kiến kinh nghiệm”

(Toquoc)- Sinh viên chôm chỉa khóa luận của người khác, tiến sĩ đạo lại sách… không còn là chuyện xưa nay hiếm. Giáo giới còn một chuyện bi hài không kém, đó là chuyện mua sáng kiến kinh nghiệm.

Mua SKKN - rẻ như bèo Viết Sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) vốn được xem là nhiệm vụ quan trọng đối với mỗi giáo viên. Với quá trình lao động nghiêm túc, nhiều SKKN đã ra đời góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường. Tuy vậy, một thực trạng đáng buồn đang tồn tại, vì chạy theo thành tích mà nhiều giáo viên đổ xô đi mua SKKN để nộp cho nhà trường như một hình thức đối phó. Trong giáo giới, chuyện mua SKKN để đối phó thì đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Những tấm biển trưng bán sáng kiến kinh nghiệm công khai Tại Thanh Hóa, một ngày đầu tháng 4/2010, trong vai những thầy giáo từ miền núi xuống thành phố tìm mua SKKN, chúng tôi dạo một vòng quanh trường ĐH Hồng Đức. Tại các cửa hàng photocoppy khu vực này có nhan nhản các bảng hiểu “Có Sáng kiến kinh nghiệm”. Chúng tôi quyết định “mục sở thị” một cửa hàng ngay đầu đường Tản Đà. Vừa bước vào quán, chị chủ đã đon đả: Các thầy đi tìm SKKN hả, ở đây có đủ loại SKKN các môn. Thế các thầy dạy môn gì nào? Chúng tôi ậm ờ trả lời bảo dạy Văn, ngay lập tức hai chồng SKKN dầy cộp được chị chủ quán khệ nệ vác ra, dễ có đến vài trăm tập SKKN Văn học có dư. “Đấy, tha hồ SKKN Văn học nhé, các thầy chọn thoải mái!”… Sang một cửa hàng khác tại khu vực này, lượng SKKN cũng “phong phú” không kém mà giá bán cũng rất “phải chăng”. Cứ một trang SKKN mua theo giá photo thì 2.000 đồng, còn mua lại trên file trong máy vi tính thì 5.000 đồng/1 trang. Khi chúng tôi hỏi mua đứt “bản quyền” SKKN đó, để không sợ bị trùng với người khác thì chị chủ quán không ngần ngại trả lời cứ 10.000 đồng/trang mua đứt. Thật đơn giản vô cùng… Nhưng với số lượng lớn người mua như vậy thì làm gì có SKKN nào ở đây còn “độc quyền” cơ chứ? Chúng tôi thắc mắc! chị chủ quán khẳng định chắc như đinh đóng cột, những SKKN độc quyền này mới chỉ ra đời được… vài năm, nên chưa mấy người dùng lại đâu! Lần theo lời giới thiệu của một số bạn bè là giáo viên, chúng tôi tìm đến Cở sở sản xuất và bán các bản quyền mỹ thuật giáo dục H. L, đóng tại Phố Cung, xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Được biết, đây là địa chỉ có số lượng giáo viên đến mua SKKN nhiều nhất. Khi giới thiệu là giáo viên miền núi xuống, ông chủ nói: “Giáo viên trên đấy xuống đây mua nhiều lắm. Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Ngọc Lặc đều lấy ở đây cả”. Vừa nói ông ta vừa lấy tập giấy có in đầy đủ tên SKKN, bảng giá, đối tượng mua đã được liệt kê chi tiết đưa cho tôi lựa chọn. Hình thức mua bán SKKN ở đây có phần “hiện đại và chuyên nghiệp hơn”, bởi nếu mua SKKN ở cơ sở này, người mua có thể không cần phải lặn lội từ miền núi xuống, mà chỉ cần gọi điện, gửi tiền, ông chủ sẽ hoàn thiện SKKN và gửi đến đúng dịa chỉ yêu cầu. Thậm chí người mua có thể chuyển tiền vào tài khoản cho cửa hàng, rồi cửa hàng sẽ gửi SKKN qua đường Email rất nhanh gọn. Những trang sáng kiến, kinh nghiệm có giá rẻ như bèo này đang là minh chứng về "bệnh" hình thức của ngành giáo dục Là giáo viên giỏi, phải có SKKN SKKN là cả một quá trình giảng dạy tích lũy kinh nghiệm mà nên, thế nhưng vì chạy theo thành tích đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, thậm chí là cấp tỉnh mà có không ít các giáo viên đã không ngần ngại đi mua SKKN như một thủ tục chiếu lệ cho đủ tiêu chuẩn. Nguyễn Duy T, một giáo viên trẻ ở một trường THCS thuộc huyện Hoằng Hóa, cho biết: “Chúng em vẫn biết đi mua SKKN là một việc làm xấu, nhưng việc viết SKKN đối với một giáo viên trẻ thì rất khó khăn, vì thời gian công tác trải nghiệm chưa nhiều, việc cọ xát thực tế ít thì làm gì đã có kinh nghiệm mà viết trong khi SKKN là một công việc bắt buộc của giáo viên và nó liên quan đến quyền lợi và thành tích của mỗi giáo viên, nên để đối phó nhiều giáo viên đã phải mua để nộp”. Theo đánh giá của Hội đồng khoa học ngành GD&ĐT Thanh Hóa, mỗi năm toàn tỉnh có gần 5 vạn SKKN của các cấp học (bằng 90% số lượng cán bộ, giáo viên của ngành). Nhiều SKKN có chất lượng cao đã được áp dụng vào thực tiễn, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường. Tuy nhiên, Hội đồng khoa học của ngành giáo dục cũng thừa nhận hàng năm vẫn còn xảy ra không ít các giáo viên đã sao chép các SKKN cũ của người khác để nộp cho ngành. Thậm chí có những sáng kiến sao chép, giống nhau đã lọt qua các vòng chấm tại cơ sở lên tới tận vòng chấm cấp tỉnh. Năm học 2007-2008, Hội đồng khoa học của ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã phát hiện tới 12 trường hợp lọt vào vòng chấm cấp tỉnh, như các giáo viên N.Đ.D, Trường THCS Q.N (Quảng Xương) và giáo viên L.V.Đ, Trường THCS C.T (Ngọc Lặc) có nội dung SKKN giống nhau... Ông Lê Xuân Đồng – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết: “SKKN là yêu cầu cần có cho mỗi giáo viên trong quá trình đạt danh hiệu giáo viên thi đua từ cấp cơ sở trở lên. Nhưng trên thực tế, tình trạng giáo viên này coppy lại SKKN của giáo viên khác đã tồn tại từ lâu. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tình trạng các giáo viên đi mua SKKN để nộp như một hình thức chiếu lệ đã trở nên rầm rộ. Chúng tôi chỉ có thể đẩy mạnh công tác quản lí nhà nước chứ không thể quản lý về mặt thị trường khi các quán hàng bày bán tràn lan các SKKN, thậm chí là cả các khóa luận, luận văn thạc, tiến sĩ...” Trong việc này cũng cần có sự phối hợp từ các cấp ngành liên quan và đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong ngành giáo dục! – Giám đốc Đồng đưa ra giải pháp./. Bài, ảnh: Xuân Nghĩa

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Dau-Tu-Giao-Duc/Di-Mua-Sang-Kien-Kinh-Nghiem.html