Đi trả thù sau khi nhậu, 15 thanh niên vướng vòng lao lý

TAND tỉnh Quảng Bình vừa mở phiên tòa xét xử 15 bị cáo về tội danh Giết người và Gây rối trật tự công cộng. Điều khiến những người tham dự phiên tòa trăn trở đó là các bị cáo đều đang ở độ tuổi rất trẻ; lớn nhất mới chỉ bước qua tuổi 18, trẻ nhất mới 16 tuổi.

15 bị cáo tại phiên tòa xét xử.

Gây án vì thích thể hiện?

Đứng trước bục khai báo là 15 bị cáo, mặt còn "búng ra sữa". Các bị cáo cùng trú ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình; đều lớn lên cùng nhau, bạn học với nhau; trong số đó, nhiều bị cáo là bạn "nối khố" của nhau trong những chuyến ra khơi bám biển dài ngày.

Ở độ tuổi 16-18, các bị cáo đều muốn khẳng định và chứng tỏ mình với mọi người, đặc biệt là với thế hệ bạn bè cùng trang lứa. Chính suy nghĩ bốc đồng, thiếu chín chắn ấy đã đẩy các bị cáo sớm vướng vào vòng lao lý ở độ tuổi còn quá trẻ.

Theo cáo trạng, thông thường, cứ sau mỗi chuyến đi biển trở về, nhóm nam thanh niên trong làng lại góp tiền mua "mồi", mua bia ngồi lại với nhau nhậu nhẹt lai rai. Khoảng 23h30 ngày 23/9/2018, tại nhà Phạm Ngọc Sơn ở thôn Trung Vũ, nhóm bạn 12 người gồm: Phạm Đình Thăng Long, Nguyễn Trung Nguyên, Đồng Xuân Hải, Phạm Quốc Thái, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Duy Nam, Đồng Anh Dũng, Nguyễn Minh Hiếu, Phạm Ngọc Phương, Trần Duy Thanh, Phạm Duy Thành và Phạm Ngọc Sơn tổ chức ăn nhậu sau chuyến đi biển về.

Khi đã "ngà ngà" say, Phạm Đình Thăng Long bảo với cả nhóm trước đây có Đậu Đức Dương ở thôn Liên Trung từng đánh Nguyễn Minh Hiếu, nên giờ cả bọn kéo nhau đi tìm Dương để giúp Hiếu trả thù.

Nhóm bạn Phạm Đình Thăng Long đi bộ đến nhà Đậu Đức Dương nhưng Dương vắng nhà. Cả nhóm tiếp tục tìm tới nhà Nguyễn Tấn Thành ở thôn Cảnh Thượng thì thấy Đậu Đức Dương, Phạm Anh Quân, Đồng Thanh Tuấn, Phạm Quyết Thắng, Nguyễn Tấn Thành. Ngay khi gặp nhau, cả hai nhóm đã gây sự, cãi vả nhau liên hồi. Sau ít phút dùng "võ mồm", cả hai nhóm lao vào nhau loạn đả.

Trong lúc hỗn loạn, Phạm Anh Quân dùng dao đâm Phạm Ngọc Phương vào ngực và lưng. Theo kết luận của trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên- Huế, vết thương ở ngực Phương thấu tim, thủng động mạch phổi, gây nguy hiểm đến tính mạng, có thể tử vong nếu không cấp cứu, điều trị kịp thời. Tuy có người đã bị thương nặng nhưng Quân vẫn tiếp tục dùng khí tấn công Đồng Anh Dũng.

Thấy nhóm bạn Phạm Đình Thăng Long lấn át nhóm của mình, Nguyễn Tấn Thành dùng 2 cây dao (loại dao đôi, có thể ghép lại với nhau) và 1 cây dao xếp xông vào "nghênh chiến". Kết quả, Thành gây thương tích cho 6 người, gồm: Đồng Anh Dũng tổn hại 3% sức khỏe, Phạm Đình Thăng Long tổn hại 1% sức khỏe, Phạm Duy Thành tổn hại 1% sức khỏe, Nguyễn Duy Nam tổn hại 1% sức khỏe, Trần Duy Thanh tổn hại 3% sức khỏe và Phạm Quốc Thái tổn hại 2% sức khỏe.

Cái giá phải trả cho sự nông nổi

Căn cứ vào hành vi, động cơ phạm tội và hậu quả để lại, VKSND tỉnh Quảng Bình quyết định truy tố Phạm Anh Quân về tội Giết người theo khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Đồng thời truy tố 14 bị cáo khác trong vụ ẩu đả về tội Gây rối trật tự công cộng, theo khoản 1, Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015.

Tại phiên tòa, Phạm Ngọc Phương vừa là bị hại, vừa là bị cáo. Vì sức khỏe còn yếu nên Phương được HĐXX cho phép ngồi dưới trả lời. Trong trận "huyết chiến" ấy, Phương bị thương nặng nhưng đã may mắn thoát được "cửa tử" vì được đưa đi cấp cứu kịp thời.

Với giọng nói có phần yếu ớt, Phương gắng gượng trình bày toàn bộ các tình tiết trong vụ án với thái độ ăn năn, thành khẩn. Theo đó, Phương đề nghị HĐXX mở lượng khoan hồng, xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

"Xin HĐXX hãy xem xét giảm nhẹ hình phạt cho tất cả các bị cáo khác, bởi tất cả bị cáo đều là bạn bè của nhau, chỉ vì một phút nông nổi, thiếu kiềm chế mới gây ra hành vi vi phạm pháp luật như vậy", bị cáo Phương nói.

Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, Phạm Anh Quân đã sử dụng dao đâm vào vùng trọng yếu của Phạm Ngọc Phương, cố ý xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe Phương. Hành vi của Quân đã xâm phạm trật tự xã hội, coi thường pháp luật và mạng sống người khác.

Trước tòa, Quân thành khẩn khai báo, xin sự khoan hồng của pháp luật. Không như những bị cáo khác, Phạm Đình Thăng Long nhiều lần bị Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nghiêm giọng nhắc nhở vì thái độ quanh co, chối tội, thiếu thành khẩn.

Tuy nhiên, trước những chứng cứ, lập luận của HĐXX và lời khai các bị cáo còn lại, Phạm Đình Thăng Long cúi đầu im lặng.

Trong vụ án, Nguyễn Tấn Thành tham gia đánh nhau một cách rất tích cực. Điều đáng lên án là Thành sử dụng hung khí gồm 3 con dao, manh động gây thương tích cho nhiều người, rất may cho Thành và các bị cáo Đồng Anh Dũng, Phạm Đình Thăng Long, Phạm Duy Thành, Nguyễn Duy Nam, Trần Duy Thanh và Phạm Quốc Thái tỷ lệ tổn hai sức khỏe mỗi người dưới 11%, gia đình các bị hại đã có đơn không yêu cầu khởi tố vụ án, đề nghị giảm hình phạt cho Nguyễn Tấn Thành.

Kết thúc phiên tòa sơ thẩm ngày 1/11, HĐXX tuyên phạt: Phạm Anh Quân 7 năm tù; Nguyễn Tấn Thành, Phạm Đình Thăng Long 30 tháng tù; Phạm Ngọc Phương, Đồng Anh Dũng 12 tháng tù, Nguyễn Duy Nam 9 tháng tù; Phạm Quyết Thắng, Đậu Đức Dương, Nguyễn Trung Nguyên, Nguyễn Minh Hiếu 12 tháng tù treo. Phạm Quốc Thái, Đồng Thanh Tuấn 9 tháng tù treo và 3 bị cáo còn lại là Phạm Ngọc Sơn, Nguyễn Thanh Tùng, Đồng Xuân Hải 12 tháng cải tạo không giam giữ.

Thế là chỉ vì một phút bốc đồng của tuổi trẻ mà nhiều đã "bỏ lỡ" những tháng ngày tươi đẹp nhất của tuổi thanh xuân ở trong nhà giam. Một số bị cáo tuy được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ nhưng nếu họ không "tu tâm, dưỡng tính", chấp hành pháp luật thì tương lai cũng chẳng khá hơn gì...

Ngô Huyền

Bài đăng trên báo in Đời sống & Pháp luật số 178

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/phap-luat/di-tra-thu-sau-khi-nhau-15-thanh-nien-vuong-vong-lao-ly-a300156.html