Điện Biên Phủ: Những ký ức không quên

70 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu', các chiến sĩ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến năm xưa nay đều đã ở tuổi xưa nay hiếm. Nhưng với họ, kí ức về những ngày tháng gian khổ mà rất đỗi tự hào vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), phóng viên Báo Ninh Bình đã gặp gỡ và ghi lại ký ức của những người trực tiếp tham gia chiến dịch.

Trích đoạn tác phẩm "Toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ" tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (Điện Biên). Trong ảnh: Cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries - Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Ảnh: ST

Gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng

Tôi bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương từ năm 1951. Đến đầu năm 1954, tôi xin tham gia vào một đội quân y được thành lập tại thôn Lũ Phong (xã Quỳnh Lưu), với mệnh lệnh di chuyển lên Điện Biên Phủ để điều trị, chăm sóc cho anh em thương binh.

Đội quân y của tôi lúc đó có khoảng 30 người, đi bộ băng rừng vượt núi hơn một tháng trời mới lên đến Điện Biên. Khoảng đầu tháng 2/1954, sau khi tập trung lực lượng, Đội quân y được giao thực hiện nhiệm vụ trong tuyến hầm tại khu vực đồi Him Lam. Từ khi đó cho đến khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc vào tháng 5/1954, tôi và anh, chị em trong đội đều ở dưới hầm, bất kể ngày cũng như đêm, khoảng ba tháng không nhìn thấy ánh mặt trời.

Khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, khắp bốn phía đều là tiếng súng, tiếng bom ầm vang. Có những đợt quân địch bắn phá ác liệt, khu vực hầm chúng tôi ở thường xuyên rung chuyển, bụi đất từ trên rơi xuống thành lớp bụi dày trên quần áo, mặt mũi ai cũng lấm lem. Thế rồi, chúng tôi bắt đầu quen dần với tiếng bom đạn, bóng tối và ánh đèn leo lắt trong khu hầm. Thỉnh thoảng, chị em chúng tôi được chỉ huy cho vào khu hầm quan sát, nhìn lên phía trận địa trên mặt đất chỉ thấy khói bay khắp nơi, trên bầu trời là những quả pháo sáng của giặc Pháp bắn lên tìm vị trí của quân ta. Có những ngày trời mưa, nước đổ xuống hầm khiến việc di chuyển gặp rất nhiều khó khăn. Muốn đi lại giữa các khu vực, chúng tôi phải bám vào vách hầm, chân lần từng bước một vì nước ngập lên đến đầu gối, bùn đất phía dưới quánh lại bó chặt từng bước đi.

Nhiệm vụ chính của tôi là nhân viên cấp dưỡng, nấu ăn và chăm sóc cho bộ đội bị thương. Càng về thời gian cuối của chiến dịch Điện Biên Phủ, số lượng bộ đội bị thương ngày càng nhiều. Vì vậy ngoài nhiệm vụ được giao, những lúc cao điểm tôi cũng tham gia phụ giúp các y, bác sĩ băng bó cho các thương binh. Ngày đó điều kiện thiếu thốn đủ đường, từ thuốc men cho đến thực phẩm. Các thương binh chỉ được tẩm bổ bằng cháo trắng, những trường hợp nặng hơn thì được cải thiện bằng cháo đậu xanh với chút cá khô. Thi thoảng các dân công đi vào rừng, tìm được ít khoai dại, rau rừng mang về để chúng tôi cải thiện bữa ăn, bảo đảm sức khỏe cho thương binh trước khi chuyển về tuyến sau để điều trị chuyên sâu hơn.

Thiếu thốn, vất vả là vậy nhưng các y, bác sĩ và chị em cấp dưỡng trong đội chúng tôi luôn một lòng tin tưởng vào Đảng, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp; luôn tin rằng ngày chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ sớm đến.

Chiều ngày 7/5/1954, đội chúng tôi nhận tin báo tướng Đờ Caxtơri cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ kéo cờ trắng ra hàng; khiến anh chị em chúng tôi vui mừng khôn xiết. Ngay lập tức, tôi cùng một số chị em được lệnh di chuyển về phía hầm chỉ huy của quân địch để thu gom thuốc men, bông băng phục vụ cho việc sơ cứu thương binh. Men theo những con đường đồi núi, chúng tôi cứ nhìn theo hướng lá cờ "quyết chiến, quyết thắng" của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch mà tiến bước trong niềm vui sướng, tự hào.

Dù đã 70 năm trôi qua, nhưng những ký ức đó vẫn luôn ghi dấu trong trí nhớ của tôi. Mỗi khi đêm về, tôi lại nhớ về bóng tối đen kịt cùng những ánh đèn leo lắt trong khu hầm khi xưa-một thời gian khổ, "khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt". Đó thực sự là những ngày tháng gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng.

Trương Thị Sự
(xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan)

"Tất cả cho tiền tuyến"

Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xã Khánh Tiên giàu truyền thống cách mạng của quê hương Yên Khánh. Năm 1950, tôi tham gia lực lượng du kích, sau đó 3 năm, khi có lệnh tuyển quân, tôi tình nguyện gia nhập lực lượng thanh niên xung phong và được biên chế về Liên khu 3 (nay là Quân khu 3) để chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Lực lượng thanh niên xung phong khi ấy được giao các công việc khác nhau từ làm lán trại, kho tàng, đào hầm, đến bốc vác, vận chuyển hàng hóa, cáng thương, tải đạn..., đội chúng tôi nhận nhiệm vụ tải đạn. Chúng tôi vác trên vai thùng đạn nặng từ 40 đến 50 kg, hướng về phía Tây Bắc. Hành quân trên quãng đường dài hàng trăm km, chủ yếu vào ban đêm, vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, nhiều đèo cao, suối sâu, vực thẳm, chưa kể phải đối phó với vắt rừng, thú dữ, máy bay, biệt kích, thổ phỉ... Nhưng không khi nào chúng tôi nản lòng hay bỏ cuộc, mà càng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần "không có việc gì khó", "tất cả cho tiền tuyến", "tất cả để chiến thắng". Trên đường đi, gặp các đoàn dân công, thanh niên xung phong, bộ đội, chúng tôi chào hỏi, động viên nhau, có lúc hát vang cả núi rừng.

Chúng tôi khi ấy là những thanh niên 18, 20 tuổi, hừng hực sức trẻ, mong muốn được hiến dâng công sức cho quê hương, đất nước mà không hề nao núng, suy nghĩ được-mất. Thành thật mà nói, khi ấy chúng tôi không sợ gì cả, không sợ máy bay, không sợ bom đạn địch, chỉ một mục tiêu: hành quân đến đích an toàn, đúng hạn định.

70 năm đã qua nhưng khi nhìn lại hình ảnh từng đoàn dân quân, thanh niên xung phong vận chuyển hàng hóa, từng ký ức về chiến dịch Điện Biên Phủ, về thời tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt huyết vẫn như hiện ra trước mắt. Thật vinh dự, tự hào vì lực lượng thanh niên xung phong chúng tôi là lực lượng sát cánh với bộ đội, được đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Ông Nguyễn Văn Bãng
(xã Khánh Tiên, Yên Khánh)

"Đèo cao thì mặc đèo cao, Tinh thần vận tải còn cao hơn đèo"

Năm 1952, tôi cùng hơn 50 thanh niên của xã Ninh Phong, huyện Gia Khánh (nay là xã Ninh Phong, thành phố Ninh Bình) xung phong lên đường tham gia thực hiện nhiệm vụ gánh gạo, chuyển lương cho bộ đội ở chiến trường Tây Bắc. Đoàn chúng tôi có nhiệm vụ vận chuyển lương thực từ xã Ninh Xuân lên Hòa Bình, sau đó tiếp tục chuyển lên kho lớn ở 1 khu rừng thuộc tỉnh Lai Châu để cung cấp cho chiến dịch. Hồi đó gian khổ lắm nhưng anh em trong đoàn đều vui vẻ, lạc quan. Tuyến đường xa, địa hình hiểm trở, trong khi nhu cầu của chiến trường rất lớn và gấp rút nên chúng tôi phải rất khẩn trương và tranh thủ từng ngày, từng giờ.

Khó khăn nhất với tôi và đồng đội là phải thực hiện nhiệm vụ vào ban đêm để tránh máy bay địch phát hiện. Đường đi chủ yếu là đường rừng, qua nhiều đèo cao, suối sâu vô cùng gian nan. Nhiều người không có dép, chân tứa máu, vai thì hết xưng phồng chuyển sang chai sạn vì vết hằn của đòn gánh, rồi có người mặt xanh xao vì sốt rét rừng, vắt cắn… Nhiều khu vực có địch đóng quân nên cũng không thể đi đường chính mà được hướng dẫn luồn qua rừng rậm. Khó khăn là thế nhưng đoàn dân công hỏa tuyến của chúng tôi vẫn luôn quyết tâm vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trên đường đi, chúng tôi vừa gánh gạo vừa reo hò "Đèo cao thì mặc đèo cao. Tinh thần vận tải còn cao hơn đèo" để cùng động viên và cổ vũ tinh thần cho nhau.

Từ năm 1952 đến khi Chiến thắng Điện Biên Phủ tôi không còn nhớ rõ mình đã vận chuyển bao nhiêu chuyến hàng cho chiến trường Tây Bắc, nhưng cứ hết chuyến này về là chúng tôi lại sẵn sàng lên đường cho những chuyến tiếp theo. Sau khi quân ta chiến thắng thực dân Pháp, tôi cùng đoàn dân công hỏa tuyến của xã tiếp tục tham gia chi viện cho chiến trường miền Nam.

Tôi luôn vinh dự và tự hào khi được góp sức nhỏ bé của mình tiếp sức cho quân đội giành Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Chiến tranh đã lùi xa, tôi mong các thế hệ trẻ sẽ giữ mãi hào khí của dân tộc, ghi nhớ những trang sử hào hùng của đất nước, nhớ công ơn của thế hệ cha ông để góp trí lực xây dựng, bảo vệ đất nước ngày càng hùng mạnh.

Ông Vũ Văn Bảng
(xã Ninh Phong, thành phố Ninh Bình)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dien-bien-phu-nhung-ky-uc-khong-quen/d2024050308212203.htm