Doanh nghiệp FDI muốn đi tiên phong trong chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam

Các khuyến nghị của doanh nghiệp dành cho Việt Nam tại VBF 2023 tập trung vào mục tiêu chuyển đổi sang nền nông nghiệp thông minh, trong đó tập trung vào giải pháp số hóa, tạo ra các ý tưởng sản xuất mới.

Ông David John Whitehead, Chủ tịch Tập đoàn Mavin, đại diện Nhóm Công tác nông nghiệp tại Diễn đàn VBF 2023. Ảnh: Quách Sơn.

Tại phiên họp kỹ thuật của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên VBF 2023, ngày 17/3, ông David John Whitehead, Chủ tịch Tập đoàn Mavin, đại diện Nhóm Công tác nông nghiệp cho biết, đại dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều sự thay đổi trong cấu trúc thị trường ngành nông nghiệp.

Trong đó, có thể kể đến như việc nhiều mặt hàng trái cây và gạo của Việt Nam đã thành công thâm nhập vào thị trường châu Âu, nơi Thái Lan đã từng thống trị trước đây. Năm 2023, Việt Nam có mục tiêu tiếp tục đa dạng hóa thị trường, định hướng các sản phẩm để đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu và an toàn thực phẩm.

“Dự kiến trong năm 2023 và những năm tiếp theo, các yêu cầu của thị trường sẽ trở nên khắt khe hơn, buộc toàn ngành phải đổi mới, nâng cao khả năng thích ứng và xác định chính xác các cơ hội để xây dựng một ngành nông nghiệp bền vững, tập trung vào nông nghiệp xanh như một phần của nền kinh tế tuần hoàn”, ông David John Whitehead nêu yêu cầu.

Việt Nam đã đưa ra các cam kết tại COP 26 bảo đảm tăng trưởng sản xuất và bảo vệ môi trường, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, tham gia chuỗi giá trị và chuỗi lương thực toàn cầu.

“Những cam kết đó phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể của các nhà sản xuất, những người nông dân chăn nuôi, trồng trọt và những doanh nghiệp FDI trực tiếp tham gia vào ngành nông nghiệp”, ông David John Whitehead chỉ ra.

Do đó, Nhóm Công tác nông nghiệp cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam và thế giới trong năm 2023 cần phải tái cơ cấu.

Ngành nông nghiệp cần đưa ra các ý tưởng mới, các khái niệm thông minh, mô hình canh tác sáng tạo, số hóa, công tác logistics hiệu quả hơn, tập trung nhiều hơn vào nông nghiệp tuần hoàn và trách nhiệm với môi trường”.

Ông David John Whitehead, Chủ tịch Tập đoàn Mavin

Một trong những giải pháp mà Nhóm công tác tập trung nhấn mạnh là phát triển nông nghiệp dựa trên chuyển đổi số, gắn kết thị trường trong nước và quốc tế. Điều này phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.

“Việt Nam đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, trong đó nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Nhưng trước những yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu, nông nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với các điều kiện mới bằng cách ứng dụng công nghệ thông minh trong hoạt động sản xuất”, ông David John Whitehead phân tích.

Vì vậy, theo vị đại diện này, nông nghiệp Việt Nam cần ứng dụng các công nghệ tiên tiến và chuyển đổi số để tạo được bước ngoặt trong sản xuất kinh doanh ngành nông nghiệp. Chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp truyền thống sang nền kinh tế nông nghiệp dựa trên khoa học công nghệ và chuyển đổi số, bao gồm cơ chế tuần hoàn nông nghiệp.

Nhóm Công tác nông nghiệp của VBF 2023 đánh giá, đại dịch Covid-19 vừa là khó khăn, vừa là thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ và các phương pháp nông nghiệp một cách thông minh và hiệu quả. Đồng thời nhận ra lợi ích trong việc kiểm soát chất thải và ô nhiễm môi trường.

“Việt Nam cần đặt ra một động lực tăng tốc trong việc chuyển đổi số kết hợp cùng nông nghiệp thông minh, cho phép việc quản lý nguồn nước, thức ăn, phân bón, truy xuất nguồn gốc và quản lý chất thải tốt hơn”, ông David John Whitehead gợi ý thêm.

Chuyển đổi số nông nghiệp là lĩnh vực được ưu tiên. Ảnh: UBND tỉnh Sơn La.

Trước những đề xuất của Nhóm Công tác nông nghiệp, ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT nhìn nhận, năm 2023 được dự báo có nhiều thách thức do an ninh năng lượng, an ninh lương thực bị đe dọa. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT đánh giá cao những khuyến nghị của Nhóm công tác đã đi sâu vào những tồn tại của ngành.

“Bộ NN&PTNT trân trọng và tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn VBF 2023. Chúng tôi cam kết tiếp tục nghiên cứu, rà soát trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong nông nghiệp”, ông Châu nói.

Ngành nông nghiệp mong muốn được đẩy mạnh hợp tác đi vào chiều sâu với các nhà đầu tư nông nghiệp trong và ngoài nước, về cả quá trình xây dựng chính sách cũng như thu hút đầu tư, nhằm phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh.

Cũng tại diễn đàn, ông Châu đánh giá, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực của bà con nông dân đã giúp ngành nông nghiệp đã vượt qua những khó khăn của năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương thương mại đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/doanh-nghiep-fdi-muon-di-tien-phong-trong-chuyen-doi-so-nong-nghiep-viet-nam-post19147.html