Doanh nghiệp Việt trước sức ép cạnh tranh để giữ thị trường 'sân nhà'

Các nhãn hàng quốc tế có tiềm lực tài chính mạnh, đầu tư nhiều vào công nghệ vẫn không ngừng nỗ lực gia tăng sự hiện diện, mở rộng nhanh chuỗi hệ thống ở Việt Nam. Điều này càng làm tăng thêm sức ép cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt trong việc phải giữ cho được thị trường 'sân nhà' giữa bối cảnh gặp nhiều khó khăn.

Mới đây, Mixue - một thương hiệu chuyên kinh doanh các sản phẩm về kem tươi và đồ uống từ trà đến từ Trung Quốc thông báo chạm mốc 1.000 cửa hàng tại Việt Nam. Như vậy là tính từ lúc bắt đầu tiến vào thị trường Việt Nam vào năm 2018 dưới pháp nhân là Công ty TNHH Snow King Global, chỉ sau chưa đầy 5 năm, thông qua hình thức nhượng quyền, Mixue đã đạt được quy mô mà hiện chưa có thương hiệu ngành F&B (dịch vụ ăn uống) nào đạt đến.

Nhãn hàng ngoại không ngừng “đổ bộ”

Trước sự mở rộng nhanh của chuỗi cửa hàng nêu trên, giới truyền thông có đưa ra so sánh với một thương hiệu bản địa có mặt hàng kinh doanh tương tự là kem Tràng Tiền. Theo đó, ngay chính trên thị trường “sân nhà”, việc tìm cửa hàng Kem Tràng Tiền không thuận lợi bằng Mixue dù mức giá bán sản phẩm không quá chênh lệch.

sức mua hiện tại có suy giảm trong ngắn hạn nhưng các nhãn hàng quốc tế vẫn không ngừng “đổ bộ” vào Việt Nam và có mặt trong các chuỗi bán lẻ hiện đại.

Số lượng đại lý được công bố chính thức trên website của Tràng Tiền cũng chỉ mới vào khoảng 200 điểm (bao gồm cả các cửa hàng bánh ngọt Givral - thương hiệu cùng chủ). Tức là chỉ bằng 1/5 số cửa hàng của Mixue.

Một điểm đáng chú ý khác, thay vì theo đuổi các mặt bằng lớn nằm ở vị trí đắc địa hay trong trung tâm thương mại, khi mở rộng hệ thống ở Việt Nam, Mixue chủ yếu mở rộng ở các tỉnh thành nhỏ hoặc các khu phố đông dân cư, với mức thu nhập thấp hơn, tập trung phục vụ mang đi.

Hoặc như Tập đoàn Bosch (của Đức) vừa chính thức ra mắt thương hiệu thiết bị gia dụng nổi tiếng của Đức tại thị trường Việt Nam với đơn vị chủ quản là Công ty BSH Việt Nam.

Dù mới thâm nhập thị trường Việt từ đầu năm 2023 nhưng đơn vị này đã mở rộng mạng lưới với hơn 1.000 cửa hàng phân phối đồ gia dụng của Đức trên khắp Việt Nam, cùng với các gian hàng chính hãng trên 2 trang thương mại điện tử hàng đầu trong nước là Shopee và Lazada.

Phía Bosch cho biết, sự cạnh tranh mạnh mẽ với hàng loạt thương hiệu gia dụng trong nước lẫn quốc tế vừa là cơ hội, cũng là thách thức của họ khi bước chân vào thị trường Việt Nam. Họ sẽ cung cấp hệ sinh thái sản phẩm chính hãng, hướng đến phục vụ khách hàng thuộc phân khúc trung,cao cấp tại Việt Nam, yêu thích cập nhật các xu hướng công nghệ…

Bà Becky Võ, Tổng giám đốc BSH Việt Nam, đã không dấu tham vọng là sẽ đưa các thương hiệu đồ gia dụng hàng đầu của Đức trở thành các sản phẩm được yêu thích hàng đầu Việt Nam trong thời gian tới.

Hay như một công ty hóa mỹ phẩm của Thái Lan là Sol Corporation International đã chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam vào hạ tuần tháng 5/2023 và thông qua một đơn vị là CTCP Hóa mỹ phẩm Quốc tế Sol để phân phối các sản phẩm về chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, mỹ phẩm, cà phê…vào Việt Nam trong thời gian tới. Đơn vị này sẽ có 6 thương hiệu để làm cánh tay nối dài cho nhà sản xuất của Thái Lan tiếp cận với người tiêu dùng Việt.

Nói về việc thâm nhập thị trường Việt, bà Khun Tip, Tổng giám đốc của Sol Corporation International, cho biết, Thái Lan có khoảng 60 triệu dân. Trong khi đó, Việt Nam đã có hơn 100 triệu dân, nên sẽ là thị trường màu mỡ cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh các sản phẩm về chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, mỹ phẩm…

“Người dân trong khu vực Đông Nam Á, ai cũng thích làm đẹp. Chúng tôi đã rất thành công tại Thái Lan. Lần này, chúng tôi chọn Việt Nam vì nhận thấy tiềm năng lớn ở đây”, bà Khun Tip chia sẻ.

“Mỏ vàng” cần phải giữ

Nhìn vào việc mở rộng nhanh của chuỗi cửa hàng Mixue và sự “đổ bộ” của các thương hiệu từ Đức, Thái Lan như vậy, sẽ thấy thị trường Việt Nam với quy mô 100 triệu dân vẫn được xem là khá hấp dẫn để khối ngoại khai thác. Tuy nhiên, song song đó là sức ép cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt cho các DN Việt ngay trên thị trường “sân nhà”.

Trong vấn đề cạnh tranh này cần đề cập đến yếu tố nhượng quyền của các thương hiệu ngoại, như trường hợp mở rộng nhanh của Mixue đã lấn át các thương hiệu nội trong mảng F&B. Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2022, có 18 thương hiệu nhượng quyền nước ngoài hoặc tái ký hợp đồng vào Việt Nam.

Trong khi đó, theo chuyên gia nhượng quyền quốc tế Nguyễn Phi Vân, sáng lập và là Chủ tịch của Go Global Holdings, tại Việt Nam, nhượng quyền hiện chưa được hiểu đúng, hiểu đủ và ứng dụng một cách chuyên nghiệp.

Từ phía các DN nhượng quyền, rất nhiều chủ thương hiệu vẫn chưa hiểu đúng về nhượng quyền, xây dựng nền tảng chưa chuyên nghiệp, ứng dụng các hình thức nhượng quyền chưa hợp lý và hiểu biết pháp lý chưa đầy đủ. Kết quả là đã xảy ra những mâu thuẫn và tranh chấp đáng tiếc trong thời gian qua, làm nhiễu loạn thị trường.

Ngoài vấn đề nhượng quyền, trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay khi sức mua suy giảm, giới chuyên gia cho rằng các DN Việt trên “sân nhà” phải chấp nhận sự thật là cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt với thế mạnh thuộc về những DN ngoại có tiềm lực tài chính mạnh, đầu tư nhiều vào công nghệ, biết khai thác lợi thế của nhượng quyền.

Nhất là với những DN nhỏ và vừa trong nước tuy đã nỗ lực để cạnh tranh bằng cách phát triển các kênh quảng bá, tiếp thị sản phẩm, nhưng do tiềm lực hạn chế nên họ cũng chỉ cố gắng giữ được một chút thị phần trong điều kiện, giới hạn nhất định.

Chưa kể, ngay cả những DN Việt trước đây chỉ quen với xuất khẩu, nay hoạt động này gặp khó nên họ quay về bán hàng thị trường “sân nhà” nhưng cũng không dễ dàng. Bởi vì họ đã vấp phải sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt của các nhãn hàng quốc tế đang “đổ bộ” vào thị trường Việt.

Đó là chưa tính đến chuyện các nhãn hàng Việt khi đưa hàng vào chuỗi bán lẻ ở trong nước vẫn gặp nhiều vấn đề phức tạp, gánh nhiều chi phí, chi phí mặt bằng, marketing, lòng tin của người tiêu dùng…

Nói chung, thị trường “sân nhà” ở Việt Nam đang là “miếng bánh béo bở” mà các DN ngoại đều khao khát mở rộng thị phần. Sức mua ở trong nước dù hiện nay có suy giảm nhưng chỉ là ngắn hạn, còn về dài hạn vẫn là “mỏ vàng”. Cho nên, bắt buộc các DN Việt phải thay đổi, bằng mọi cách nâng cao sức cạnh tranh để giữ cho được thị trường “sân nhà”.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-viet-truoc-suc-ep-canh-tranh-de-giu-thi-truong-san-nha-1092897.html