Đội bắt chó thả rông ở Hà Nội: Phải học kinh nghiệm...

Các thành viên đội bắt chó thả rông cho biết, trước khi tham gia thực hiện nhiệm vụ, họ đã được hỗ trợ tiêm phòng dại và học kinh nghiệm bắt chó.

Liên quan đến thông về đội bắt chó thả rông ở Hà Nội, chiều ngày 29/11, trao đổi với báo Đất Việt, bà Nguyễn Thị Hà Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, phường đã thành lập đội bắt chó và đi vào hoạt động từ tháng 7.

"Tính đến thời điểm này, đội bắt chó thả rông của phường đã bắt được 13 con chó, trong đó xử phạt 10 trường hợp, còn 3 trường hợp là chó vô chủ, phường đã gửi về Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã.

Những con chó thả rông sau khi bị bắt sẽ được đưa về nhà văn hóa khu dân cư, ban ngày có cán bộ thú y chăm sóc và ban đêm có các bác trong tổ tự quản thay nhau trông", bà Phương nói.

Các thành viên đội săn bắt chó cho biết, trước khi tham gia thực hiện nhiệm vụ, họ đã được hỗ trợ tiêm phòng dại, và có kinh nghiệm xử lý khi bắt giữ để tránh bị chó cắn. Ảnh: TPO

Nói về đội bắt chó thả rông này, bà Phương cho biết, trước khi chọn người bắt chó, phường đã phải dán thông báo tại các khu dân cư để lựa chọn người có tiêu chuẩn và những người được tuyển chọn sẽ được tiêm phòng đầy đủ.

Về cán bộ thú y chăm sóc chó, vị Phó Chủ tịch phường này cho biết: "Cán bộ này có chuyên ngành về thú y, ngoài công việc ở phường còn mở phòng khám nữa nên chúng tôi cũng rất yên tâm khi nuôi nhốt chó thả rông.

Bên cạnh đó, cán bộ thú y này cũng yêu động vật nên mỗi lần đội đưa con chó thả rông nào về là vuốt ve, con nào bị chảy máu cũng xót xa lắm. Rất may cán bộ này này chăm sóc chó tốt nên từ ngày tổ bắt chó thả rông hoạt động, chưa có con chó nào khi đưa về phường mà bị bệnh".

Theo vị này, có những con chó thả rông bị bắt có giá trị hàng trăm triệu nên rất cần được chăm sóc cẩn thận đến khi chủ vật nuôi lên nhận lại.

Trong ảnh là một chú chó thả rông chạy thoát trước tổ, đội bắt giữ chó. Phía xa, người phụ nữ giải thích, vừa mới thả chó đi vệ sinh, xin đừng bắt. Ảnh: TPO

Bà Phương cho biết: "Thức ăn mua cho những con chó này phải lựa đồ tươi ngon chứ không phải cho ăn bừa bãi. Trung bình 1 con chó bị bắt khi người chủ lên nhận sẽ phải nộp phạt 700 nghìn đồng, mức phạt này phường làm theo quy định của pháp luật.

Theo quy định là xử phạt từ 600-800 nghìn đồng/con nhưng phường xử phạt mức giữa. Có trường hợp chó bắt về sẽ được tìm chủ vật nuôi mới chứ không tiêu hủy hay bán lại.

Thực ra kinh phí để nuôi 1 con chó đến hết đời nó là không có nên phường phải tìm chủ nuôi mới. Nếu chủ nuôi mới nào nhận nuôi thì phải cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ để nhỡ may chủ nuôi cũ đi đâu xa về muốn tìm lại vật nuôi còn có địa chỉ".

Như báo chí đưa tin, từ 5h sáng ngày 29/11, đội bắt chó thả rông thuộc phường Khương Đình đã tập trung tại trụ sở UBND phường rồi tỏa đi khắp các ngõ ngách trên địa bàn phường để bắt những con chó chạy rông không đeo rọ mõm hoặc không có chủ đi cùng.

Để bắt chó, những thành viên trong đội đi xe máy trên các tuyến phố, dùng vợt lưới có cán bằng ống thép, lồng sắt để nhốt chó.

Ông Lê Bá Mão - Đội trưởng đội bắt chó thả rông phường Khương Đình cho biết, việc bắt chó thả rông sẽ được đội thực hiện từ 5h30 - 7h sáng cùng ngày.

Khu vực được chú ý nhiều nhất là cạnh những hồ nước, nơi có nhiều người dân đi tập thể dục. Nhiều người dân phản ánh, khi đi bộ, họ sợ những con chó thả rông, không rọ mõm.

Trước đó, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) Nguyễn Xuân Lưu cho biết, quận này đã ban hành kế hoạch, triển khai mô hình “Bắt chó thả rông phòng trừ bệnh dại”. Quận Thanh Xuân đưa ra phương án, UBND các phường và các tổ dân cư thành lập những đội xung kích và tổ phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh dại và bắt chó thả rông.

Thu Hoài

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/doi-bat-cho-tha-rong-o-ha-noi-phai-hoc-kinh-nghiem-3370119/