Đồng bào Mông Văn Chấn đổi mới tư duy làm kinh tế

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Việc thành lập Tổ hợp tác nuôi cá tầm do Giàng A Vàng ở thôn Sài Lương 2, xã An Lương làm Tổ trưởng đã mở ra một hướng đi mới cho người dân địa phương về một loài vật nuôi có giá trị, lần đầu xuất hiện trên vùng đất này. Tháng 8/2023, sau nhiều lần tìm hiểu và tham quan thực tế tại một số trang trại nuôi cá tầm ở huyện Văn Yên và Mù Cang Chải, chàng thanh niên 28 tuổi Giàng A Vàng đã quyết chí sẽ thuần phục loài cá này.

Vàng chia sẻ: "Em mời thêm chú em góp vốn làm cùng. Mỗi người vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 100 triệu đồng để có vốn đầu tư thêm cơ sở vật chất, con giống, thức ăn chăn nuôi. Chúng em đào 4 ao, mỗi ao rộng gần 30 m2, lót bạt rồi dẫn nước từ con suối gần đó về. Con giống thì em đặt mua ở Sapa (Lào Cai). Lứa đầu, em nuôi 2.000 con nhưng do thiếu kinh nghiệm nên chết gần hết. Lứa đó giờ chỉ còn hơn 20 con cân nặng đã đạt trọng lượng từ 1,2 - 1,6kg. Cá này ngoài chú ý về nguồn nước phải sạch, đủ ôxi thì quan trọng nhất là phòng bệnh. Chúng hay mắc một số bệnh như: nấm, xuất huyết đường ruột nên cần phải tìm hiểu các triệu chứng, thường xuyên quan sát để phòng và điều trị đúng thuốc”.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Vàng mua thêm lứa nữa, cũng 2.000 con về bắt tay nuôi lại. Có kinh nghiệm từ thất bại trước, lứa này đã bước đầu thành công. Hiện, trong 4 ao đã có gần 1.600 con cá tầm sinh trưởng, phát triển tốt, trọng lượng khoảng 8 lạng/con. Vàng cũng đã đặt vấn đề đầu ra với một số trang trại ở xã Nà Hẩu (Văn Yên), Mù Cang Chải và nhận được sự đồng thuận. Dự kiến, vào cuối năm nay, cá tầm sẽ được xuất bán, trừ chi phí Vàng sẽ lãi gần 300 nghìn đồng/con.

Cũng mạnh dạn thay đổi mô hình kinh tế mới, anh Mùa A Chang ở thôn Bu Cao, xã Suối Bu đã đầu tư gần 400 triệu đồng để nuôi thử nghiệm giống cầy hương quý hiếm.

Anh Chang chia sẻ: "2 năm trước, tôi mua 8 con giống cầy hương bố mẹ trị giá gần 300 triệu đồng từ trại giống, có mã số, giấy chứng nhận nguồn gốc. Tôi cũng đã xây dựng chuồng trại đủ tiêu chuẩn, được Chi cục Kiểm lâm tỉnh cấp giấy chứng nhận mã số cho hộ gia đình chăn nuôi cùng nhiều thủ tục giấy tờ đảm bảo để chăn nuôi giống hoang dã này. Hiện, tôi vẫn đang trong quá trình nhân giống, giờ được hơn 20 con rồi. Cầy hương khá dễ nuôi, có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để chăm sóc cũng như tận dụng những củ quả, trái cây tự nhiên làm thức ăn. Đây là sản phẩm được ưa chuộng tại các nhà hàng, quán ăn đặc sản, giá trị kinh tế lại rất cao, khoảng 2 triệu đồng/kg”.

Ở Suối Bu còn có hơn 100 hộ đồng bào người Mông đã và đang mạnh dạn chuyển đổi từ những nương ngô sang trồng tre măng Bát độ, na Đài Loan cũng đã thu hoạch được những "trái ngọt”, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho địa phương.

Còn rất nhiều hộ người Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa hoặc làm du lịch… Đây không chỉ là những mô hình tiên phong, thử nghiệm những cái mới, trở thành nơi cho đồng bào học tập, tham quan mà còn được coi là thành công trong công tác tuyên truyền, vận động cùng những hỗ trợ thiết thực của cấp ủy, chính quyền các cấp. Bởi từ lâu nay, cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào rừng tự nhiên, chỉ làm một vài mảnh ruộng và chăn nuôi con lợn, con gà đủ để phục vụ nhu cầu cuộc sống đã quá phổ biến, ăn sâu thành lối mòn tư duy, nhận thức của đồng bào. Những người mạnh dạn như anh Giàng A Vàng, Mùa A Chang..., sẽ tạo động lực, khuyến khích tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm cho đồng bào các dân tộc vươn lên.

Hoài Anh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/210/321376/dong-bao-mong-van-chan-doi-moi-tu-duy-lam-kinh-te-.aspx