Đồng đô la Mỹ tăng mạnh, gây náo động thị trường toàn cầu

Sức mạnh mới của đồng bạc xanh xuất hiện chỉ một ngày sau khi Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nói rằng sẽ tăng lãi suất vào tháng 3-2022 sắp tới và có thể siết chặt hơn nữa chính sách tiền tệ, giải quyết nạn lạm phát. Tính đến tối qua tại New York, trước phiên giao dịch sáng 28-1 của thị trường châu Á, chỉ số đô la đứng ở mức 97,25, tăng 1,3% trong 24 giờ – mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ tháng 7-2020, gây đợt biến động rộng khắp các thị trường trên thế giới.

Ngân hàng trung ương các nước châu Á và các thị trường mới nổi sẽ theo chân Fed. Tuy vậy, Trung Quốc sẽ đi theo hướng ngược lại để tiếp tục kích thích nền kinh tế.

Chỉ số thị trường chứng khoán Tokyo giám hơn 3%, thị trường ngoại hối ở các nước châu Á trượt đáy thấp nhất trong 15 qua sau khi Fed thông báo tăng lãi suất vào tháng 3. Ảnh: Nikkei Asia

Fed tập trung giải quyết lạm phát

Ông Brent Donnelly, chủ tịch hãng tư vấn ngoại hối Spectra Markets, nói rằng hiện thế giới đang ở trong giai đoạn bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. “Giống như chuyện thả hổ về rừng. Mọi chuyện có thể xảy ra theo trí tưởng tượng phong phú nhất của mọi người”.

Các phát biểu mang thông điệp cứng rắn của Chủ tịch Fed Jerome hôm 26-1 đã làm thị trường chứng khoán châu Á trượt dài trong ngày hôm qua. Tuy vậy, tác động lớn nhất đối với đồng đô la chỉ hiện rõ nhất khi kết thúc phiên giao dịch cuối ngày 27-1 ở Mỹ.

“Đồng đô la rất nhạy cảm với tỷ giá ngắn hạn. Thực tế hiện Fed đã có đến năm lần tăng lãi suất và lãi suất nói chung đang gia tăng. Tý giá đồng đô la so với các loại ngoại tệ chính đang biến động”, một nhà phân tích của tập đoàn tài chính MUFG UFJ Financial của Nhật Bản nhận định.

Lợi suất tín phiếu kho bạc kỳ hạn hai năm cũng đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Điều này phản ánh kỳ vọng của các nhà giao dịch về việc tăng lãi suất mạnh hơn. Chủ tịch Powell sẽ không loại trừ khả năng tăng 50 điểm cơ bản tại một cuộc họp trong tương lai của Fed. Có nghĩa là có sự khác biệt so với các lần tăng 25 điểm cơ bản trước đây như thói quen ưa thích của Fed trong nhiều năm – Nikkei Asia bình luận.

Các thị trường đã dự đoán việc tăng lãi suất. Nhưng nhiều nhà đầu tư không mong đợi một giọng điệu “diều hâu” như của Chủ tịch Powell báo hiệu một giai đoạn mới của chính sách tiền tệ. Theo đó, Fed cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ ở trong tình trạng lành mạnh hơn, thị trường lao động dồi dào việc hơn và lạm phát sẽ dai dẳng hơn so với suy nghĩ trước đây.

“Rõ ràng là Fed đang theo dõi sát sao tình hình dịch và tất cả chúng ta đều biết Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Nhưng Fed không coi đó là nguồn cơn rủi ro cho nền kinh tế như trước đây”, nhà phân tích MUFG nói.

Áp lực bán tháo đã xuất hiện trở lại trên thị trường chứng khoán Mỹ vào cuối ngày hôm qua, đặc biệt là đối với các cổ phiếu công nghệ vốn có mức định giá được củng cổ bởi lãi suất thấp.

Động thái của Fed là một phần của xu hướng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu khi các ngân hàng trung ương cố gắng ngăn chặn lạm phát và các nền kinh tế trở nên ít bị tác động xấu của Covid. Singapore bất ngờ thắt chặt chính sách tiền tệ hôm 25-1. Ngân hàng Trung ương Anh dự kiến sẽ tăng lãi suất vào tuần tới và đây là lần tăng thứ hai trong vòng hai tháng.

Trung Quốc sẽ không đồng ca với Fed

Fed dự kiến sẽ tiến xa hơn và nhanh hơn các ngân hàng trung ương ở châu Á và các thị trường mới nổi nói chung. Tuy nhiên, Trung Quốc đã đưa ra tín hiệu về một chính sách tiền tệ nới lỏng hơn trong bối cảnh thị trường bất động sản của nước này suy thoái.

Jonas Goltermann, nhà kinh tế thị trường cấp cao tại Capital Economics, viết: “Điều này báo hiệu cho chúng ta rằng lợi suất ở Mỹ theo thời gian nói chung sẽ tăng nhiều hơn lợi suất hơn ở các thị trường mới nổi, tạo áp lực đáng kể với các đồng nội tệ của những thị trường này”.

Tại Mỹ, sự kết hợp giữa các yếu tố như giá năng lượng và thực phẩm cao, nguồn cung thiếu hụt và giá thuê nhà tăng đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng lên 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường hiện xem đợt tăng lãi suất đầu tiên của Fed vào tháng 3 là gần chắc chắn – từ giọng điệu diều hâu của Chủ tịch Jerome Powell. Bloomberg Economics dự báo sẽ có thể thêm bốn đợt tăng lãi suất trong năm nay, cũng như việc thúc đẩy mua lại tài sản.

Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBOC) đang theo hướng ngược lại. Việc cắt giảm 10 điểm cơ bản trong chi phí đi vay vào tuần trước và cam kết sử dụng các công cụ bổ sung là một tín hiệu rõ ràng cho thấy ưu tiên đã chuyển khỏi kiềm chế rủi ro tài chính. PBOC đang muốn hướng tới hỗ trợ tăng trưởng.

Hãng Bloomberg nhận định rằng: “Rõ ràng Mỹ và Trung Quốc có hai hướng đi ngược nhau trong các chính sách tiền tệ để giúp hai nền kinh tế khổng lồ này hồi phục, làm đầu kéo cho nền kinh tế thế giới”.

Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBOC) sẽ đưa ra các chính sách “tiếp tục nới lỏng” nhằm bảo vệ động cơ tăng trưởng lớn nhất thế giới khỏi các tác động tiêu cực với nền kinh tế, bao gồm: tình trạng trì trệ ở mảng bất động sản với các quả bom nợ như Evergrande gây ra, các đợt phong tỏa chống chủng Omicron và chi phí vay nợ toàn cầu gia tăng do Fed siết chặt chính sách.

Được giao nhiệm vụ ngăn chận tình trạng thất nghiệp gia tăng, gây mất ổn định và các khối nợ khổng lồ đang phình to, Thống đốc PBoC Dịch Cương được trao thêm nhiều quyền lực mới. Ngay cả khi Fed đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2018, ngân hàng trung ương Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của Thống đốc Dịch Cương đã được quyền tự chủ đi theo hướng khác.

Năm 2020, lúc dịch mới bùng và khi các nền kinh tế phương Tây đồng loạt đưa ra nhiều gói kích thích cùng lúc, PBOC nhận thấy rằng giá tiêu dùng không ổn định và là cơ hội để sử dụng các công cụ chính sách. PBOC đã kê đến “ba toa thuốc” cùng lúc: tăng các khoản vay hay hỗ trợ, giảm chi phí cho vay và duy trì đồng nội tệ yếu hoặc khả năng phá giá hơn nữa đồng nhân dân tệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu. PBOC đã giảm lãi suất một lần và các nhà phân tích nói rằng “họ sẵn sàng sẽ làm điều này nhiều lần nữa”.

Theo suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, phần thưởng cho các gói kích thích thành công sẽ rất nhỏ – bởi nó nghiêng về ngăn cản đà tăng trưởng tiếp tục trượt dài hơn là thúc đẩy sự tăng tốc mới. Và các lỗi chính sách trong quá khứ – cho phép bong bóng nợ mở rộng đến quy mô khổng lồ – làm tăng thêm rủi ro cho triển vọng của nền kinh tế và hạn chế quyền hạn của PBOC.

Tuy nhiên, nếu PBOC làm được, tác động từ chính sách của PBOC sẽ bù đắp cho các tác động tiêu cực với tăng trưởng toàn cầu từ chính sách siết chặt nới lỏng định lượng của Mỹ. Các dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy Trung Quốc sẽ đóng góp hơn 25% tổng mức tăng GDP toàn cầu trong giai đoạn 2022-2026, vượt quá tỷ lệ 19% của Mỹ.

Các nước giao thương nhiều với Trung Quốc – chẳng hạn các nước xuất khẩu hàng hóa ở Úc và Hàn Quốc hay các nước châu Á – sẽ thở phào nhẹ nhõm nhất nếu nỗ lực ổn định thành công. Các quốc gia có quan hệ yếu hơn với Trung Quốc nhưng chịu nhiều rủi ro hơn khi Fed thắt chặt – như Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ – có ít lợi ích hơn.

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dong-do-la-my-tang-manh-gay-nao-dong-thi-truong-toan-cau/