Du lịch Hà Nội hút khách đầu năm mới

Cùng với thời tiết thuận lợi, sự chuẩn bị kỹ càng từ các đơn vị quản lý, các khu, điểm du lịch trên địa bàn Hà Nội thu hút đông đảo du khách trong nước và nước ngoài trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Tăng cường ứng dụng công nghệ và các hoạt động văn hóa hấp dẫn

Phục vụ gần như xuyên Tết (chỉ đóng cửa chiều 30 Tết), những ngày này, Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn là một trong những địa điểm được nhiều du khách trong nước và nước ngoài lựa chọn nhất khi du xuân tại Thủ đô Hà Nội. Mặc dù là một trong những đơn vị di tích được đánh giá cao trong ứng dụng công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan nhưng những ngày qua, nhân lực tại nhiều bộ phận của di tích liên tục được tăng cường để hỗ trợ bộ phận đón tiếp, phục vụ du khách.

Cùng với Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024, không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám lung linh mà đậm chất văn hóa truyền thống với hàng loạt hoạt động hấp dẫn: Tái hiện không gian giáo dục thi cử truyền thống, triển lãm các tác phẩm thư pháp, biểu diễn ca trù, quan họ, hát chèo, hát xẩm, chầu, múa rối nước, múa lân sư rồng…

Các điểm di tích nổi tiếng ở Hà Nội thu hút đông đảo khách du xuân.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ông Lê Xuân Kiêu cho biết, để tạo nên “Con đường chữ” tại triển lãm thư pháp, Trung tâm đã thiết kế 9 hàng cột đôi. Chữ viết trên mỗi trụ cột đều ghi chép, viết lại các nội dung kinh điển của nho giáo, khoa cử ngày xưa mà bao đời sĩ tử phải dùi mài mong có ngày ứng thí. Ban tổ chức đặc biệt kết hợp ánh sáng với chữ để sắp đặt nhằm tạo nên những ấn tượng nghệ thuật thị giác mà chỉ có ánh sáng mới thể hiện được khi kết hợp với thư pháp.

Khách du xuân tại Hà Nội trong những ngày nghỉ Tết còn có rất nhiều lựa chọn với rất nhiều hoạt động sôi động, hấp dẫn xuyên Tết tại nhiều khu, điểm du lịch khác. Đặc biệt, lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội “Rực rỡ Thăng Long” với màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật bằng 2.024 thiết bị bay không người lái (drones) đúng đêm 30 Tết tại khu vực hồ Tây đã thu hút đông đảo người dân và du khách.

Tại Hoàng thành Thăng Long, không khí vui tươi ngày Tết ngập tràn với các không gian trưng bày phong tục Tết Nguyên đán dân gian truyền thống và nghi lễ Tết cung đình. Tại đây, lần đầu tiên một nghi lễ Tết cung đình được tái hiện dưới hình thức phim trình chiếu 3D “Lễ Chính đán thời Lê”. Sự kết hợp giữa âm thanh, ánh sáng và nhịp điệu câu chuyện... đưa khán giả hòa mình vào không khí tôn nghiêm và độc đáo của lễ Chính đán nơi cung đình xưa với các nghi thức tưởng chừng chỉ thấy đâu đó trong các tài liệu nghiên cứu.

Đây cũng là lần đầu tiên, du khách đến Hoàng thành Thăng Long được sử dụng hệ thống hướng dẫn thuyết minh tự động (auto guide). Với công nghệ này, hướng dẫn viên có thể điều hành một hay hai tour cùng lúc trong không gian lớn của khu di sản hay các nhà trưng bày mà hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến những đoàn xung quanh như loại loa truyền thống với âm lượng lớn đang được các đoàn tham quan hay dùng. Việc sử dụng tai nghe thuyết minh còn giúp du khách cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị khu di sản.

Ứng dụng công nghệ không chỉ giúp nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn hơn mà còn hỗ trợ tích cực cho công tác tổ chức đón tiếp tại nhiều điểm di tích tại Hà Nội trong mùa lễ hội năm nay. Dễ nhận thấy nhất là việc áp dụng thu vé điện tử đối với khách gửi xe khi đến phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh… Theo ghi nhận của chúng tôi, với hình thức thu tiền vé điện tử, nhân viên trông giữ xe khó có cơ hội tăng tùy tiện. Mặc dù nhiều điểm di tích vẫn có tình trạng ùn ứ tại các điểm giữ xe vào những giờ cao điểm nhưng không xảy ra tình trạng lộn xộn, “chặt chém” du khách như một số năm trước đó.

Khách trong nước và quốc tế đều tăng cao

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, trong 7 ngày nghỉ Tết (từ 8 – 14/2), Thủ đô Hà Nội ước đón 653.000 lượt khách, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh (tăng 2,2 lần so với cùng kỳ 2023), ước đạt gần 103.000 lượt khách. Khách du lịch nội địa tăng khá (tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023), ước đạt 550.000 lượt khách. Công suất bình quân khối khách sạn ước đạt 59,6%, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2,35 nghìn tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2023. Số liệu cung cấp từ các điểm đến di tích, bảo tàng, công viên, khu sinh thái, nghỉ dưỡng du lịch trên địa bàn cũng cho thấy lượng khách rất cao.

Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn đón 80.600 lượt khách, tính riêng ngày 13/2 (mồng 4 Tết) đón 35.000 lượt khách. Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón hơn 106.000 lượt khách; Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long đón hơn 48.700 lượt khách. Khu di tích Cổ Loa đón 25.000 lượt khách. Điểm du lịch làng cổ Đường Lâm đón khoảng 15.000 lượt khách. Điểm Chùa Tây Phương đón trên 32.000 lượt khách. Điểm Đền Hai Bà Trưng đón 16.000 lượt khách. Điểm di tích Nhà Tù Hỏa Lò đón 13.000 lượt khách. Khu di tích Thành Cổ Sơn Tây và phố đi bộ đón khoảng 25.000 lượt khách. Vườn Thú Hà Nội đón 31.143 lượt khách. Vườn Quốc gia Ba Vì đón 10.391 lượt khách. 3 điểm du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm: Bát Tràng, Dương Xá, Phù Đổng đón 18.500 lượt khách…

Đoàn Kiểm tra của Sở Du lịch Hà Nội đã tiến hành kiểm tra tại một số điểm đến du lịch tập trung đông khách du lịch trên địa bàn thành phố như di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm di sản Hoàng thành Thăng Long, khu vực Đền Ngọc Sơn và xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Tại thời điểm kiểm tra, các cơ quan, đơn vị tổ chức, quản lý tại các điểm đến đều tập trung tăng cường cơ sở vật chất, công tác tổ chức đón tiếp khách du lịch, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, sẵn sàng phục vụ khách du lịch. Việc trông giữ xe ôtô, xe máy, xe đạp được bố trí tại khu vực riêng, giảm thiểu tối đa việc gây cản trở giao thông, không xuất hiện hàng rong, ăn xin, chèo kéo khách.

N.Nguyễn – N.Bình

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/du-lich-ha-noi-hut-khach-dau-nam-moi-i722727/