Dự thảo chính sách tiếp sức đến trường cho học sinh vùng khó

Dự thảo nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách được kỳ vọng sẽ là 'điểm tựa' tiếp sức cho học sinh vùng khó có thêm trợ lực để yên tâm đến trường.

Cô và trò khu lẻ, Trường Mầm non Xuân Cẩm (Thường Xuân) trong giờ học.

Trường Mầm non Xuân Cẩm (Thường Xuân) hiện có 1 khu chính và 1 khu lẻ với tổng số 246 học sinh. Cô Lang Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Cẩm cho biết: Tại khu lẻ hiện có 79 học sinh, trong đó, có 12 học sinh mẫu giáo thuộc diện hộ nghèo và học sinh thuộc vùng đặc biệt khó khăn (xã Xuân Cẩm hiện còn thôn Xuân Tiến 2 là thôn đặc biệt khó khăn). Theo quy định tại Nghị định 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, các cháu hiện đang được hưởng mức hỗ trợ chi phí học tập là 150.000 đồng/trẻ/tháng và hỗ trợ ăn trưa là 160.000 đồng/trẻ/tháng. Theo dự thảo nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách mức hỗ trợ trẻ em nhà trẻ bán trú tiền ăn bữa chính, phụ mỗi trẻ 360.000 đồng/tháng chắc chắn sẽ giúp nâng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, đồng thời tạo điều kiện tốt hơn cho nhà trường trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

“Tôi rất mong nghị định này sớm được áp dụng để các em học sinh vùng đặc biệt khó khăn được cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm thiểu nguy cơ học sinh nghỉ học giữa chừng” – cô Lương Thị Hoa cho biết thêm.

Theo dự thảo nghị định mới, mức hỗ trợ trẻ em nhà trẻ bán trú tiền ăn bữa chính, phụ mỗi trẻ 360.000 đồng/tháng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

Học sinh và học viên bán trú, hỗ trợ tiền ăn tháng là 900.000 đồng, được hưởng không quá 9 tháng/năm học; tiền nhà ở là 360.000 đồng; hỗ trợ mỗi tháng 15kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học; học sinh, học viên năm cuối cấp THPT không quá 10 tháng/năm học; học sinh bán trú có học tăng cường tiếng Việt trước khi vào học lớp 1 thì được hưởng thêm 1 tháng.

Chính sách đối với học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị đại học đạt danh hiệu “Học sinh xuất sắc” được thưởng 800.000 đồng, danh hiệu “Học sinh giỏi” được thưởng 600.000 đồng; mỗi cấp học, được cấp chăn, màn và các đồ dùng cá nhân khác với mức kinh phí là 1.080.000 đồng/học sinh; một năm được cấp 2 bộ quần áo đồng phục và học phẩm với mức kinh phí là 1.080.000 đồng/học sinh; hỗ trợ 15kg gạo/tháng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

Học sinh năm cuối cấp THPT được hưởng đến tháng thi tốt nghiệp nhưng không quá 10 tháng/năm học. Tiền tàu xe, được cấp hai lần mỗi năm học vào dịp Tết Nguyên đán và nghỉ hè (cả lượt đi và lượt về).

Trường PT DTNT THCS Ngọc Lặc hiện có 191 học sinh, cô Bùi Thị Cay, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Việc tăng chế độ cho học sinh vùng khó theo dự thảo nghị định mới thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đời sống học sinh, học viên vùng đồng bào DTTS và miền núi, bãi ngang, ven biển và hải đảo... Đây không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất mà còn là sự hỗ trợ về tinh thần, giúp các em học sinh yên tâm đến trường, nỗ lực phấn đấu, học tập vì ngày mai tươi sáng hơn.

Những năm qua, các chế độ, chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho các em học sinh vùng khó đã tạo điều kiện rất lớn cho các em học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, hỗ trợ các nhà trường làm tốt hơn công tác huy động học sinh ra lớp và giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng... Do đó, những điều chỉnh từ dự thảo nghị định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu được thông qua sẽ là điểm tựa để học sinh vùng khó yên tâm đến trường.

Bài và ảnh: Linh Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/du-thao-chinh-sach-tiep-suc-den-truong-cho-hoc-sinh-vung-kho/203531.htm