Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86: 6 lần trình Chính phủ vẫn chưa được thông qua

Mặc dù Bộ GTVT có tới 26 tháng soạn thảo Dự thảo Nghị định (Dự thảo) và được rất nhiều doanh nghiệp, hiệp hội vận tải, báo chí, chuyên gia về GTVT đóng góp ý kiến xây dựng nhưng sau 5 lần tiếp thu, chỉnh sửa, Dự thảo lần thứ 6 về 'kinh doanh và điều kiện kinh doạnh vận tải bằng xe ôtô' ban hành ngày 3.10.2018 vẫn còn khá nhiều bất cập. Theo đó, nếu không thể xử lý được, nạn 'xe dù', 'bến cóc' và xe hoạt động 'trá hình' vẫn có thể 'lách luật' trốn thuế.

Nhà xe Đoàn Xuân biến khu vực đường Nguyễn Xiển (Hà Nội) thành “bến cóc” của riêng mình. Ảnh: CTV

Ngại áp dụng công nghệ 4.0

Theo ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam: Về cơ bản, Nghị định thay thế Nghị định 86 mà Bộ GTVT vừa trình Chính phủ đã tiếp thu các ý kiến của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các chuyên gia trên lĩnh vực GTVT. Tuy nhiên, việc tiếp thu vẫn chưa đầy đủ, thậm chí nhiều điểm có thể nói là “tiếp thu nửa vời”, mà nếu không kịp thời bịt “lỗ hổng” đó trong Dự thảo Nghị định, nó sẽ tiếp tục tạo khe hở để các doanh nghiệp “lách luật”, kinh doanh không lành mạnh, phá vỡ quy hoạch luồng tuyến vận tải cũng như trốn thuế.

Cụ thể, Luật Giao thông đường bộ quy định có 5 loại hình vận tải, cần áp dụng công nghệ đối với cả 5 loại hình này để quản lý một cách hiệu quả. Nhưng thực tế, Dự thảo Nghị định 86 hiện nay chỉ quy định việc áp dụng đối với 2 loại hình vận tải là xe hợp đồng và xe du lịch. Đây là điều không hợp lý, thiếu công bằng, trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng công nghệ 4.0.

Thực tế chứng minh, do nước ta chưa áp dụng phần mềm quản lý vận tải tự động nên các lực lượng chức năng không thể kiểm tra, giám sát, xử lý được các vi phạm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải và người lái xe cũng không tự giác chấp hành pháp luật, thậm chí có tình trạng tiêu cực, “bảo kê” cho vi phạm, hoạt động nhập nhèm nhằm thu lời bất chính, gây mất an toàn giao thông. Rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra do phương tiện và người lái xe không chấp hành nghiêm pháp luật, mà điển hình là vụ xe chở khách hoạt động “chui”, gây tai nạn làm 13 người thiệt mạng tại tỉnh Quảng Nam vào tháng 7.2018.

Mặt khác, quản lý bằng công nghệ là điều kiện tiên quyết để gỡ bỏ rất nhiều thủ tục, điều kiện kinh doanh vận tải, đón đầu và bắt nhịp với cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời bảo đảm phù hợp và đồng bộ với công tác quản lý của các ngành khác như thuế, thương mại điện tử. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã cử các đoàn cán bộ đi nghiên cứu, học tập việc áp dụng công nghệ vào hoạt động vận tải ở nước ngoài, nhưng không hiểu sao khi về Việt Nam, đoàn công tác được cử đi học tập lại ngại áp dụng những tiến bộ đó vào Dự thảo Nghị định. Dư luận đặt câu hỏi, liệu “nhà chức trách” có cố tình tạo kẽ hở trong xây dựng chính sách vì lợi ích nhóm(?).

Chưa phù hợp với thực tế

Cũng theo ông Nguyễn Công Hùng, tại điểm b, khoản 5, điều 3 Dự thảo quy định “tuyến xe buýt liên tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trở lên”. Quy định này không đúng bản chất loại hình xe buýt, vì đặc thù xe buýt có điểm dừng đỗ dày (từ 500m đến 1.000m), nếu chạy qua nhiều tỉnh, thành phố (đặc biệt là có lộ trình trên đường cao tốc) thì sẽ phức tạp cho việc bố trí điểm dừng đỗ và tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông.

Mặt khác, quy định như Dự thảo Nghị định hiện nay thì xe buýt liên tỉnh có thể chạy từ Bắc vào Nam và chạy khắp cả nước. Như vậy, các nhà xe có thể vô tư “lách luật” bằng cách đăng ký hoạt động xe buýt, không phải vào bến, để thoải mái đón khách dọc đường. Nếu như vậy, tình trạng “xe dù, bến cóc” sẽ càng nhức nhối hơn. Chính vì thế, nên chăng quy định các tuyến buýt có cự ly dưới 100km, nếu có lộ trình đi qua các tỉnh, thành phố khác nhau. Còn trong nội tỉnh thì không hạn chế cự ly, điều đó cũng phù hợp với chỉ đạo tại Thông báo số 242/TB-VPCP, do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ký.

Thêm một điểm nữa trong Dự thảo Nghị định chưa thực sự hợp lý, đó là khoản 2, điều 13, trong đó nêu: “Trước ngày 1.7.2020, xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ ngồi (kể cả người lái) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong suốt quá trình điều khiển phương tiện tối thiểu 3 ngày”. Quy định này chỉ mang tính chất quản lý nội bộ của doanh nghiệp, không đảm bảo sự liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Cần thiết phải quy định thêm việc chuyển dữ liệu về cho cơ quan quản lý nhà nước mới thể hiện được vai trò quản lý, giám sát của nhà nước, bởi dữ liệu chỉ lưu trữ trong 3 ngày, nếu không chuyển về cơ quan quản lý nhà nước thì chỉ khi thanh tra mới phát hiện được sai phạm và thậm chí khó có thể phát hiện nếu doanh nghiệp tác động vào phần mềm. Hơn nữa nếu một doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc thì việc truyền tải dữ liệu về Sở GTVT sẽ là sự kết hợp tốt giữa Thanh tra Sở GTVT với đội an toàn giao thông của doanh nghiệp, giúp can thiệp kịp thời khi lái xe gặp sự cố và cũng là để xử lý kịp thời với lái xe vi phạm, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, cụm từ “lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe” trong dự thảo cũng cần bổ sung thành “lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe và hành khách trên xe”, bởi chỉ có vậy phòng chống được tình trạng nhồi nhét khách, tùy tiện bắt khách dọc đường, xe hợp đồng và xe du lịch nhưng “trá hình” chở khách tuyến cố định, đồng thời quản lý được những vi phạm đe dọa an toàn giao thông của hành khách.

TIẾN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/du-thao-nghi-dinh-thay-the-nghi-dinh-86-6-lan-trinh-chinh-phu-van-chua-duoc-thong-qua-636903.ldo