Đưa Luật Biên phòng Việt Nam đi vào cuộc sống

Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 11/11/2020 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Đồng chí Tiêu Hồng Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bình Thuận đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Biên phòng về việc HĐND tỉnh tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa Luật Biên phòng Việt Nam đi vào cuộc sống.

Đồng chí Tiêu Hồng Phúc. Ảnh: Văn Chương

- Thưa đồng chí, Bình Thuận là địa phương có chiều dài bờ biển 192km, gần gấp đôi nhiều tỉnh, thành ven biển khác, số lượng tàu cá lên tới 7.545 tàu. Đề nghị đồng chí chia sẻ quan điểm của HĐND tỉnh về tầm quan trọng của công tác biên phòng tại địa phương?

- Tại điểm a, Khoản 1, Điều 33 Luật Biên phòng Việt Nam nêu rõ: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, HĐND các cấp nơi có biên giới quốc gia có trách nhiệm quyết định chủ trương, biện pháp, huy động các nguồn lực bảo đảm thực thi nhiệm vụ biên phòng phù hợp với Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh”.

HĐND các cấp tập trung và huy động các nguồn lực xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh ở địa phương; thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”; thực hiện chính sách hậu phương quân đội.

Có thể nói, công tác biên phòng là một trong những nội dung quan trọng trong nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương và là một trong những nội dung trọng tâm của xây dựng khu vực phòng thủ và chiến lược bảo vệ Tổ quốc tại địa phương. Đối với Bình Thuận, công tác biên phòng rất quan trọng vì địa phương có biên giới biển và đảo tiền tiêu Phú Quý. Vì vậy, vấn đề xây dựng BĐBP Bình Thuận vững mạnh, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm.

- Sau khi Luật Biên phòng Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, HĐND tỉnh đã có giải pháp cụ thể nào nhằm góp phần thúc đẩy, đưa Luật Biên phòng Việt Nam đi vào cuộc sống?

- Tại điểm a, Khoản 2, Điều 33 của Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 nêu rõ: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, UBND các cấp nơi có biên giới quốc gia thực hiện quản lý Nhà nước về biên phòng có trách nhiệm: Lập dự toán ngân sách trình HĐND cùng cấp bảo đảm thực thi nhiệm vụ biên phòng và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách ở địa phương”.

Trước khi Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 có hiệu lực thi hành, hàng năm, trên cơ sở dự toán của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh được cơ quan tài chính cùng cấp ủy thống nhất tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định, thì kinh phí được thông qua trong nghị quyết thu, chi ngân sách của địa phương. Từ năm 2018 đến năm 2022, thông qua nghị quyết, HĐND tỉnh đã chi cho BĐBP Bình Thuận kinh phí từ 21,380 tỷ đồng tăng lên 27 tỷ đồng. Thực tế, năm 2022, tình hình thu ngân sách của tỉnh Bình Thuận không tăng so với năm 2021, nhưng HĐND tỉnh vẫn nâng ngân sách hỗ trợ cho BĐBP Bình Thuận.

Cán bộ BĐBP và lực lượng Kiểm ngư tỉnh Bình Thuận tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân địa phương. Ảnh: Văn Chương

- Thưa đồng chí, tại điểm c, khoản 1, Điều 33 Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 đề cập việc: “HĐND giám sát việc thực hiện pháp luật biên phòng ở địa phương”. Vậy, HĐND tỉnh sẽ triển khai như thế nào để góp phần thúc đẩy các ban, ngành, tổ chức đoàn thể cùng đồng hành, xây dựng khu vực biên phòng ngày càng vững mạnh?

- Từ khi Luật Biên phòng Việt Nam có hiệu lực đến nay, mặc dù HĐND tỉnh chưa thực hiện cuộc giám sát chuyên đề về thực hiện Luật Biên phòng Việt Nam ở địa phương, tuy nhiên, trong Nghị quyết về Chương trình giám sát của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh hàng năm đều có xem xét, giám sát báo cáo kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng, hàng năm của UBND tỉnh, làm cơ sở đảm bảo cho HĐND tỉnh ban hành nghị quyết nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh phù hợp với thực tiễn địa phương và có tính khả thi cao.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh tổ chức nhiều cuộc giám sát về các nội dung góp phần thực hiện Luật Biên phòng Việt Nam như: Giám sát thu, chi ngân sách địa phương, giám sát về đầu tư công, về thu hút đầu tư dự án ngoài ngân sách…

Vừa qua, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã giám sát việc thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trên một số lĩnh vực, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực khoáng sản, phòng chống tệ nạn xã hội, buôn bán hàng giả, hàng cấm và giám sát công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh đối với các đồn Biên phòng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh. Từ kết quả giám sát, chúng tôi đã kiến nghị khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, chức năng của BĐBP.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Lê Văn Chương (Thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dua-luat-bien-phong-viet-nam-di-vao-cuoc-song-post459752.html