Đừng biến con cưng thành con hư

Ngay từ lúc vài tháng tuổi, trẻ được nuông chiều quá mức đã bắt đầu có những biểu hiện khác thường. Cha mẹ cần nắm bắt ngay các dấu hiệu và nhanh chóng điều chỉnh hành vi. Đừng để đến mức trẻ càng lớn càng khó dạy.

Dấu hiệu sớm nhất nhận biết “trẻ hư”

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, khi mới sinh ra, tuy ý thức chưa hình thành rõ ràng nhưng trẻ đã có thể cảm nhận được tình yêu thương người khác dành cho mình. Từ những nhận thức sơ khai đó, trẻ bắt đầu thiết lập những hành vi theo thói quen như chỉ đòi cha, hoặc mẹ ẵm bồng, thiếu hơi mẹ là không ngủ được v.v…

Đa phần người lớn thường coi thường sự nhận biết của trẻ. Đối với các gia đình khá giả hay chỉ có con một, thường lấy lý do “nó còn nhỏ biết gì” để nuông chiều, bảo bọc, bênh vực quá mức. Hậu quả là trẻ nghĩ mình muốn gì, làm gì cũng được nên trở thành người chỉ huy, ra lệnh cho tất cả mọi người. Dần dà, từ con cưng biến thành con hư, khiến ai cũng mệt mỏi.

Để không phải hằng ngày đau đầu vì con hư, cha mẹ cần nhận biết các dấu hiệu từ rất sớm. Khi trẻ vài tháng tuổi, thường biểu hiện bằng cách gào khóc vô tội vạ, tuy không đau đớn hay khó chịu, dỗ đủ mọi cách trẻ vẫn không nín. Giấc ngủ bất thường, ngủ không sâu, khó rèn ngủ đúng giờ. Nếu nghĩ trẻ còn nhỏ, chiều theo thói quen của trẻ, sau này cha mẹ sẽ càng vất vả hơn.

Để tránh trường hợp con cưng trở thành con hư, cha mẹ nên bắt đầu giáo dục từ nhỏ

Khoảng từ 1 tuổi đến 3 tuổi, trẻ được nuông chiều sinh hư thường biếng ăn, không chịu nhai, khóc lóc khi ăn, thường nôn ói không lý do. Trẻ thích tiểu tiêu bừa bãi, dù đã được chỉ dạy. Đặc biệt là những cơn giận bột phát khi không vừa ý.

Từ 3 tuổi, trẻ hư đã bắt đầu biết giả bộ đau đớn để buộc người lớn phải quan tâm, nhiều hơn. Phổ biến nhất là than đau bụng khi không muốn làm gì đó như đi nhà trẻ, dọn đồ chơi v.v… Khi cảm thấy khóc không có tác dụng, trẻ hư sẽ kèm theo những cơn ho. Đây là những tiền đề hình thành tật xấu nói dối sau này.

Sau 3 tuổi, trẻ hư thường vòi vĩnh đồ chơi mới, cố tình đập phá đồ chơi. Thích đổ lỗi cho người khác, khi bị xử phạt thường chống đối gay gắt, tìm mọi cách để người khác bênh vực mình. Dễ nổi giận hoặc trở nên tăng động, vui buồn thất thường.

Uốn nắn hành vi từ khi còn rất nhỏ

Trẻ được nuông chiều quá mức mà không kịp thời uốn nắn sẽ dẫn đến những hậu quả rất đáng tiếc như: trưởng thành giả tạo, nói dối, hay đổ lỗi. Thường xuyên khiêu khích cho người lớn giận dữ, nghịch phá những trò gây hại cho bản thân và cho người khác.

Để tránh trường hợp con cưng trở thành con hư, cha mẹ nên bắt đầu giáo dục từ nhỏ. Thống nhất cách giáo dục giữa các thành viên trong gia đình. Khi con mắc lỗi, cách tốt nhất để dạy dỗ là “một đối một”, tuyệt đối không được để trẻ mất tập trung, quen thói cầu cứu hay để người khác dễ dàng can thiệp.

Khi trẻ đòi hỏi quá đáng, phụ huynh cần kiên định “ngó lơ”, dạy trẻ có lúc phải chấp nhận thất bại hoặc ấm ức. Khi trẻ vô lễ, đập phá, kêu gào… cần phạt ngay lập tức, không cần năn nỉ giải thích dài dòng. Ví dụ như đập phá đồ chơi phải tự sửa (cha mẹ có thể ở bên cạnh giám sát và hướng dẫn), vô lễ phải xin lỗi cùng với úp mặt vô tường, ngưng giao tiếp trong một thời gian nhất định. Sau khi trẻ chấp hành hình phạt xong, bình tĩnh hơn, cha mẹ có thể nhẹ nhàng giải thích, phân tích.

Trẻ hư tuy do giáo dục, không phải bệnh, nhưng nếu không dạy dỗ kịp thời, khi lớn lên sẽ thật sự hình thành các bệnh tâm lý nguy hiểm

Một số phụ huynh thường mắc sai lầm trong việc muốn trở thành bạn của trẻ rồi vô tình đặt trẻ ngang hàng với người lớn. Điều này rất nguy hiểm vì khi trẻ có biểu hiện hư hỏng, trẻ sẽ không nghe lời bất kì ai, thậm chí còn cho rằng mình ưu việt và quyền lực hơn người lớn một bậc. Làm bạn của trẻ nghĩa là cùng chơi, lắng nghe thấu hiểu tâm sự của trẻ nhưng khi cần vẫn phải nghiêm khắc, phân rõ thứ bậc trong gia đình.

Trẻ hư tuy do giáo dục, không phải bệnh, nhưng nếu không dạy dỗ kịp thời, khi lớn lên sẽ thật sự hình thành các bệnh tâm lý nguy hiểm như hoang tưởng, xu hướng bạo lực với bản thân, với kẻ yếu, dễ mắc bệnh trầm cảm, rối loạn hành vi. Thậm chí bất cần, sa đà vào các hoạt động phạm pháp. Vì vậy, cha mẹ cần yêu thương, chiều chuộng con đúng cách để không phải gặp những trường hợp đáng tiếc.

HẠ VŨ

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/dung-bien-con-cung-thanh-con-hu-15337.html