Dùng cỏ dại chọn lọc làm 'máy cày sinh học'

Cỏ dại từng được xem là đối tượng gây hại, cạnh tranh chất dinh dưỡng và nước tưới với cây trồng chính. Nay quan điểm đó đã bắt đầu thay đổi khi cỏ dại chọn lọc đem lại hiệu quả trong quá trình sản xuất trên vùng cây ăn quả. Dự án mô hình 'Thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP' do nguồn vốn Khuyến nông Trung ương tài trợ cho các hộ tại huyện Mai Sơn và Thuận Châu đã góp phần thay đổi nhận thức về cỏ dại, đem lại những lợi ích thiết thực trong sản xuất an toàn, bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Mô hình trồng xoài xen cây họ đậu của anh Nguyễn Văn Huy, thôn Đoàn Kết, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn.

Cùng anh Nguyễn Thành Đô, bản Phát, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, đi thăm vườn xoài rộng 5.000 m², thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình, thấy có nhiều cỏ phát triển tự nhiên, xanh tốt dưới tán xoài lâu năm. Như đoán được suy nghĩ của chúng tôi, anh Đô lý giải: Trước đây, tôi cũng cho rằng, cần phải làm sạch cỏ để không cạnh tranh chất dinh dưỡng, nước tưới với cây trồng chính. Để kiểm soát không cho cỏ dại phát triển, tôi thậm chí còn sử dụng thuốc diệt cỏ để triệt tiêu. Quan điểm này chỉ được thay đổi khi tôi tham gia Dự án mô hình thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, được cán bộ khuyến nông tỉnh hướng dẫn cách chọn lọc giống, quản lý cỏ dại. Ban đầu việc lựa chọn và nhân giống tự nhiên gặp nhiều khó khăn, tôi tốn công làm cỏ thường xuyên để loại bỏ những giống cỏ ít sinh khối như cỏ màn trầu, cỏ gấu, chỉ giữ lại cây tàu bay, cây tầm bóp... Sau 3 năm áp dụng phương pháp sản xuất cộng sinh, quản lý cỏ dại, điều dễ nhận thấy đất được cải tạo tơi xốp hơn, không bị sói mòn, rửa trôi, luôn giữ độ ẩm nhất định cho vườn cây ăn quả, mỗi vòng đời phát triển cỏ được cắt để hoai mục tự nhiên, cung cấp mùn hữu cơ và chất đạm cho cây trồng.

Còn hộ anh Nguyễn Văn Huy, thôn Đoàn Kết, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn có 2 ha trồng xoài, dưới tán cây ăn quả vườn, anh Huy cũng lựa chọn các giống cây để cải tạo đất, tăng thu nhập. Anh Huy cho biết: Gia đình tôi lựa chọn các giống cây ngắn ngày, có khả năng cố định đạm nhiều sinh khối để trồng xen dưới tán xoài như: Các cây họ đậu, lạc, bí đỏ... Sau thu hoạch cây, lá, rễ của các loại cây trồng ngắn ngày này sẽ được hoai mục trong tự nhiên mà không xử lý ủ hoai như các loại phân gia súc, đại gia súc khác, giúp người sản xuất tiết kiệm chi phí đầu vào, tạo nguồn thu nhập tăng thêm sau khi trừ chi phí được khoảng 25 triệu đồng/năm/ha. Điều quan trọng, đây là quy trình sản xuất khép kín tự nhiên, theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường.

Không chỉ áp dụng phương pháp quản lý cỏ dại tại mô hình trồng xoài của gia đình, anh Nguyễn Văn Tư, Bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu còn tích cực giới thiệu, hướng dẫn các hộ địa phương, thành viên của HTX nông nghiệp Minh Hà áp dụng vào sản xuất. Anh Tư tâm sự: Ban đầu lựa chọn giống cỏ để phát triển thì vất vả hơn, giờ đã có sẵn hạt giống ẩn dưới đất, nên việc chăm sóc, làm cỏ không còn tốn nhiều thời gian và công sức nữa. Mùa mưa, trung bình cứ 1 tháng tôi dùng máy cắt cỏ mất chưa đến 1 ngày đã hoàn thành cắt cỏ cho 1 ha, cỏ được để hoai mục tự nhiên và bổ sung phân bón hữu cơ, so với sử dụng phân hóa học, sử dụng phân bón hữu cơ tiết kiệm chi phí khoảng 30%, đất không bị chai, tơi xốp, cây phát triển đều hơn. Năm 2022, dù ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, nhưng sản lượng xoài của gia đình tôi vẫn đạt 20 tấn/1 ha, cao hơn khoảng 6 tấn so với các hộ trong vùng. Đặc biệt, gia đình còn xuất khẩu được 5 tấn xoài sang thị trường Trung Quốc, tổng doanh thu đạt gần 200 triệu đồng.

Cỏ dại được ví như “máy cày sinh học” nếu biết áp dụng các biện pháp khoa học, quản lý phát triển hợp lý. Chị Nguyễn Huyền Trang, kỹ sư Trung tâm Khuyến nông tỉnh tư vấn: Cỏ dại phải được phát triển có chọn lọc, lựa chọn những giống cỏ có sinh khối lớn như tàu bay, thài lài, tầm bóp và các giống cây họ đậu sẽ cho lượng chất đạm phân hủy sau thu hoạch cao hơn. Cách gốc cây ăn quả từ 1,5-2 cần được làm sạch cỏ, cỏ phát triển đến 40-50cm, cần sử dụng máy phát để cắt, chỉ để lại tầm 5-10 cm, gốc, rễ và lá cỏ sẽ tự hoai mục, quay lại trợ đất cung cấp dinh dưỡng cho cây.

Được biết, Dự án “Mô hình thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP tại Sơn La” thuộc Dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2020-2022 tài trợ, tổng mức đầu tư 2 tỷ đồng. Mô hình được triển khai tại huyện Mai Sơn và Yên Châu, với 7 hộ tham gia, quy mô thực hiện 16 ha. Trong 3 năm, Dự án đã cấp phát gần 43 tấn phân bón, 665.000 túi bao quả, gần 400 gói thuốc bảo vệ thực vật và 42.400 tem nhãn truy xuất nguồn gốc cho các hộ tham gia mô hình; hỗ trợ 2 nhóm hộ tham gia trưng bày gian hàng tại Tuần lễ Xoài và nông sản an toàn tỉnh Sơn La tại Siêu thị Big C- Thăng Long năm 2022; tổ chức hàng chục lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, bao trái, ủ phân hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh hại ở cây xoài, quản lý cỏ dại đúng cách...

Phát triển cỏ dại đúng cách, cộng sinh trong hệ sinh thái tự nhiên đem lại nhiều lợi ích thiết thực, tiết kiệm nhân công lao động, chi phí sản xuất và là giải pháp hữu hiệu trong canh tác bền vững, hiệu quả, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và người sản xuất. Đây là mô hình cần nhân rộng để phát triển nông nghiệp Sơn La bền vững, hiệu quả.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/dung-co-dai-chon-loc-lam-may-cay-sinh-hoc-52735