Đừng trở thành 'chuột thí nghiệm' cho Google, Microsoft

Chatbot AI chưa đủ an toàn để sử dụng ở quy mô lớn, và các ông lớn công nghệ đang biến người dùng thành vật thí nghiệm cho các phiên bản đầu tiên.

Chỉ vài giây sau khi Microsoft giới thiệu AI tìm kiếm mới tích hợp trên Bing, dựa trên nền tảng công nghệ của ChatGPT, nhiều người dùng bắt đầu nhận thấy chatbot AI đưa ra các câu trả lời không chính xác hoặc vô nghĩa, hoặc các thuyết âm mưu.

Tương tự, ngay trong video quảng cáo, AI tìm kiếm của Google có tên là Bard đã đưa thông tin sai về Kính viễn vọng không gian James Webb khi được hỏi. Google chịu thiệt hại 100 tỷ USD vì giá cổ phiếu giảm ngay sau khi lỗi này bị phát hiện.

Không có gì lạ khi các chatbot AI, hay mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), mắc lỗi. “ChatGPT gặp vấn đề tương tự các mô hình ngôn ngữ lớn, nó bịa đặt. Đây là một thách thức cốt lõi của công nghệ này”, Mira Murati, CTO OpenAI và là người dẫn đầu nhóm phát triển ChatGPT, nói với Times.

AI thường xuyên sai

Điều đáng ngạc nhiên là các ông lớn công nghệ đang tung ra chatbot AI cho dù công nghệ này chưa đủ an toàn và chính xác để sử dụng ở quy mô lớn, lên đến hàng trăm tỷ lượt tìm kiếm bằng Google và Bing mỗi tháng.

AI Bard của Google đưa ra kết quả sai lệch, khiến cổ phiếu của hãng giảm giá mạnh. Ảnh: Google.

Trong video quảng cáo của Google, Bard tuyên bố "JWST đã chụp những bức ảnh đầu tiên về một hành tinh bên ngoài hệ mặt trời của chúng ta". Nhưng thực tế hình ảnh đầu tiên về một hành tinh như vậy, 2M1207b, được chụp bởi Kính thiên văn của Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ châu Âu.

Các LLM tạo ra văn bản bằng cách dự đoán từ tiếp theo trong câu, nhưng chúng không biết ý nghĩa thực sự của văn bản và thường xuyên đưa ra thông tin sai. Trong khi đó, với tác vụ tìm kiếm, điều mà người dùng cần là thông tin đúng sự thật.

80% người dùng Google Search tin tưởng các đoạn trích hoặc tóm tắt thông tin mà nền tảng này cung cấp, 70% cho rằng thông tin này là khách quan, Aleksandra Urman, nhà khoa học máy tính tại Đại học Zurich ở Thụy Sĩ, tiết lộ với Nature kết quả một khảo sát chưa được công bố.

Hơn nữa, khi được hỏi về nguồn thông tin, chatbot có thể bịa đặt. “Khi tôi hỏi ChatGPT về tài liệu tham khảo, chatbot viết ra tên nghiên cứu, xuất bản ở tạp chí nào, số nào, trang nào, nhưng thực tế đó là nghiên cứu do nó bịa ra. Chatbot thậm chí còn tóm tắt nội dung của nghiên cứu ‘tưởng tượng’ đó”, TS Nguyễn Việt Cường, nhà nghiên cứu kinh tế, chia sẻ trên trang cá nhân.

Với chatbot tích hợp trên Bing, bên dưới câu trả lời là các đường dẫn liên quan. Tuy nhiên phản ánh từ người dùng cho thấy đường dẫn không phải lúc nào cũng liên quan đến thông tin trong câu trả lời. Chẳng hạn, khi được hỏi về những chiếc giường tốt nhất cho chó, chatbot AI của Bing đưa ra 3 lựa chọn theo đánh giá của Wirecutter, nhưng các đường dẫn tham khảo là các đường link rác, spam từ khóa để tăng lượt truy cập.

Google đã phát triển các kỹ thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên và LLM từ nhiều năm, nhưng bây giờ mới có kế hoạch ra mắt AI tìm kiếm. Ảnh: Shutterstock.

Cung cấp đường dẫn dưới câu trả lời là một cách để người dùng hiểu rõ hơn về nguồn thông tin của chatbot AI, một số link này người dùng có thể sẽ không thấy nếu tự tìm kiếm thủ công, Margaret Mitchell, nhà đạo đức học tại công ty khởi nghiệp AI Hugging Face, người từng đồng lãnh đạo nhóm đạo đức AI của Google, cho biết.

Nhưng mặt trái là khi AI đưa ra thông tin giả một cách tự tin và lưu loát, như các chatbot hiện nay, thì người dùng có thể cảm thấy tin tưởng và không cần kiểm tra lại. “Rất nhiều người không kiểm tra các trích dẫn, và việc đưa ra trích dẫn cũng đem lại một cảm giác 'an toàn giả'”, Mitchell nói với MIT Technology Review.

OpenAI luôn nhấn mạnh rằng ChatGPT vẫn chỉ là một dự án nghiên cứu, nhưng Microsoft vẫn quyết định tích hợp chatbot vào phiên bản Bing mới.

Thông tin sai là vấn đề của người dùng, không phải của Big Tech

Trong vài năm nay Google đã sử dụng kỹ thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên để người dùng có thể tìm kiếm trên Internet bằng cả câu thay vì từ khóa. Đến gần đây, họ vẫn miễn cưỡng trong việc tích hợp chatbot AI của riêng mình vào công cụ tìm kiếm, Chirag Shah, chuyên gia về tìm kiếm trực tuyến tại Đại học Washington, cho biết.

Chatbot AI trở thành công cụ để Big Tech thể hiện công nghệ, thay vì đem lại trải nghiệm tìm kiếm hiệu quả hơn cho người dùng. Ảnh: Microsoft.

Shah cho biết lãnh đạo của Google lo lắng về “rủi ro danh tiếng” khi công cụ chưa hoàn thiện. Tuy nhiên ngay sau khi Microsoft giới thiệu AI tìm kiếm, Google công bố kế hoạch ra mắt Bard, có thể do lo ngại bị bỏ lại phía sau trong cuộc chạy đua công nghệ.

Lúc này, độ chính xác của kết quả tìm kiếm không thực sự là vấn đề đối với Big Tech. AI đàm thoại trở thành một cách để họ chứng minh rằng mình có công nghệ tiên tiến, và gây ấn tượng với khách hàng và nhà đầu tư ở nhiều mảng kinh doanh khác như dịch vụ điện toán đám mây, phần mềm năng suất và phần mềm doanh nghiệp, theo Shah.

Ngoài ra, Microsoft chỉ chiếm chưa đến 10% thị phần tìm kiếm trực tuyến. Nếu chatbot AI mới đủ thú vị để giúp công ty giành được thêm một vài điểm phần trăm thì cũng là một chiến thắng lớn, chuyên gia cho biết.

Shah cho rằng thay vì cách tiếp cận thận trọng, các công ty sẽ liều lĩnh hơn và người dùng sẽ thực hiện công việc thử nghiệm AI miễn phí. “Vào thời điểm này, tất cả chúng ta đều là chuột lang”, Shah nói.

Hoàng Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dung-tro-thanh-chuot-thi-nghiem-cho-google-microsoft-post1402612.html