Được, mất phát triển điện mặt trời mái nhà

Không thể phủ nhận tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đầy tiềm năng sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, phù hợp với cam kết giảm phát thải. Tuy nhiên, ồ ạt phát triển ĐMTMN cũng sẽ tạo ra những bất cập.

Số liệu từ Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho thấy, thời điểm hiện tại, công suất đặt của ĐMTMN là khoảng 7.660MWAC, chiếm hơn 9% tổng công suất đặt; sản lượng ĐMTMN chiếm gần 4% sản lượng điện hệ thống điện quốc gia.

Theo đó, loại hình này hiện đã chiếm tỷ trọng đáng kể trong Hệ thống điện Quốc gia. Xét về công suất lắp đặt, nguồn ĐMTMN có tỉ trọng cao hơn nhiều loại hình nguồn điện năng lượng tái tạo điện gió, điện sinh khối. Thậm chí, công suất lắp đặt của ĐMTMN còn vượt qua công suất thủy điện nhỏ và Tua-bin khí là những loại nguồn điện đã từng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam trước đây.

Trong những thời điểm tiềm năng bức xạ tăng cao, công suất ĐMTMN có nguy cơ vượt quá khả năng hấp thụ của lưới điện khu vực.

Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng điện mặt trời mái nhà. Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, việc phát triển ĐMTMN đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, ĐMTMN có những đặc điểm riêng biệt, cần được lưu ý trong quá trình phát triển, đặc biệt là trong quá trình xây dựng các chính sách, chiến lược về năng lượng nói chung. Trong đó, ảnh hưởng của ĐMTMN đối với vận hành hệ thống điện là những vấn đề cần sự đánh giá sát sao, bởi trực tiếp ảnh hưởng đến việc vận hành an toàn của hệ thống điện.

Từ góc độ những nhà đầu tư ĐMTMN đều nhìn thấy những ưu điểm của ĐMTMN, trực tiếp nhất là chỉ đầu tư một lần mà sẽ giảm được chi phí mua điện hàng tháng từ công ty điện lực. Bên cạnh đó, ĐMTMN sẽ đóng góp được vào mục tiêu phát triển xanh, góp phần bảo vệ môi trường. Song để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, phải tính đến trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện, do hệ thống điện quốc gia là hệ thống kết nối toàn quốc, được chỉ huy, điều độ, vận hành thống nhất trong phạm vi toàn quốc.

Đối với các hộ gia đình, công xưởng đã đầu tư ĐMTMN sẽ thấy tính bất định thể hiện rất rõ. Vào những ngày âm u, mưa gió, công suất ĐMTMN giảm hẳn và phải mua điện từ lưới điện. Vào buổi đêm khi nhu cầu sử dụng điện cao, chắc chắn phải mua điện từ công ty điện lực nếu như không có phương pháp dự trữ điện...

Ngoài ra, nguồn ĐMTMN có tính phân tán ở quy mô nhỏ và rất nhỏ. Điều này có lợi vì nguồn điện sẽ ở sát với phụ tải. Tuy vậy, nếu không có hệ thống lưu trữ phù hợp, bản thân ĐMTMN không đủ khả năng cung cấp cho nhu cầu sử dụng của hộ gia đình thông thường dù có đầu tư với công suất bao nhiêu đi chăng nữa.

Với một số đặc điểm của ĐMTMN, các chuyên gia cho rằng, phải có sự thận trọng trong quá trình phát triển ĐMTMN để có thể phát huy ưu điểm và giảm thiểu nhược điểm của ĐMTMN. Các nguồn ĐMTMN chỉ nên phát triển ở mức sẵn sàng tiêu thụ tại phụ tải. Nếu ồ ạt phát triển ở quy mô lớn sẽ ảnh hưởng lớn đến cân bằng cung – cầu của hệ thống điện, gây ra những phí tổn không cần thiết. Hay nói cách khác, chỉ nên khuyến khích ĐMTMN tự sản- tự tiêu, không nên khuyến khích (thậm chí nên hạn chế) phát vào hệ thống.

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/duoc-mat-phat-trien-dien-mat-troi-mai-nha.html