Đường lên lăng Nguyễn Hữu Hào

Nằm trên một ngọn đồi cao hướng vào khu vực làng hoa Vạn Thành thuộc P.4 và P.5, TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), ẩn mình trong những nhánh rừng thông ngày đêm reo trong gió, lăng Nguyễn Hữu Hào trầm mặc, uy nghi in hằn dấu ấn thời gian; đồng thời chứa đựng nhiều điều bí ẩn thú vị, kích thích sự hiếu kỳ của người đến thăm viếng, thưởng lãm.

Công trình chính của lăng Quận công Nguyễn Hữu Hào ở TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Lâm Viên

Chúng tôi, những người hậu thế khi đến viếng nơi yên nghỉ của Quận công Nguyễn Hữu Hào, trong một khung cảnh tĩnh lặng, không một bóng người, chỉ có tiếng rì rầm của rừng thông già không khỏi lắng đọng nhiều cảm xúc vấn vương lẫn trân trọng đối với thân sinh của vị hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, cũng như bồi hồi ngược dòng thời gian về một giai đoạn nhiều biến cố của dân tộc.

* Cuộc sống quý tộc

Quận công Nguyễn Hữu Hào quê ở Gò Công, Tiền Giang, là cha của bà Nguyễn Hữu Thị Lan, sau này là Nam Phương hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại.

Theo thuyết minh viên của cung Nam Phương hoàng hậu, Quận công Nguyễn Hữu Hào tốt nghiệp Tú tài, kết hôn với bà Lê Thị Bình, con gái thứ hai của ông Huyện Sỹ Lê Phát Đạt là một trong 4 người giàu nhất Việt Nam thời bấy giờ. Ông Lê Phát Đạt có 3 người con trai và 1 người con gái. Tuy nhiên, người con trai lớn của ông Lê Phát Đạt là Lê Phát An cực kỳ giàu nhưng không có con nên trong thời gian ở Pháp, ông đầu tư tất cả cho người cháu gái là Nguyễn Hữu Thị Lan.

Lăng Nguyễn Hữu Hào qua thời gian vẫn giữ được nét nguyên sơ, cần được bảo tồn, khai thác để phát huy hơn nữa giá trị văn hóa cùng cụm di tích cung Nam Phương hoàng hậu và các dinh thự của vua Bảo Đại tại TP.Đà Lạt.

Vợ chồng ông bà Nguyễn Hữu Hào và Lê Thị Bình có với nhau 2 người con gái. Vào thời điểm đó, việc không có con trai khiến cho gia đình giàu có này không có người nối dõi. Theo thuyết minh viên, người con gái lớn của ông bà Nguyễn Hữu Hào - Lê Thị Bình, chị gái của Nam Phương hoàng hậu, sinh năm 1903 và trước đây có lấy một bá tước người Pháp làm việc tại Đà Lạt. Sau này, thông tin về người con đầu của ông bà Nguyễn Hữu Hào hầu như không có. Do vậy, cuộc đời bà như thế nào đến nay vẫn còn là một ẩn số.

Là người giàu có, thuộc giới quý tộc, ông Nguyễn Hữu Hào sở hữu nhiều đồn điền, biệt thự. Thời bấy giờ, ông đã cho xây cung Nguyễn Hữu Hào xa hoa, tráng lệ thuộc loại bậc nhất với kiến trúc Pháp. Một số vật liệu xây dựng, đồ dùng, đồ trang trí trong gia đình được nhập từ nước ngoài và phải dùng voi để vận chuyển lên Đà Lạt.

Sau này, ông tặng cung dinh thự này cho người con gái út Nguyễn Hữu Thị Lan để làm của hồi môn. Cũng từ đó, cung này đổi tên gọi là cung Nam Phương hoàng hậu. Thời gian ông Nguyễn Hữu Hào sống tại Đà Lạt thường sống trong cung này.

Bên trong lăng Quận công Nguyễn Hữu Hào

Khi giới thiệu về căn phòng ngủ của ông bà Nguyễn Hữu Hào và Lê Thị Bình, vốn là căn phòng to đẹp và sang trọng nhất của cung Nam Phương hoàng hậu, thuyết minh viên có chia sẻ thông tin: trong đời sống hàng ngày, ông Nguyễn Hữu Hào vẫn giữ cho mình được nét mộc mạc, hồn hậu, truyền thống của một người con Nam bộ thông qua việc mặc chiếc áo dài the, đội khăn đóng. Bên cạnh đó, ông cũng ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây khi hay mặc áo măng tô để giữ ấm cơ thể trong tiết trời giá lạnh của Đà Lạt thời mới được khai phá.

Ông Nguyễn Hữu Hào còn có sở thích uống trà. Ông thường ngồi ở bộ bàn ghế bố trí trong phòng ngủ nhìn ra cửa sổ cao và ban công rộng để ngắm toàn cảnh núi đồi trập trùng của TP.Đà Lạt từ trên cao.

* Nhiều ẩn số thú vị

Mặc dù ông Nguyễn Hữu Hào sinh ra và lớn lên tại Gò Công, Tiền Giang, nhưng những năm cuối đời, ông có một ước nguyện là được yên nghỉ cuối đời trên mảnh đất Đà Lạt ngàn thông. Đến năm 1937, ông nhận thấy với căn bệnh tuổi già, thời gian sống của bản thân không còn nhiều, vì thế ông đã lên Đà Lạt nhằm thực hiện mong muốn cuối cùng.

Ngày 13-9-1939, ông qua đời và được an táng theo nghi thức tước Quận công do vua Bảo Đại phong. Lăng của ông được xây dựng trong vòng 4 năm do 2 người con gái xây dựng. Vị trí của lăng rất đẹp, tọa lạc trên đồi thông cao thơ mộng, hướng về phía thác Cam Ly và trung tâm thành phố.

Nhất độc đạo với 158 bậc cấp ẩn trong rừng thông

Ngoài cổng lăng có 4 trụ biểu thẳng đứng uy nghi. Dẫn lên lăng chỉ có duy nhất con đường lót đá gồm 158 bậc cấp. Cứ cách 9-13 bậc sẽ có chiếu nghỉ, tượng trưng cho ngày 13-9, ngày ông Nguyễn Hữu Hào mất.

Hai bên con đường bậc cấp, ngoài rừng thông, cỏ chen đá, là những bụi cây gai đặc trưng của xứ sở sương mù được trồng. Khi đứng dưới cùng của bậc cấp, ngước nhìn lên con đường duy nhất quá cao, quá dài, du khách dễ có cảm giác như hút mắt bởi đích đến phía trên cùng dường như nhỏ lại và được kéo dài đến vô tận. Đây cũng là góc độ yêu thích của du khách khi đến với di tích này.

Khi đi hết con đường bậc cấp cao, là đến sân tế, qua 13 bậc thang tiếp để lên sân chầu và cuối cùng là bậc thang dẫn lên công trình chính của lăng.

Công trình lăng có ý tưởng từ hoa sen đang nở, rất bề thế, sừng sững giữa rừng thông, được xây bằng gạch, bê tông cốt thép và đá xanh… Bên trong lăng là mộ phần ông bà Quận công Nguyễn Hữu Hào và Lê Thị Bình đặt song song. Tuy nhiên, theo lời của thuyết minh viên của cung Nam Phương hoàng hậu, sau này, khi khai quật lên thì người ta cho biết đây chỉ là mộ gió, bên trong không có hài cốt. Vì vậy, việc hài cốt của ông bà Nguyễn Hữu Hào và Lê Thị Bình được chôn cất tại đâu cho đến nay vẫn tiếp tục là một ẩn số lớn.

Lâm Viên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202302/duong-len-lang-nguyen-huu-hao-3158058/