Đường lớn đã mở

Theo dự kiến, Dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn nối giữa Thanh Hóa - Nghệ An sẽ thông xe trong dịp Quốc khánh 2/9/2023. Sự kiện này góp phần kéo gần thêm 'khúc ruột miền Trung' với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Bên cạnh đó, dự án cũng nhận được nhiều kỳ vọng, sẽ thúc đầy kinh tế - xã hội của khu vực Bắc miền Trung phát triển nhanh chóng, đồng bộ.

Nhìn từ trên cao Dự án cao tốc Bắc - Nam như một nét vẽ khi đi qua hồ Yên Mỹ (Thanh Hóa). Ảnh: Nguyễn Chung.

Gấp rút đẩy nhanh tiến độ

Dự án cao tốc đoạn QL45 - Nghi Sơn qua địa bàn Thanh Hóa, tuyến chính dài 43,28km, được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17/16m. Tổng mức đầu tư là 5.534,4 tỷ đồng; được khởi công vào ngày 1/7/2021, kế hoạch hoàn thành vào kỳ nghỉ lễ 2/9/2023.

Theo quan sát, đến thời điểm hiện tại, các nhà thầu thi công dự án đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ nhằm thông xe tuyến chính đúng như dự kiến. Từ nút giao thông Vạn Thiện đến Tân Trường, nhiều hạng mục gồm thảm nhựa, biển báo, hệ thống đường điện, dải phân cách cứng, hệ thống chống lóa bằng kim loại… đang được hoàn thiện. Nhiều đoạn tuyến trên cao tốc đã cơ bản hoàn thành thảm bê tông nhựa, thảm cấp phối đá dăm các đoạn dỡ tải theo dõi lún, dựng dải phân cách, gia cố mái taluy, đóng cọc hàng rào bảo vệ, hàng rào hộ lan, lắp đặt đường ống điện, cấp thoát nước... Cây cầu Yên Mỹ, cầu vượt hồ dài nhất trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam cũng đang được hoàn thiện.

Báo cáo của Ban điều hành dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn (BQL DA2) cho thấy: Lũy kế sản lượng đến nay là 2.746,295/3.194,200 tỷ đồng (đạt 85,98% giá trị các hợp đồng, chậm 8,12% so với tiến độ dự án). Có thể thấy, việc thông tuyến Dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Thanh Hóa - Nghệ An mang một ý nghĩa dấu mốc vô cùng to lớn, tác động trực tiếp tới kinh tế - xã hội của khu vực Bắc Trung bộ trong những năm tiếp theo. Bởi lẽ, lâu nay ngoài miền núi phía Bắc thì giao thông khu vực miền Trung vẫn luôn được coi là một trong những nơi đi lại khó khăn. Tuy nhiên, những khó khăn này sẽ được tháo gỡ cơ bản khi Dự án cao tốc Bắc - Nam đi vào hoạt động.

Tài xế xe tải đường dài Nguyễn Thành Long trú tại xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) cho biết: Không chỉ riêng anh mà nhiều anh em tài xế, cũng như người dân khác đều vui mừng, phấn khởi. Nếu trước kia, sau khi bốc hàng từ Cảng Nghi Sơn, theo QL1A di chuyển ra cửa khẩu Lạng Sơn phải mất rất nhiều thời gian thì nay, tuyến cao tốc đã rút ngắn lại chỉ còn phân nửa. Không chỉ sức khỏe của lái xe được đảm bảo mà mọi chi phí khác sau mỗi chuyến hàng đều được giảm đi trông thấy…

“Cao tốc Bắc - Nam đi vào hoạt động sẽ đảm bảo giao thông thông suốt, kéo theo việc giao thương, buôn bán thuận lợi từ đó đưa kinh tế phát triển”- anh Long hồ hởi nói.

Ông Lê Đình Phương - Chủ tịch UBND phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn cho biết: Sau khi đoạn cao tốc QL45 - Nghi Sơn thông tuyến, các phương tiện có thể dễ dàng xuống ở nút Vạn Thiện giao QL45 rồi từ đó thẳng về TP Thanh Hóa, gần hơn rất nhiều so với đi QL1A. Hay như cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, sau khi đi qua cầu vượt hồ Yên Mỹ, đến nút giao Nghi Sơn - Bãi Trành, phương tiện có thể xuống tại nút giao này, lưu thông trên đường Nghi Sơn - Bãi Trành về hướng Đông để xuống Khu kinh tế Nghi Sơn...

“Sẽ là một sự thay đổi lớn lao trong tương lai gần. Cao tốc sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế của các địa phương còn gặp nhiều khó khăn phát triển. Đặc biệt, các địa phương có thể mạnh về du lịch sẽ có bước phát triển vượt bậc. Là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch biển, chúng tôi rất vui và mong chờ ngày thông xe của dự án”- ông Phương bày tỏ.

Nói về ý nghĩa của Dự án cao tốc Bắc - Nam (đoạn QL45 - Nghi Sơn) được thông xe đúng dịp đại lễ của đất nước, bà Phạm Thị Thanh Thủy - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Đây là dự án có vị trí và vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và các tỉnh có tuyến đường đi qua nói riêng. Tuyến đường đi vào vận hành sẽ rút ngắn thời gian từ Nghệ An, Thanh Hóa đến Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt, tuyến đường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa, thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút các nhà đầu tư…

Công nhân thi công hoàn thiện những công việc cuối cùng trên cao tốc Bắc - Nam, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu. Ảnh: Điền Bắc.

Những “mẻ việc” cuối cùng

Lăn vạch kẻ đường, treo biển chỉ dẫn, ghép các tấm sắt hành lang, lắp khe co giãn cầu vượt… là những mẻ việc cuối cùng của các đơn vị thi công, phấn đấu thông xe tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu vào dịp 2/9/2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài gần 50km, đi qua tỉnh Thanh Hóa 6,5km và tỉnh Nghệ An 43,5km. Dự án được triển khai từ tháng 7/2021 và dự kiến thông xe tuyến chính vào dịp Quốc khánh 2/9/2023.

Có mặt trên công trường cao tốc Bắc Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, những ngày này, chứng kiến hình ảnh các công nhân cặm cụi hoàn thành các chi tiết cuối cùng để tuyến cao tốc nghìn tỷ chào đón người dân lưu thông trong dịp 2/9, chúng tôi cùng chung tâm trạng khấp khởi vui mừng.

Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu trước ngày thông xe, ghi nhận, hiện các hệ thống hộ lan đang được khẩn trương lắp đặt hoàn chỉnh. Các hệ thống biển báo cũng đã được lắp đặt. Giữa cái nắng oi bức cuối tháng 8, anh Dương Hải Bằng - công nhân Công ty Hòa Hiệp cho biết: Mấy ngày nay, thời tiết nắng nóng gay gắt, dù vậy lãnh đạo Công ty đã yêu cầu công nhân phải làm việc xuyên ngày đêm theo các ca khác nhau. “Về cơ bản, công trình đã hoàn thành trên 98%, chỉ còn những hạng mục như sơn vạch đường, lắp lan can, treo bảng hiệu… nữa là hoàn thành, tuyến đường được thông suốt” - anh Hải chia sẻ.

Trong khi đó, những người dân có tuyến đường cao tốc chạy qua đều phấn khởi, hồ hởi, mong chờ ngày cao tốc thông xe. “Chúng tôi mong chờ ngày cao tốc thông xe, không những rút ngắn thời gian đi lại, mà còn mở ra cơ hội phát triển cho tỉnh Nghệ An cũng như các tỉnh, thành có tuyến cao tốc đi qua”- ông Hồ Văn Hai, trú xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) chia sẻ.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Phạm Văn Minh - Phó trưởng Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông vận tải) cho biết: Đến thời điểm hiện tại, đoạn cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu đã hoàn thiện 97% giá trị khối lượng. Riêng 3% giá trị khối lượng còn lại ở một số tuyến đường gom chưa được hoàn thành. Trên tuyến có tổng cộng 22 cầu vượt và cầu ngang. Những ngày này, đơn vị và các nhà thầu huy động khoảng 500 công nhân làm việc 3 ca, 4 kíp, xuyên ngày đêm để kịp thông xe dịp 2/9. Đặc biệt, trên tuyến cao tốc có hầm Trường Vinh xuyên qua núi Mồng Gà, thuộc địa bàn xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) với xã Trường Lâm (thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) có chiều dài 450m. Như vậy, tuyến đường sẽ rút ngắn đáng kể hành trình từ Thủ đô Hà Nội đến các tỉnh Bắc Trung bộ. Đặc biệt, tuyến đường sẽ giảm thời gian di chuyển giữa 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An từ 3 giờ đồng hồ xuống chỉ còn 1,5 giờ.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu có tổng mức đầu tư hơn 7.293 tỷ đồng. Đây là dự án được chuyển đổi từ hình thức đầu tư PPP (đối tác công - tư) sang đầu tư công. Ở giai đoạn 1, tuyến cao tốc này có quy mô 4 làn xe, tốc độ 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, đường có quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 - 120km/h. Như vậy, có thể khẳng định, hai đoạn tuyến cao tốc QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu thông xe sẽ hợp với cao tốc Mai Sơn - QL45 trước đó đã đưa vào sử dụng, hình hài tuyến cao tốc Bắc - Nam dọc miền Trung đang dần thành hình theo đúng kế hoạch Chính phủ giao cho Bộ Giao thông vận tải cũng như sự mong mỏi của người dân khu vực miền Trung.

NGUYỄN CHUNG - ĐIỀN BẮC

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/duong-lon-da-mo-5727011.html