Đường lớn sẽ mở

Kỳ 1: Con đường mơ ước

Đã bao đời nay, những người dân 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh luôn mơ về một con đường kết nối thông thương với nhau. Ước mơ ấy, cuối cùng cũng dần trở thành hiện thực khi mới đây, Quốc hội đã thông qua Dự án đường giao thông kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng mở ra cơ hội phát triển liên kết vùng.

Ngày 20-6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, điểm đầu đường kết nối vào Quốc lộ 27C, điểm cuối kết nối với tuyến đường tỉnh ĐT.707 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận), khi được đầu tư hoàn thành sẽ hình thành một trục giao thông theo hướng Bắc - Nam. Trục giao thông này cũng sẽ kết nối đồng bộ với mạng lưới các trục đường giao thông theo hướng Đông - Tây hiện có của tỉnh Khánh Hòa (Quốc lộ 27C, Tỉnh lộ 9) và tỉnh Ninh Thuận (Quốc lộ 27, Quốc lộ 27B và đường tỉnh ĐT.707). Dự án có chiều dài khoảng 56,9km; là đường cấp III miền núi với 2 làn xe, tổng chiều rộng nền 9m, mặt đường rộng 6m, lề đường 2 bên 3m (gia cố lề mỗi bên 1m). Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 1.930 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến hết năm 2027.

Ngày 7-7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có công văn triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 (Tỉnh lộ 9) tỉnh Khánh Hòa - kết nối tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận. Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tham mưu Thủ tướng Chính phủ để bố trí và giao đủ số vốn 1.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 cho UBND tỉnh Khánh Hòa để triển khai đầu tư Dự án theo quy định; chủ trì đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện dự án, bảo đảm yêu cầu tiến độ, chất lượng, hiệu quả; tổng hợp, xây dựng báo cáo của Chính phủ để báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện dự án theo quy định. UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan đối với dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý; triển khai, tổ chức thực hiện, quản lý, khai thác và vận hành dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ (có giải pháp đẩy nhanh tiến độ), chất lượng công trình; thực hiện phân bổ đủ 930 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh; thực hiện nghiêm quy định về trồng rừng thay thế và đền bù giải phóng mặt bằng.

Niềm vui vỡ òa

Những ngày này, khắp các buôn làng của 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đều hân hoan, phấn khởi trước thông tin Quốc hội đã đồng ý xây dựng đường giao thông kết nối 2 địa phương. Đi đến đâu, chúng tôi cũng cảm nhận được niềm vui ấy.

Già làng Cao Lê Dân (thôn Tà Gụ, xã Sơn Hiệp, Khánh Sơn) năm nay đã 80 tuổi, nhưng ông vẫn rất minh mẫn và khỏe mạnh, nhớ tường tận những ngày tham gia kháng chiến và những lúc băng rừng, vượt suối để về giao ban với tổ chức tại huyện Khánh Vĩnh. Ông chia sẻ, ngày ấy cơ quan đóng tại huyện Khánh Sơn, mỗi lần có việc cần thông tin với huyện Khánh Vĩnh phải đi bộ băng qua những cánh rừng, nhanh nhất một ngày mới có thể tới nơi. Đến năm 1960, ông theo cơ quan di chuyển sang huyện Khánh Vĩnh và ở đó đến năm 1969. “Suốt những năm tháng ấy, mỗi lần về thăm gia đình tôi phải lội qua những khe suối, băng qua những gộp đá rất vất vả. Sau ngày giải phóng, tôi trở lại Khánh Sơn, nhưng bạn bè bên Khánh Vĩnh còn rất nhiều. Thế nhưng cũng ít có dịp gặp nhau bởi đường xá cách trở, giờ nhiều người đã không còn. Muốn đi thăm bạn xưa cũng khó khăn. Vừa qua, nghe thông tin Quốc hội đồng ý xây dựng đường nối trực tiếp 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tôi rất phấn khởi. Bởi mơ ước bao đời của người dân rồi cũng sắp thành hiện thực. Ngày khánh thành chắc chắn tôi sẽ bảo con chở qua Khánh Vĩnh thăm lại chiến trường xưa và những đồng đội còn lại”, ông Dân xúc động bộc bạch.

Một góc huyện Khánh Sơn.

Già làng Cao Đảm (thôn Xóm Cỏ, xã Sơn Bình, Khánh Sơn) từng làm giao liên vận chuyển thư, công văn giữa 2 huyện từ năm 16 tuổi xúc động nói: “Khi nghe mở đường nối 2 huyện với nhau, dân làng ai cũng ưng cái bụng. Tôi mong tuyến đường này làm càng sớm càng tốt để 2 huyện thông thương, việc đi lại thuận lợi hơn, đặc biệt là vận chuyển nông sản phục vụ phát triển kinh tế, tạo việc làm cho thanh niên, nâng cao đời sống người dân ”.

Cũng giống như ông Dân, ông Đảm và người dân huyện Khánh Sơn, bà Cao Thị Hồng Hà - Trưởng thôn Nước Nhĩ (xã Khánh Phú, Khánh Vĩnh) tâm sự: “Khánh Sơn và Khánh Vĩnh có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán, đều có đông đồng bào dân tộc thiểu số Raglai sinh sống. Chúng tôi rất muốn giao lưu văn hóa và giao thương với nhau, thế nhưng gặp quá nhiều khó khăn bởi cách trở về giao thông. Nay nghe có dự án làm đường kết nối trực tiếp 2 huyện với nhau, người dân rất phấn khởi vì đây còn là cơ hội để phát triển kinh tế”.

Phá thế độc đạo

Tỉnh lộ 9 là tuyến đường duy nhất kết nối các địa phương khác với Khánh Sơn. Tuyến đường độc đạo này lại có địa hình hiểm trở, thường xuyên bị sạt lở, đi lại rất khó khăn.

Còn nhớ đợt lũ lụt năm 2018, Tỉnh lộ 9 bị sạt lở nghiêm trọng, gây chia cắt, giao thông bị tắc nghẽn trong nhiều giờ. Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải đã trực tiếp chỉ đạo thông đường. Nhớ lại thời điểm đó, ông Dần cho biết, với địa hình phức tạp, độ dốc dọc cao, Tỉnh lộ 9 thường xuyên bị sạt lở đặc biệt vào mùa mưa. Trong khi đó, đây là tuyến đường độc đạo lên Khánh Sơn. Thời điểm đường chưa bị chia cắt, xe của đoàn vừa qua khỏi là đứt gãy tuyến ở nhiều vị trí. Chỉ cần chậm một phút thôi có thể đoàn công tác mắc kẹt tại đó. Đường bị đứt gãy không thể lưu thông, trong lúc chờ khắc phục, đến tối đoàn phải đi vòng sang tỉnh Ninh Thuận bằng đường mòn để về. Nói vậy để thấy việc giao thông qua khu vực này rất khó khăn.

Hiện nay, Tỉnh lộ 9 là đường độc đạo lên Khánh Sơn.

Theo ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, con đường mới được đầu tư sẽ phá bỏ thế độc đạo của tuyến Tỉnh lộ 9, kết nối với hệ thống tỉnh lộ, đường huyện, quốc lộ trong khu vực, tạo thành mạng lưới đường bộ đa dạng, cơ động. Đặc biệt, tuyến đường sẽ mở ra không gian phát triển mới, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Xã Khánh Phú (Khánh Vĩnh) cũng chỉ có duy nhất một tuyến đường có thể kết nối đó là đường Sông Cầu - Yang Bay. Nếu đường kết nối liên vùng được triển khai, xã Khánh Phú sẽ là địa phương được hưởng lợi đầu tiên của huyện Khánh Vĩnh vì cũng đã phá được thế độc đạo.

Gỡ điểm nghẽn tiêu thụ nông sản

Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là 2 huyện có nhiều lợi thế để hình thành, phát triển những vùng chuyên canh nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Nếu như Khánh Sơn được biết đến là thủ phủ của sầu riêng thì Khánh Vĩnh cũng hình thành vùng chuyên canh về bưởi da xanh và mít cao sản. Mặc dù mang lại giá trị kinh tế cao song vì giao thông không thuận lợi nên nông sản 2 địa phương này thường bị tư thương ép giá, gây thiệt thòi cho nông dân.

Ông Tạ Quốc Phong - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết, hiện nay, toàn xã có khoảng 540ha sầu riêng với sản lượng trung bình đạt khoảng 2.600 đến 3.000 tấn mỗi năm. Tất cả sầu riêng chở đi tiêu thụ đều phải đi qua Tỉnh lộ 9. Thế nhưng, do xe container không thể lưu thông được trên tuyến đường này nên đã khiến chi phí tăng cao, giảm lợi nhuận của nông dân. “Lấy ví dụ đơn giản, nếu chở bằng xe container, sầu riêng đến tay người tiêu dùng có giá khoảng 55 đến 60.000 đồng/kg, nhưng do phải chở bằng xe nhỏ, chi phí tăng, giá sẽ đội lên từ 62 đến 67.000 đồng/kg. Chưa kể, việc trung chuyển cũng gây ra thất thoát, giảm chất lượng sầu riêng trong quá trình vận chuyển. Nhiều thương lái đã khảo sát vùng trồng sầu riêng và muốn làm một kho bảo quản, nhưng họ đành bỏ cuộc bởi xe lớn không thể lưu thông trên Tỉnh lộ 9. Nếu tuyến đường liên vùng được xây dựng thì chắc chắn rào cản này sẽ được gỡ bỏ và nông dân cũng được hưởng lợi”, ông Phong nói.

Đường Sông Cầu - Yang Bay là tuyến duy nhất kết nối vào xã Khánh Phú, Khánh Vĩnh hiện nay.

Tương tự, nhiều nhà vườn ở Khánh Vĩnh cho biết, họ không thể bán nông sản cho nhiều đầu mối lớn khu vực miền Tây. Lý do bởi khoảng cách tuyến đường kết nối quá xa, chi phí cao, bán giá rẻ sẽ không có lãi mà bán giá cao thương lái không mua. Vì vậy, những nhà vườn đều mong muốn con đường kết nối liên vùng sớm được triển khai sẽ rút ngắn thời gian lưu thông giữa các tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương. Ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, khi tuyến đường được hình thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi để 2 huyện miền núi giao thương. Việc kết nối này sẽ tạo ra giá trị vô hình cũng như hữu hình về việc tiêu thụ nông sản, góp phần giải bài toán đầu ra để ổn định thị trường.

Ông NGUYỄN TẤN TUÂN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Việc đầu tư dự án là rất cần thiết, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuyến đường hình thành tăng khả năng kết nối giao thông, phát triển du lịch, giao lưu văn hóa, phát triển ngành nông nghiệp thế mạnh của khu vực; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông, lâm nghiệp sang dịch vụ, khai thác tiềm năng phát triển du lịch như thác Yang Bay (Khánh Vĩnh) và thác Tà Gụ (Khánh Sơn); tạo cơ hội liên kết các tỉnh trong vùng, phát triển thành các vùng du lịch có sự kết hợp du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa theo đặc trưng riêng của mỗi địa phương.

MẠNH HÙNG

Kỳ 2: Khát vọng phát triển đại ngàn

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202307/duong-lon-semo-7da3b67/