Gắn sao OCOP, HTX Kim Thông tỏa sáng cùng 'vua của các loại hạt'

Những năm gần đây, nhờ có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại hiệu quả kinh tế lớn, cây Sacha Inchi (Sachi) đã và đang được canh tác, phát triển tốt ở Việt Nam. Nhiều chủ đầu tư đã nghiên cứu thực hiện trồng và chế biến các sản phẩm hữu ích cho sức khỏe con người, trong đó có HTX thương mại dịch vụ du lịch và xuất nhập khẩu Kim Thông, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, HTX Kim Thông đã nổi bật bởi “lối đi riêng” trong việc phát triển mô hình trồng và liên kết tiêu thụ cây Sachi thay vì các giống cây nông nghiệp khác tại địa phương. Đặc biệt, các sản phẩm do HTX chế biến đã tiếp cận đông đảo người tiêu dùng khó tính, góp phần không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân trong vùng.

Cơ hội từ tiềm năng vượt trội

Thành lập từ năm 2019, HTX Kim Thông đến nay được biết đến là một mô hình kinh tế tập thể điển hình tiêu biểu cho những nỗ lực hiện đại hóa, cơ giới hóa, đồng thời ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất. Qua đó, HTX đã xây dựng thành công vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP cùng với hệ thống cửa hàng, hệ thống phân phối tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Được mệnh danh là “vua của các loại hạt” bởi Sachi chứa hàm lượng dinh dưỡng dồi dào với omega đặc biệt cao, đơn cử như omega-3 gấp 17 lần cá hồi, gần 50 lần dầu oliu. Theo một số khảo sát nhanh, sản lượng Sachi trên toàn thế giới mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu. Nhận thấy đây là cây có giá trị kinh tế cao, HTX Kim Thông đã chuyển đổi những vùng đất đồi hoang hóa, vùng diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây Sachi, trong đó diện tích trồng thử nghiệm đạt 1,5ha với 7 hộ gia đình. Sau hơn 1 năm, cây Sachi đã đem lại giá trị kinh tế cao cho các hộ dân tham gia với đầu ra ổn định.

Giám đốc HTX Đỗ Thị Kim Thông cho biết, cây Sachi có khả năng thích nghi rộng, không yêu cầu cao về kỹ thuật canh tác, chu kỳ kinh tế dài (20-30 năm). Thêm nữa, cây ra hoa sau 5 tháng tuổi và khoảng 8 tháng tuổi bắt đầu cho hạt. Nhờ vậy, năm đầu tiên năng suất có thể đạt 1 tấn hạt/ha, năm thứ 2 đạt 3 tấn hạt/ha, từ năm thứ 3 trở đi là 5-7 tấn hạt/ha. Với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 100-150 triệu đồng, mỗi ha cây Sachi có thể cho giá trị kinh tế lên tới 350 triệu đồng.

Tuy vậy, để tối ưu giá trị kinh tế cũng như phát huy tối đa giá trị dinh dưỡng của cây, HTX đã đầu tư hàng trăm triệu đồng làm cọc bê tông và màng phủ nông nghiệp trên mặt luống. Điều này còn góp phần bảo vệ môi trường đất, hạn chế cỏ dại và tiết kiệm chi phí nhân công làm cỏ.

Chú trọng số hóa sản phẩm OCOP

Sau 5 năm tiến hành trồng tại địa phương với 1,5 ha sachi, giờ đây, HTX đã và đang trong quá trình mở rộng diện tích vùng trồng tập trung lên sđến 100 ha tại Tây Nguyên. Theo đó, sản lượng thu mua bình quân đạt 70 - 80 tấn hạt Sachi/tháng. Hạt Sachi sau thu mua sẽ được phân loại, sơ chế thành nhiều sản phẩm chất lượng cao.

Do có hàm lượng dinh dưỡng đặc biệt cao và tốt cho sức khỏe, Sachi được gọi là "vua của các loại hạt".

Cụ thể, HTX đang phân phối ra thị trường đa dạng mặt hàng như các loại hạt Sachi sấy khô, dầu Sachi, trà Sachi, viên nang Sachi, bột dinh dưỡng Sachi,... Đặc biệt, năm 2020, HTX đã được chứng nhận OCOP 4 sao với mặt hàng chủ lực Sachi nhân trắng sấy giòn. HTX hiện cũng đang nghiên cứu ra mắt thị trường mặt hàng trứng gà nuôi từ hạt Sachi với hy vọng đem đến cho khách hàng sự lựa chọn tối ưu đảm bảo dinh dưỡng.

Theo bà Đỗ Thị Kim Thông - Giám đốc HTX, trước đây, sản phẩm của HTX chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến nhưng sau khi “gắn sao" OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) kết hợp với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý trong công tác truyền thông, đến nay, sản phẩm của HTX đã gây dựng được một tệp khách hàng quen tin cậy và sử dụng. Mỗi khi sản phẩm mới ra mắt thị trường, cơ quan chức năng sẽ ngay lập tức hỗ trợ HTX giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại,… Qua đó, nhiều cửa hàng bán lẻ, cửa hàng thực phẩm sạch và các siêu thị đến đặt vấn đề ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của HTX.

Với mục tiêu phát triển những sản phẩm sạch, an toàn, thân thiện với người tiêu dùng, HTX Kim Thông đang tập trung chú trọng việc xây dựng hình ảnh cho thương hiệu thông qua việc dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc.

Trên tem điện tử này, HTX Kim Thông cung cấp tới người tiêu dùng các thông tin về sản phẩm như: nguồn gốc, đặc điểm, chủng loại, giá bán, doanh nghiệp sản xuất… Thông qua đó, khách hàng trong và ngoài nước đều có cơ hội tiếp cận cũng như tìm hiểu thông tin các mặt hàng một cách thuận tiện, dễ dàng, chính xác mà không cần đến tận nơi khảo sát. Nhờ vậy, các sản phẩm do HTX cung ứng ra thị trường hoàn toàn có thể tạo cho người tiêu dùng sự tin tưởng về chất lượng, tránh hàng giả, hàng nhái.

“Việc dán tem thông minh rất thuận tiện. Nhờ đó, tính cạnh tranh của sản phẩm sẽ cao hơn các sản phẩm cùng loại. Đây cũng là cách để những cơ sở sản xuất, nhất là các doanh nghiệp, HTX OCOP khẳng định sự minh bạch và uy tín của mình. Từ đó giúp xây dựng hình ảnh, thương hiệu uy tín với người tiêu dùng”, bà Thông nói.

Cùng với đó, HTX cũng đang dần tham gia vào xu hướng đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử, đánh dấu bước chuyển mình của HTX trong công nghệ số thay vì phụ thuộc vào các kênh bán hàng truyền thống.

Tham gia sàn thương mại điện tử hơn 2 năm nay, HTX Kim Thông nhận thấy đây là thị trường tiêu thụ khá mới và rộng lớn. Vì vậy, ngoài việc đầu tư về chất lượng, HTX còn quan tâm về mẫu mã, giá cả cũng như các chương trình khuyến mãi kèm theo, từ đó vừa kích cầu tiêu dùng, vừa tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, rút ngắn khoảng cách từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ.

Đến nay, HTX đã và đang tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương một cách tích cực.

Qua đó, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP của HTX Kim Thông đang có nhiều tín hiệu tích cực. Đến nay, nhiều sản phẩm đã có những đơn hàng ổn định như hạt Sachi sấy khô và dầu Sachi.

“Ngoài tham gia sàn OCOP, sản phẩm hạt Sachi nhân trắng sấy giòn đạt 4 sao của HTX còn được bán trên các sàn thương mại điện tử khác như: Lazada, Sendo, Shopee… Kênh tiêu thụ mới này có lợi thế thông tin nhanh, đầy đủ, đơn hàng cũng đi nhanh hơn khi mọi thông tin của sản phẩm đã được tích hợp và cung cấp đầy đủ cho đối tác”, bà Kim Thông chia sẻ.

"Lùi một bước để tiến hai bước"

Ở thời điểm hiện tại, HTX Kim Thông bao tiêu hơn 500 tấn Sachi cho bà con, doanh thu trung bình đạt 1 tỷ đồng/năm. Để đạt được những con số này trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, bà Thông đã mạnh dạn mang sản phẩm của HTX đi giới thiệu và quảng bá tại nhiều sự kiện xúc tiến thương mại ở Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng Bộ Công Thương.

Bà Thông cho biết, so với Sachi của Thái Lan, Hàn Quốc thì Sachi Việt Nam được các doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao. Nhiều “ông lớn” trong ngành thực phẩm, dược phẩm còn dự định đến khảo sát vùng nguyên liệu và xúc tiến thu mua sản phẩm thô và tinh chế từ Sachi của Việt Nam.

Song, khi dịch COVID-19 bùng phát, mọi thông tin sản phẩm chỉ có thể trao đổi qua điện thoại. Do đó, năm 2020, HTX chỉ tiêu thụ số lượng nhỏ trong nước, không có đơn hàng xuất khẩu nào.

Trong thời điểm khó khăn đó, HTX tập trung mở rộng vùng trồng theo hướng hữu cơ, liên kết với doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới. Giám đốc HTX Kim Thông coi đây là chiến thuật “lùi một bước để tiến hai bước”, tức là chuẩn bị mọi thứ một cách tốt nhất, sẵn sàng đón doanh nghiệp nước ngoài đến khảo sát, thu mua trong trạng thái “bình thường mới”.

Cũng nhờ vậy, HTX Kim Thông đang tạo bước chuyển biến lớn trong phát triển cây Sachi theo hướng hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị, mở cánh cửa xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm chính sách lao động hợp lý cho các thành viên HTX.

Với vùng trồng 100 ha tại Tây Nguyên, HTX hiện cũng đề cao quy trình sản xuất Sachi hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc,... Bên cạnh đó, HTX cung cấp cây Sachi giống đảm bảo chất lượng và các ưu đãi cho thành viên, đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra cho các hộ trồng Sachi trên địa bàn với giá ổn định. Qua đây, HTX tạo việc làm cho khoảng 30 - 40 lao động thời vụ với thu nhập bình quân 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, lao động chủ yếu là người dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên.

HTX Kim Thông tham vọng vươn ra “biển lớn”, nhưng xác định phía trước vẫn có nhiều thách thức. Bà Thông chia sẻ: “Thực tế, HTX yếu về tài chính, yếu về khâu phân phối hàng hóa. Do đó, chúng tôi mong muốn các cơ quan ban ngành tiếp tục hỗ trợ, đặc biệt là chính sách ưu đãi vay vốn, hỗ trợ bà con phát triển trồng cây Sachi”.

Cũng theo bà Thông, hiện nay, tình trạng người dân bỏ hoang diện tích đất đai đang khá phổ biến. Nhưng khi HTX đến thuê để sản xuất nông nghiệp thì “tấc đất thực sự hóa tấc vàng”. Do không tìm được tiếng nói chung, không có sự đồng thuận giữa các bên nên doanh nghiệp, HTX không thể thuê được đất sản xuất, còn đất của người dân lại bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên.

Ngoài ra, HTX mong muốn tìm kiếm các nhà đầu tư đồng hành cùng HTX trong việc mở rộng quy mô vùng trồng, đầu tư máy móc để xưởng chế biến sản phẩm ngày một chuyên nghiệp, hiện đại hơn.

Vượt qua những khó khăn này, HTX Kim Thông kỳ vọng năm 2024 sẽ có cơ hội đón các đoàn đối tác sang khảo sát vùng nguyên liệu, từ đó xúc tiến mở rộng xuất khẩu các sản phẩm Sachi ra thế giới.

Nguyễn Hạnh - Bùi Ly

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/gan-sao-ocop-htx-kim-thong-toa-sang-cung-vua-cua-cac-loai-hat-1098077.html