Gắn trách nhiệm cá nhân trong thu gom, xử lý rác

Coi công tác thu gom, xử lý rác thải là nhiệm vụ trọng tâm của người đứng đầu; gắn trách nhiệm của cá nhân, có cơ chế hỗ trợ đối với người trực tiếp làm nhiệm vụ này… là những giải pháp được các địa phương đưa ra, tạo chuyển biến trong thu gom, xử lý rác thải.

Làm đúng cam kết

Rác thải sau khi được thu gom, đưa về lò đốt rác xã Thượng Lan (Việt Yên)được xử lý trong ngày.

Đều đặn mỗi tuần 3 buổi, vợ chồng ông Dương Văn Tam (SN 1968) ở thôn Nguộn, xã Thượng Lan, huyện Việt Yên (Bắc Giang) lại có mặt ở các ngõ, xóm thu gom rác, rồi vận chuyển đến khu xử lý tập trung của xã. Để thu gom thuận lợi, triệt để, chiều ngày hôm trước, qua hệ thống truyền thanh, ông thông báo để người dân tập kết rác đúng giờ quy định (từ tối hôm trước đến 7 giờ sáng ngày thu gom).

Được biết, trước đây, tại thôn Nguộn cũng như 7 thôn còn lại của xã Thượng Lan, việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải được UBND xã giao cho các tổ thu gom của các thôn song không hiệu quả do có các thành viên đùn đẩy trách nhiệm. Khắc phục tình trạng này, từ năm 2018, tại các thôn, UBND xã ký hợp đồng, gắn trách nhiệm với cá nhân cụ thể.

Ông Nguyễn Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã nói: “Để xử lý dứt điểm, không để tồn lưu rác từ hôm trước sang hôm sau, chúng tôi phân lịch thu gom cụ thể cho từng thôn, không để tình trạng các thôn cùng vận chuyển đến khu xử lý trùng thời điểm. Cùng đó, nhằm động viên những cá nhân tham gia thu gom, xử lý rác thải, cùng với lương cố định theo hợp đồng, UBND xã hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, thăm hỏi khi ốm đau”.

Ghi nhận tại nhiều địa phương cho thấy, nhờ linh động trong triển khai, có cơ chế phù hợp nên việc thu gom, xử lý rác thải đạt kết quả tích cực. Điển hình tại huyện Yên Thế, ngoài kiện toàn tổ tự quản bảo vệ môi trường, các xã, thị trấn thành lập tổ chuyên vận chuyển rác tại các thôn, tổ dân phố cách xa trung tâm về điểm tập kết. Tại các nơi vốn là điểm “nóng” về tồn lưu rác đã được giải tỏa, các địa phương tiến hành cắm biển cấm đổ rác; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để vi phạm tái diễn.

Hay như ở huyện Lạng Giang, UBND các xã, thị trấn ký hợp đồng, giao cho các hợp tác xã chịu trách nhiệm thu gom, xử lý rác thải. Đặc biệt, UBND huyện thành lập, duy trì tổ công tác kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện vệ sinh môi trường (VSMT).

Ông Nghiêm Phú Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện nói: “Hàng năm, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn đều đăng ký nhiệm vụ trọng tâm, ký cam kết hoàn thành thu giá, không để rác tồn lưu tại địa bàn với Chủ tịch UBND huyện. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ thu gom, xử lý rác trên địa bàn huyện đạt hơn 90%, không còn rác tồn lưu”.

Mở rộng, lắp đặt thêm lò đốt rác

Theo thống kê của Sở TN&MT, sau đợt kiểm tra, nhắc nhở việc thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 27/2/2020 của BTV Tỉnh ủy về việc huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý triệt để rác thải ra môi trường hồi đầu năm, các địa phương có nhiều chuyển biến trong trong thực hiện nhiệm vụ này.

Đến nay, toàn tỉnh bố trí được 1.395 điểm tập kết rác thải, tăng 820 điểm so với thời điểm ban hành Chỉ thị (tháng 2/2020); bố trí 200 bãi rác của xã, thôn (tăng 85 bãi rác) với 63 lò đốt (tăng 4 lò đốt có công suất lớn); thành lập và duy trì hoạt động 648 công ty, hợp tác xã, tổ VSMT thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải (tăng 171 công ty, hợp tác xã, tổ VSMT).

Nhờ đó, tỷ lệ rác thải được thu gom đạt 88,8% (tăng 0,3%), tỷ lệ xử lý đạt 91,5% (tăng 4,2%). Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt ở một số nơi chưa triệt để, còn 11,2% chưa được thu gom; còn tồn đọng các điểm phát sinh rác thải không đúng quy định, tập trung nhiều tại huyện Lục Ngạn, Lục Nam và Tân Yên. Cùng đó, dù tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt hiện đạt 91,5% song tỷ lệ xử lý hợp vệ sinh mới chiếm 62,2%.

Đến nay, toàn tỉnh bố trí được 1.395 điểm tập kết rác thải, 200 bãi rác của xã, thôn với 63 lò đốt; thành lập và duy trì hoạt động 648 công ty, hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Nhờ đó tỷ lệ rác thải được thu gom đạt 88,8%, tỷ lệ xử lý đạt 91,5%.

Để thực hiện tốt chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy về công tác này, cùng với kiện toàn các tổ bảo vệ môi trường, các địa phương trong tỉnh đã có kế hoạch cụ thể triển khai xây dựng, mở rộng nhà máy xử lý rác thải.

Cụ thể, huyện Lục Ngạn đang triển khai xây dựng nhà máy có công suất 100 tấn/ngày tại xã Kiên Thành (dự kiến hoạt động trong tháng 6/2021); huyện Việt Yên mở rộng khu xử lý tại xã Thượng Lan, thu hút xã hội hóa đầu tư lò đốt rác thải cụm xã công suất 100 tấn/ngày (dự kiến hoạt động vào tháng 6/2021); huyện Lục Nam, Hiệp Hòa đã giải phóng mặt bằng xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung...

Với chức năng của mình, Sở TN&MT có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận của BTV Tỉnh ủy về tập trung đẩy mạnh thực hiện đối với các huyện, TP; kịp thời chấn chỉnh và tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, định kỳ hằng tháng hoặc đột xuất báo cáo UBND tỉnh giải quyết kịp thời.

Ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: “Hiện chúng tôi đang hoàn chỉnh hồ sơ, tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt nhằm tăng cường phân loại rác thải tại nguồn, tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu rác thải phải vận chuyển, xử lý, giảm chi phí từ ngân sách nhà nước. Đối với các địa phương đạt tỷ lệ thấp, Sở TN&MT đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn. Nếu địa phương nào không có giải pháp để nâng tỷ lệ, Sở sẽ tham mưu Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm điểm, phê bình người đứng đầu cấp ủy, chính quyền”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/359989/gan-trach-nhiem-ca-nhan-trong-thu-gom-xu-ly-rac.html